Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Mô hình giảm lượng giống gieo sạ

Mô hình giảm lượng giống gieo sạ
Tác giả: Minh Tiến
Ngày đăng: 06/03/2019

Dự án đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các giống lúa chất lượng, đạt tiêu chuẩn và tiến bộ kỹ thuật mới, trang bị kiến thức sản xuất lúa theo hướng đạt năng suất, chất lượng, ổn định và bền vững.

Mô hình giảm lượng giống gieo sạ tạo sự lan tỏa trong cộng đồng

Với mục tiêu giảm chi phí, tăng sử dụng hạt giống lúa xác nhận, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững trong sản xuất lúa hàng hóa, đồng thời nâng cao nhận thức của nông dân; năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã thực hiện mô hình Giảm lượng hạt giống gieo sạ.

Mô hình có quy mô 410 ha, trong đó huyện Long Hồ 17,6 ha, huyện Trà Ôn 112,4 ha, Tam Bình 87,1 ha và Vũng Liêm 192,9 ha; thuộc dự án “Nhân rộng mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa hàng hóa tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017- 2020”. 

Địa bàn được chọn triển khai mô hình phù hợp với quy hoạch và định hướng sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh và của huyện. Cánh đồng lúa tập trung, bằng phẳng, chân đất ruộng tốt.

Các hộ được chọn tham gia đều có ruộng đất phù hợp với nội dung, quy trình kỹ thuật của mô hình; tự nguyện đăng ký tham gia, nhiệt tình, có kinh nghiệm; đủ điều kiện tài chính, cơ sở vật chất, phương tiện thực hiện mô hình; quy mô diện tích bình quân đạt từ 1.000 - 30.000 m2/hộ; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm.

Mô hình thực hiện theo phương thức xã hội hóa, đó là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua giống lúa xác nhận (định mức hỗ trợ là 6.500 đồng/kg lúa giống), 30% chi phí vật tư thiết yếu, 30% chi phí đầu tư bộ dụng cụ sạ hàng cho nông dân có nhu cầu, 100% chi phí tập huấn cho nông dân tham gia mô hình, 100% chi phí hội nghị  đánh giá và nhân rộng mô hình.

Người dân tham gia mô hình đối ứng ruộng sản xuất, 50% chi phí mua lúa giống và 70% dụng cụ sạ hàng, 70% vật tư đối ứng, chi phí dịch vụ làm đất, chăm sóc, thu hoạch và cơ sở vật chất khác phục vụ cho sản xuất.

Quy trình kỹ thuật đã áp dụng trên 4 huyện thực hiện mô hình:

Ruộng mô hình không đốt đồng.

- Chuẩn bị đất: Cho nước vào ngâm đất khoảng 12 ngày rồi tiến hành làm đất kỹ, san phẳng mặt ruộng; bón lót phân lân ở đầu vụ, trước khi gieo sạ; sau đó đào mương, đánh rãnh trên ruộng, giúp rửa phèn và dễ quản lý nước.

- Giống: Giống hỗ trợ là OM5451 cấp xác nhận với số lượng 80 kg/ha. Giống được ngâm ủ với thuốc Cruiser, giúp tăng sức nảy mầm và phát triển cây mạ, phòng ngừa bù lạch, rầy nâu đầu vụ hoặc lúa giống được xử lý thuốc trừ ốc trước khi gieo.

Phương pháp gieo là sạ hàng và sạ lan thưa. Lượng giống sử dụng trong mô hình đã giảm hơn phương pháp sạ lan truyền thống  từ 70 - 100 kg/ha.

- Quản lý ruộng đầu vụ: Không cho nước vào ruộng cho đến 5 - 7 ngày sau khi sạ. Sau sạ 1  -3 ngày thì xử lý cỏ dại bằng thuốc cỏ tiền nảy mầm. Một số điểm mô hình, quản lý ốc bươu vàng trên ruộng bằng cách bắt bằng tay hoặc sử dụng các loại thuốc bả mồi và hạn chế ốc bên ngoài vào bằng lưới chặn, khi đưa nước vào ruộng. Đối với chuột, dùng bẫy hoặc bả mồi trước khi sạ.

- Quản lý dinh dưỡng: Công thức phân sử dụng trong mô hình: 89,8 -  63,2 - 36.  Phân được chia làm 4 lần bón; bón bằng phương pháp rải.

Bón lót phân lân supe:  135 kg.

Bón thúc lần 1 (8 - 12 ngày sau sạ): 40 kg DAP + 50 kg Ure + 20 kg KCL.

Bón lần 2 (18 - 22 ngày sau sạ): 50 kg DAP + 60 kg Ure.

Bón lần 3 (40 - 42 ngày sau sạ, bón đón đòng): 50 kg Ure + 40 kg KCL.

