Mô Hình Khuyến Ngư Mới Hiệu Quả
Năm 2013, ngoài việc triển khai các chương trình khuyến ngư thường xuyên như tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp phòng trị một số bệnh thường gặp ở các loại thủy sản nước ngọt; triển khai 3 mô hình thâm canh cá tổng hợp trong ao theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)…
Trung tâm Thủy sản lần đầu tiên xây dựng mô hình hỗ trợ nông dân chăn nuôi thủy sản tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên) với 4 hộ tham gia.
Trại cá Hòa Sơn (thị trấn Hương Sơn, Phú Bình) hiện có 3,8ha ương nuôi giống cá, mỗi năm sản xuất được trên 200 triệu con cá (gồm bột, hương, giống). Đây là đơn vị sẽ cung ứng giống cá cho các hộ dân tham gia mô hình khuyến ngư mới. Trong ảnh Công nhân Trại cá Hòa Sơn xuất bán cá hương cho khách hàng.
Thực hiện mô hình này, các hộ được vay vốn không lãi suất bằng nguồn cá giống do các đơn vị trực thuộc Trung tâm sản xuất. Trong số 4 hộ, gia đình ông Hoàng Ngọc Dân, xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý đã mạnh dạn nuôi với diện tích lớn nhất (3,4) ha; tiếp đến là các gia đình ở xóm Khuôn Cướm, xã Yên Trạch - ông Mai Văn Giang nuôi 0,4ha, ông Ma Văn Tài nuôi 0,3ha và ông Ma Văn Ninh nuôi 0,1.
Các giống cá được đưa vào chăn thả là chép,; rô phi đơn tính, trôi Ấn Độ, trắm cỏ,vược, mè hoa… Tổng giá trị tiền cá giống cho các hộ trên vay gần 15 triệu đồng. Theo nhận định của ông Hoàng Ngọc Dân, do chất lượng con giống đảm bảo nên hiện nay cá đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, dự kiến 2,3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.
Năng suất cá ước đạt khoảng 8 tấn/ha, cao hơn 20-30% so với những vụ chăn nuôi trước. Còn ông Mai Văn Giang cho rằng sau khi được cán bộ của Trung tâm Thủy sản hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị các loại bệnh cho cá, ông đã có thêm nhiều kiến thức để tiếp tục duy trì và phát triển chăn nuôi thủy sản trên những diện tích ao, hồ hiện có của gia đình.
Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thủy sản cho biết: Để khuyến khích người dân phát triển thủy sản, chúng tôi đã từng hỗ trợ nông dân vốn, con giống (không hoàn lại)… Một số hộ dân thấy được hỗ trợ đã đăng ký tham gia chương trình, nhưng sau khi các mô hình kết thúc, họ cũng ngừng đầu tư chăn nuôi thủy sản nên nhiều mô hình không thể nhân rộng được trên địa bàn.
Còn hỗ trợ theo hình thức cho vay vốn bằng nguồn cá giống, chúng tôi sẽ tìm được những hộ có nhu cầu chăn nuôi thủy sản thực sự và họ luôn có ý thức, trách nhiệm trong việc chăn nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, từ đó thu hồi được vốn trả cho Trung tâm và có lãi trang trải cuộc sống gia đình.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, thực hiện mô hình này đã giúp người dân tiếp cận được với các đơn vị sản xuất giống cá có uy tín trên địa bàn tỉnh, từ đó tránh được tình trạng bà con mua phải con giống kém chất lượng, dẫn đến bị thất thu khi đầu tư chăn nuôi thủy sản. Về phía các đơn vị sản xuất cá giống cũng đã có thêm thị trường để tiêu thụ con giống, tăng doanh thu và thu nhập cho công nhân.
Thấy được hiệu quả từ mô hình này, năm 2014, Trung tâm Thủy sản tiếp tục mở rộng mô hình sang địa bàn huyện Phú Bình. Thông qua Hội Cựu chiến binh huyện, đã có 15 hộ hội viên ở các xã Tân Khánh, Điềm Thụy, Xuân Phương, Bảo Lý, Tân Thành, Tân Đức đăng ký tham gia với tổng diện tích chăn nuôi thủy sản là trên 20ha, trong đó gia đình cựu chiến binh Dương Văn Cam, xóm Hoàng Mai 2, xã Tân Khánh đã mạnh dạn đăng ký nuôi 6,1ha. Ông Dương Văn Cường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Phú Bình cho hay: Các hộ hội viên rất hào hứng với chương trình cho vay vốn không lấy lãi bằng nguồn cá giống này.
Tuy nhiên, mọi người mong muốn định mức cho vay có thể tăng lên 15 triệu đồng/hộ (tùy theo nhu cầu mỗi hộ) thay vì chỉ cho vay 4 triệu đồng/hộ như hiện nay. Hội sẽ đứng ra bảo lãnh cho hội viên nên phía Trung tâm yên tâm không lo bị thất thoát nguồn vốn vay.
Mong muốn của các hội viên Hội Cựu chiến binh Phú Bình đã được Trung tâm Thủy sản xem xét. Để mô hình nhanh chóng được triển khai, ngày 4-4, Trung tâm đã tiến hành tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thủy sản cho các hộ tham gia, dự kiến 2 đến 3 tuần nữa sẽ bắt đầu nhận con giống về thả. Có thể thấy, mô hình khuyến ngư mới này ở Thái Nguyên đã có những thành công bước đầu.
Thời gian tới, Trung tâm Thủy sản sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này tới 7 xã sẽ về “đích” nông thôn mới trong năm nay là Tân Cương, Quyết Thắng, Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên); Tân Hương (Phổ Yên); Lương Phú, Đồng Liên (Phú Bình); Hùng Sơn (Đại Từ). Qua điều tra của Trung tâm, các xã trên có tới trên 160ha ao, hồ có thể chăn nuôi thủy sản. Do đó, nếu đầu tư, khai thác tốt, chăn nuôi thủy sản sẽ mang lại một nguồn thu khá lớn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nơi đây…
Có thể bạn quan tâm
Nhiều nông dân “tố” Công ty cổ phần mía đường La Ngà và Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (Đồng Nai) không thu hoạch kịp thời nên hàng ngàn hécta mía bị chết khô. Điều này dẫn đến năng suất, chữ đường của mía giảm, gây thiệt hại kép cho nông dân.
Cùng với việc chủ động khắc phục hậu quả sau đợt rét đậm, rét hại, với khí thế khẩn trương, nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã hoàn thành gieo cấy vụ xuân…
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã có chủ trương chuyển đổi 1 ngàn hecta đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả và rau màu khác nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều nông dân đang đứng trước nguy cơ thua lỗ khi chuyển từ cây mía sang trồng sương sáo (còn gọi là thạch đen hoặc thủy cẩm Trung Quốc).
Cây sắn dây là loại cây quen thuộc lâu đời và là vị thuốc quý. Trong phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, người dân các vùng quê nông thôn Gia Bình (Bắc Ninh) quan tâm mở rộng diện tích trồng cây sắn dây theo kỹ thuật mới đem lại hiệu quả cao.
Được biết, HTX Chôm chôm Bình Hoà Phước là đơn vị thứ 2 sau HTX Chôm chôm Tích Khánh (Trà Ôn) được trao giấy chứng nhận này. Đây là cơ hội để chôm chôm xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ trong thời gian tới.