Mô Hình Chuyển Đổi Đất Trồng Lúa Kém Hiệu Quả Sang Trồng Cỏ Nuôi Dê Sinh Sản
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững của tỉnh, trong đó có chủ trương chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi, trồng cây, con khác có hiệu quả kinh tế hơn, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã xây dựng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi dê sinh sản tại xã Giao Thiện (Giao Thủy) với mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác cho người nông dân.
Kết quả bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa, đảm bảo vệ sinh môi trường, có khả năng phát triển lâu dài.
Dê là con vật dễ nuôi, khỏe mạnh, ít bệnh tật, tiêu hóa chủ yếu thức ăn xơ, không lệ thuộc vào thức ăn tinh, vốn đầu tư ít, không chiếm quá nhiều diện tích đất nên đang được nhiều hộ nông dân chọn nuôi. Mặt khác, dê thương phẩm đang có thị trường tiêu thụ rộng, giá bán khá cao từ 120-130 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên hiện nay ở tỉnh ta chăn nuôi dê mới chỉ theo phương thức tận dụng nên hiệu quả kinh tế chưa cao, bị phụ thuộc nhiều vào nguồn cỏ tự nhiên và nguồn phụ phẩm nông nghiệp, do vậy nếu mở rộng chăn nuôi dê sẽ gặp khó khăn về vấn đề thức ăn. Để khắc phục vấn đề này, Trung tâm KNKN tỉnh đã khảo sát điều tra và chọn 2 hộ nông dân tại xã Giao Thiện có đất trồng lúa kém hiệu quả để xây dựng mô hình với quy mô 26 con, gồm 24 con cái và 2 con đực.
Tham gia mô hình, các hộ nông dân đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KNKN tỉnh tập huấn từ chọn địa điểm xây dựng chuồng trại, kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm, phòng và điều trị một số bệnh của dê, quản lý về con giống, thức ăn, nước uống, chất thải, thuốc thú y và dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các hộ còn được hỗ trợ con giống, thiết bị, vật tư. Trung tâm KNKN tỉnh phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống tận các hộ để chỉ đạo và giám sát suốt quá trình chăm sóc cỏ, nuôi dưỡng dê và theo dõi các chỉ tiêu kỹ thuật.
Chuồng nuôi dê xây dựng tách biệt với nhà ở, kiểu chuồng sàn, sử dụng đệm lót sinh học ở dưới đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Hai hộ đã chuyển toàn bộ 8 sào đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, là một trong những giống cỏ có năng suất cao, mỗi năm cho thu từ 100-400 tấn/ha tùy theo điều kiện thâm canh, dễ trồng.
Dê hậu bị được chọn là giống dê lai giữa dê Bách Thảo và dê Cỏ tại Trung tâm Dê thỏ Sơn Tây (Hà Nội). Các hộ đã thực hiện trồng cỏ đúng quy trình, kỹ thuật đã được hướng dẫn, làm rãnh cao, có độ thoát nước tốt nên cỏ sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo đủ cỏ cho đàn dê ăn hằng ngày.
Tại mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển, các hộ đã bổ sung thức ăn tinh và tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn dê theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Nhờ vậy, đến nay đàn dê sinh trưởng phát triển tốt, không bị mắc bệnh truyền nhiễm. Hiện nay đàn dê đã sinh sản được 15 con. Khu vực chuồng trại sạch sẽ, thoáng đãng ít mùi hôi, ít ruồi muỗi đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tất cả các chỉ tiêu kỹ thuật như: tỷ lệ thụ thai, trọng lượng dê con từ sơ sinh đến 5 tháng tuổi đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đề ra. Anh Đinh Xuân Quảng, xóm 30 là một trong hai hộ nông dân tham gia mô hình, anh cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào ruộng trồng lúa.
Tuy nhiên, những năm gần đây do đất ruộng bị nhiễm mặn nên năng suất lúa rất thấp, mỗi năm tính tổng cả 2 vụ xuân và mùa sau khi trừ chi phí, một sào chỉ lãi được khoảng 300-320 nghìn đồng. Năm nay, được biết Trung tâm KNKN tỉnh triển khai mô hình này, tôi xin tham gia và chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để nuôi dê sinh sản.
Qua theo dõi và tính toán, mỗi sào cỏ nuôi được 3 con dê sinh sản, lợi nhuận từ trồng cỏ nuôi dê theo phương thức nuôi nhốt hoàn toàn cho lợi nhuận là 5,8 triệu đồng/sào/năm, gấp rất nhiều lần so với trồng lúa”. Anh Quảng cho biết thêm, sau khi kết thúc mô hình, từ hiệu quả trên, anh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển quy mô đàn dê.
Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi dê sinh sản theo phương thức nhốt chuồng bước đầu đem lại nhiều lợi ích như: không mất công chăn thả, không bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài, rủi ro thấp; khắc phục được tình trạng nuôi tận dụng, phụ thuộc vào nguồn cỏ tự nhiên và nguồn phụ phẩm nông nghiệp; hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nhiều nông dân trong và ngoài huyện quan sát mô hình đều đánh giá cao và có nguyện vọng tham khảo học tập kinh nghiệm để triển khai tại gia đình. Địa phương và các cơ quan chức năng cần xem xét tạo điều kiện để tiếp tục nhân rộng mô hình, đáp ứng nguyện vọng của các hộ nông dân có diện tích đất sản xuất lúa chưa được khai thác hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Đắc Min, tỉnh Đắc Nông, đang xúc tiến xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa cho các sản phẩm xoài Đắc Ghềnh và sầu riêng Đắc Min. Đây đều là những loại nông sản đặc trưng của địa phương, với chất lượng thơm ngon vượt trội và sản lượng ổn định.
Ông Huỳnh Văn Hương, ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, được biết đến là một lão nông chăm chỉ, một hội viên Hội Cựu chiến binh tiêu biểu trong lao động sản xuất. Ngoài ra, ông còn được biết đến là một nông dân đầu tiên nuôi bò thành công trên địa bàn xã.
Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã tích cực tìm kiếm các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có mô hình trồng bí đỏ của gia đình chị Đinh Thị A Ngắc, ở làng 2, xã Vĩnh Thuận.
Ca cao khô lên men từ 50.000 - 55.000 đ/kg, ca cao tươi dao động từ 4.500 - 4.800 đ/kg tùy loại trái, tăng hơn 30% so với vài tháng trước.
185 xã đã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), hàng chục nghìn công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được hình thành… Đó là những kết quả nổi bật sau 3 năm cả nước triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.