- Quản lý nước: Mô hình áp dụng phương pháp ngập - khô xen kẽ, cụ thể:

Trên ruộng, giữ nước ở mức 3 - 5 cm vào các giai đoạn: làm đất, sau khi xử lý thuốc cỏ tiền nẩy mầm, các thời điểm bón phân, lúc lúa làm đòng đến chín sáp. Ruộng được để khô mặt đất (đủ ẩm) vào các giai đoạn: Trước khi bón thúc lần 1, lúc lúa đẻ nhánh kín hàng đến khi chuẩn bị bón phân đón đòng và trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày.

Việc quản lý nước tưới áp dụng kỹ thuật ngập - khô xen kẽ đã giúp các ruộng trong mô hình hạn chế chồi vô hiệu, tập trung dinh dưỡng nuôi chồi hữu hiệu. Qua đó giúp rễ lúa phát triển tốt, ăn sâu, hút nhiều dinh dưỡng, lúa cứng cây, không đổ ngã, thuận tiện cho việc thu hoạch.

Tuy nhiên một số điểm mô hình chịu sự điều tiết nước từ địa phương khác, như Trung Nghĩa phụ thuộc cống Rạch Bàn (huyện Càng Long) nên địa phương phải thay đổi lịch gieo sạ (không thể theo lịch xuống giống của Phòng NN-PTNT huyện Vũng Liêm), điều này cũng làm cho việc quản lý mô hình trong giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn.

Mặt khác do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp nên một số hộ chỉ có thể áp dụng rút nước giữa vụ vào giai đoạn chuẩn bị đón đòng và giai đoạn 10 - 15 ngày trước thu hoạch.

- Quản lý sâu bệnh hại: Nông dân được hướng dẫn một số giải pháp chính trong giảm giống gieo sạ, phương pháp thăm đồng và quản lý sâu bệnh hại theo hướng IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

Một số dịch hại xuất hiện trong vụ như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá chín sớm… Tuy nhiên áp lực sâu bệnh trên đồng thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình gieo sạ dày.

Theo ghi nhận của cán bộ kỹ thuật qua theo dõi trên đồng cho thấy, giai đoạn trước 40 ngày sau sạ, số chồi trong mô hình luôn thấp hơn ngoài mô hình. Tuy nhiên nhờ sạ thưa, sử dụng giống xác nhận nên điểm thực hiện mô hình, lúa phát triển tốt, đẻ nhánh mạnh, 2 - 3 nhánh/bụi; lá lúa cứng, nhánh khỏe, thân cây mập, bộ rễ lúa khỏe hơn, lá lúa không che sáng lẫn nhau giúp cây quang hợp tốt, đồng thời nền đất ruộng cũng tơi xốp hơn, thời gian xanh kéo dài hơn. Cây lúa ngoài mô hình tuy số chồi/m2 nhiều nhưng do sạ dày nên cây đẻ nhánh rất ít, chỉ 1 - 2 nhánh/bụi.

Tham gia mô hình, người dân bón phân cân đối, hạn chế bón phân đạm đã giúp cây lúa cứng cây, ít đổ ngã, hạn chế sâu bệnh. Việc sử dụng phân lân trong bón lót đã giúp hạ phèn đối với những vùng đất phèn tiềm tàng, tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, giúp bộ rễ cây trồng khỏe, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng và hạn chế tình hình sâu bệnh hại.

Qua đánh giá kết quả cho thấy, năng suất bình quân trong toàn mô hình đạt 6,25 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt 17.678.000 đồng/ha, cao hơn năng suất lúa sạ lan ngoài mô hình khoảng 0,25 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn 4.879.500 đồng/ha.

Về hiệu quả kinh tế của ruộng trong mô hình cao hơn ruộng ngoài mô hình là 38,12%, trên cơ sở giảm chi phí đầu vào (giảm giống, phân bón, thuốc BVTV...) và tăng năng suất lúa so với ruộng sản xuất đại trà.

Về hiệu quả xã hội - môi trường: Do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên tiết kiệm được lượng nước tưới, tiết kiệm lượng giống, giảm lượng thuốc BVTV, giảm phân bón nhất là phân đạm, góp phần bảo vệ môi trường.


Có thể bạn quan tâm

Các biện pháp chăm sóc lúa trong thời tiết ấm Các biện pháp chăm sóc lúa trong thời tiết ấm

Khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đối với ngành nông nghiệp và bà con nông dân:

01/03/2019
Kinh nghiệm gieo mạ khay Kinh nghiệm gieo mạ khay

Gieo mạ khay là một tiến bộ kỹ thuật rất mới nên đòi hỏi bà con nông dân phải thực hiện đúng quy trình, dần đúc rút kinh nghiệm qua thực tiễn

05/03/2019
Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa vụ Mùa Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa vụ Mùa

Để thực hiện vụ Mùa năm 2018 đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật sau:

05/03/2019