Mô Hình Giúp Sản Xuất Hiệu Quả
Ông Đoàn Thành Chung, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp 1 Nhơn Lộc (An Nhơn - Bình Định) cho biết: “Được sự giúp đỡ của UBND huyện, vụ đông xuân 2009 – 2010, chúng tôi triển khai mô hình “Cùng nông dân ra đồng” với 85 gia đình tham gia, diện tích sản xuất 8,3ha. Trước kia, nông dân xã Nhơn Lộc thường sản xuất theo kinh nghiệm, cứ đúng lịch thời vụ thì xuống giống, phun thuốc, khi thấy lúa đỏ thì bón phân, ít thăm đồng nên chậm phát hiện dịch bệnh, năng suất lúa không cao. Từ khi cùng cán bộ của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện mô hình, bà con xã viên được hướng dẫn, giúp đỡ từ khâu ngâm giống đến cắt lúa; hỗ trợ 50% thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình sản xuất. Do vậy, năng suất lúa đạt khá cao”.
“Bình quân, năng suất lúa của HTX Nhơn Lộc đạt 80 - 90 tạ/ha, thậm chí có tới 40% số hộ đạt năng suất 100 tạ/ha như hộ các ông Triệu Văn Tồn, Bùi Mộng Thôn ở thôn Trường Cửu. Vì thế vụ tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình lên 100ha với 166 hộ tham gia”, ông Chung hồ hởi khoe.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Châu, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn cho biết: “Mô hình “Cùng nông dân ra đồng” là hình thức đào tạo nghề tại chỗ và trực tiếp cho nông dân. Đây cũng là một phần trong công cuộc thực hiện hiệu quả việc triển khai Nghị quyết “tam nông” của BCH T.Ư Đảng khóa X. Trên thực tế, Huyện ủy An Nhơn đã tiếp thu và triển khai rất sớm Nghị quyết này, đồng thời giao cho UBND huyện tổ chức quán triệt, tập huấn cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở mỗi năm 2 đợt. Nhờ đó, hầu hết cán bộ đều nắm vững và vận dụng sáng tạo nghị quyết vào cuộc sống, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương”.
Cần nhân rộng
Chương trình “Cùng nông dân ra đồng” của Công ty cổ phần Thuốc bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã được triển khai rộng khắp ở các tỉnh Nam Bộ và nhiều địa phương trong cả nước. Với tiềm lực kinh tế của mình, AGPPS đã đào tạo, tuyển dụng hàng chục kỹ sư nông nghiệp/năm, cùng nông dân trực tiếp sản xuất. Chỉ tính riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, AGPPS đã xây dựng 1.000 điểm trình diễn và 11 mô hình trên diện tích 1.800ha, với 15.000 nông dân trực tiếp tham gia. |
Chương trình “Cùng nông dân ra đồng” tại xã Nhơn Lộc đã thực sự mang lại diện mạo mới trên các cánh đồng, cung cấp kịp thời những thông tin về sản xuất đến người dân. Theo đó, huyện bố trí mỗi xã một kỹ sư nông nghiệp chuyên về trồng trọt và một kỹ sư chuyên ngành bảo vệ thực vật. Hai kỹ sư này hàng ngày ra thăm đồng, cứ 5-10 ngày tổ chức họp một lần với các chủ ruộng để truyền đạt kỹ thuật chăm sóc; hướng dẫn người dân thực hiện đúng kỹ thuật bón phân cân đối, phun thuốc trừ sâu theo 4 đúng... trên từng đám ruộng cụ thể. Các giải pháp kỹ thuật mới được phổ biến cho nông dân như: gieo sạ với mật độ thích hợp (100kg giống/ha); xử lý hạt giống bằng thuốc để phòng trừ bọ trĩ, rầy nâu, thúc đẩy cây lúa sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh khỏe và tập trung... Cách làm này được bà con nông dân hết sức ủng hộ. Sắp tới, huyện sẽ dùng một phần kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng để nhân rộng mô hình ra 5 xã phía Tây Nam.
Qua theo dõi các chỉ tiêu kỹ thuật của mô hình, kết quả rất khả quan và thuyết phục, số nhánh hữu hiệu/cây đạt 3-5 nhánh; các đối tượng bọ trĩ, sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh đạo ôn, lem lép hạt chỉ gây hại nhẹ, chi phí thuốc BVTV giảm 50% so với ruộng ngoài mô hình; số bông/m2đạt 399 bông, số hạt chắc/bông 109 hạt, năng suất 7,3 tấn/ha, cao hơn lúa ngoài mô hình 80kg/ha; thu lãi 17 triệu đồng/ha. Theo tính toán, trên cùng một diện tích (1.000m2), áp dụng mô hình hiệu quả sản xuất tăng 380.000 đồng.
Ông Châu đánh giá, mô hình “Cùng nông dân ra đồng” giúp giảm thiểu, hạn chế được việc lạm dụng các loại phân bón hóa học; giảm lạm dụng thuốc BVTV, từ đó hạn chế ô nhiễm, cải thiện môi trường. “Thời gian tới, bên cạnh việc tập trung chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, chủ động quản lý dịch hại tổng hợp thì ngành chức năng cần quan tâm nhân rộng mô hình”, ông Châu nói
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến bất lợi, dịch bệnh tràn lan đã gây thiệt hại lớn đối với người nuôi tôm trong tỉnh Khánh Hòa. Một trong những nguyên nhân chính là do chất lượng nước, môi trường ao nuôi chưa được quản lý tốt.
Nhận thấy giải pháp tối ưu để phát triển bền vững sản xuất cá tra nhằm đảm bảo lợi ích cho cả người nuôi và nhà chế biến là xây dựng mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp (DN) và các thành phần cung ứng dịch vụ trong chuỗi sản xuất.
Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang) vừa tổ chức nghiệm thu mô hình nuôi cá thâm canh trên diện tích hơn 20 ha tại các xã Đông Lỗ, Hợp Thịnh, Thái Sơn (Hiệp Hòa).
Tình hình thời tiết trong thời gian qua tương đối thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản, cùng với việc tiếp tục giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ đã khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển.
Tổ hợp tác (THT) nghề nuôi cút xã Long An (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) do các cựu chiến binh (CCB) làm nòng cốt.