Lúa thuần TBR97 tại tỉnh Thanh Hóa đạt năng suất trên 67 tạ/ha
Kết quả gieo trồng thử nghiệm giống TBR97 trên cánh đồng vàn với diện tích 1 ha tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) cho năng suất trên 67 tạ/ha.
Nông dân huyện Nông Cống mong muốn TBR97 được đưa vào trồng đại trà. Ảnh: Võ Dũng. Mô hình trồng thử nghiệm TBR97 tại Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) cho năng suất 67,5 tạ/ha.
Vụ thu mùa 2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn giống Thaibinh Seed sản xuất thử nghiệm 1 ha giống lúa thuần TBR97 tại thôn Thành Liên, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống.
TBR97 là giống lúa năng suất, chất lượng cao do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo, Công ty Cổ phần Tập đoàn giống ThaiBinh Seed là đơn vị độc quyền sản xuất, kinh doanh. Giống TBR97 có dạng hình đẹp, bộ lá đứng, gốc gọn, thoát cổ bông tốt, độ thuần cao. Đây là giống lúa cảm ôn, thích ứng rộng, chịu thâm canh; thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân 120 - 125 ngày, vụ mùa 100 - 105 ngày); năng suất vụ đông xuân 70 - 75 tạ/ha; vụ hè thu-mùa 60 - 65 tạ/ha; tỷ lệ gạo xát 68%, tỷ lệ gạo nguyên/gạo xát 71-78%, hàm lượng amylose 17,2%, hạt gạo dài, trong, cơm trắng, bóng, mềm, đậm.
Quá trình sản xuất, bà con nông dân thực hiện mô hình áp dụng theo tập quán canh tác truyền thống, có điều chỉnh quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch hại nhằm đảm bảo cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, hợp lý và dễ áp dụng khi đưa ra sản xuất đại trà. Lúa được cấy trên chân đất vàn trung bình đến vàn cao, có độ phì trung bình khá.
Bà Trịnh Thị Bốn, người trồng 7 sào (3.500m2) giống lúa TBR97 cho biết, ngày 27/5/2020 bà gieo mạ, đến 10/6/2020 cấy với mật độ 40-42 cây/m2, 2-3 dảnh/khóm.
Quá trình chăm sóc, bà Bốn sử dụng phân bón Con Ó cao cấp (tỷ lệ 16-16-8) và bón bổ sung thêm 4 kg Kali; bón lót 10 kg phân lúa 1 NPK (tỷ lệ 16-16-8 + vi lượng); bón thúc lần một 10 kg phân lúa 1 NPK (tỷ lệ 16-16-8 + vi lượng); bón đón đòng trước khi lúa trổ 20 ngày với lượng 5 kg Kali.
Trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của lúa, gia đình bà chủ động phòng trừ bệnh khô vằn 1 lần và 1 lần phun phòng sâu đục thân lứa 5 khi lúa ở giai đoạn cuối phân hóa đòng đến trổ bông.
Điều khiến bà Bốn và nông dân xã Trường Sơn “kết” giống TBR97 là chiều cao cây lúa chỉ ở mức trung bình (khoảng 90-100cm), dạng hình gọn, cứng cây nên khả năng chống đổ rất tốt. Cây lúa đẻ nhánh khỏe, trỗ bông tập trung, số hạt/bông trung bình đạt 165 - 200 hạt, màu vàng sáng, tỷ lệ hạt chắc cao, tỷ lệ bạc bụng thấp. Đặc biệt, TBR97 có khả năng chống chịu tốt với bệnh đạo ôn và rầy nâu, chỉ nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và đốm nâu.
Bà Bốn mong muốn Công ty Cổ phần Tập đoàn giống Thaibinh Seed tiếp tục mở rộng nhiều điểm trồng thử nghiệm tại nhiều vùng sinh thái trong các vụ kế tiếp, có kết quả đánh giá chính xác hơn để nhân rộng sản xuất đại trà.
Ông Nguyễn Trọng Xuyến, người trồng 0,65 ha lúa TBR97 tại thôn Thành Liên, xã Trường Sơn đánh giá: “Đây là giống lúa có nhiều ưu điểm cả về năng suất và chất lượng. Điều nông dân cần là tìm ra được giống lúa vừa cho năng suất khá vừa chất lượng cao để đầu tư canh tác, đem lại hiệu quả kinh tế cao. TBR97 của Công ty Cổ phần Tập đoàn giống Thaibinh Seed thực sự rất đáng để bà con nông dân sử dụng, đặc biệt cho vụ thu - mùa”.
TBR97 có nhiều ưu điểm về năng suất chất lượng để đưa vào gieo trồng đại trà, đặc biệt trong vụ thu-mùa.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Cống, vụ thu mùa 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt và bất thường. Đầu vụ nắng nóng trên 36 độ C, độ ẩm thấp kéo dài đến cuối tháng 7/2020 (trên 50 ngày liên tục). Giai đoạn lúa trổ bông gặp mưa kéo dài, dẫn đến tỷ lệ hạt lúa bị lép, lửng cao. Tuy nhiên, sau 100 ngày cấy, TBR 97 vẫn cho kết quả hết sức bất ngờ, năng suất đạt gần 3,4 tạ/sào (67,5 tạ/ha). Cùng mức đầu tư tương đương, cùng thời gian sinh trưởng nhưng TBR97 cho năng suất cao hơn hai giống đối chứng từ 3,4-3,8 tạ/ha.
Từ kết quả trên, lãnh đạo huyện Nông Cống đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đưa giống lúa thuần TBR97 vào nhóm giống ngắn ngày triển vọng, bố trí trên chân đất quy hoạch sản xuất vụ đông, vùng né lụt ở vụ thu mùa trên địa bàn tỉnh nhà.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi lươn phát triển mạnh theo quy mô nông hộ do không cần diện tích lớn, có thể tận dụng chuồng trại cũ để nuôi, nhẹ công chăm sóc, giá sản phẩm cao.
Canh tác lúa theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) tại Quảng Nam đã thể hiện nhiều ưu điểm, giúp người dân giảm chi phí
Lúa mô hình nông nghiệp thông minh ở Quảng Nam không những phát triển tốt và sạch sâu bệnh mà còn cho năng suất cao hơn phương pháp canh tác truyền thống.