Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Mở đường tín dụng cho tôm

Mở đường tín dụng cho tôm
Tác giả: Xuân Trường
Ngày đăng: 24/05/2017

Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đã có hiệu lực được gần 2 năm, nhưng người nuôi tôm, các hợp tác xã, hay tổ hợp tác thực hiện hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Một số mô hình nuôi tôm khó nhân rộng vì thiếu vốn   Ảnh: CTV 

Đó là phản ánh của đại diện người nuôi tôm ở Sóc Trăng trong buổi đối thoại chính sách tín dụng liên kết theo chuỗi giá trị con tôm, do Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại Sóc Trăng, ngày 11/4/2017.

Nhiều bất cập

Một trong những nguyên nhân được ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10, Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 (huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ đó là các quy định về thủ tục cho vay còn quá phức tạp, vượt khả năng của người nuôi tôm. Hiện tại, hầu như sổ đỏ của người nuôi tôm đều đã ở ngân hàng, trong khi theo Nghị định 55 người nuôi vẫn phải gửãi sổ đỏ hoặc xác nhận nguồn gốc đất đang canh tác cho ngân hàng.

Với quy định trên, theo ông Mã Thanh Hồng, Giám đốc HTX Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên), người nuôi tôm gần như “bít cửa” trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng theo Nghị định. Ông Hồng bức xúc: “Một khi người nuôi không có đủ vốn để nuôi, thì làm gì có đủ tôm bán cho nhà máy chế biến và như vậy thì lấy đâu ra đủ 10 tỷ USD xuất khẩu tôm”? Còn ông Mai Văn Đấu, Giám đốc HTX Toàn Thắng, thị xã Vĩnh Châu, lại nêu một khó khăn khác: “Hiện, HTX chúng tôi đang thực hiện nuôi tôm sạch, nhưng để xây dựng một phương án sản xuất khả thi thuyết phục được ngân hàng cho vay là hết sức khó khăn”.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, một số doanh nghiệp nuôi tôm ở Sóc Trăng có đủ vốn, kỹ thuật hầu hết đều thành công rất cao. Sóc Trăng hiện cũng có một số mô hình nuôi tôm thành công cao nhưng vẫn chưa thể nhân rộng do người nuôi còn thiếu vốn. Bên cạnh khó khăn về vướng cơ chế, thì một rào cản lớn nhất hiện nay khi tiếp cận vốn tín dụng là người nuôi không còn sổ đỏ, còn tài sản thế chấp khác thì lại rất ít. “Nguyên nhân chính là nghề nuôi tôm của chúng ta đến nay vẫn chưa thật sự bền vững, mức độ rủi ro còn cao, khiến ngân hàng không dám đầu tư”, ông Nhiệm chỉ rõ.

Trái ngược với các ngân hàng, nhiều đại lý cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm có sự linh hoạt, nhạy bén hơn trong việc chọn lọc đối tượng và thời điểm ít rủi ro nhất để đầu tư. Ông Nhiệm dẫn chứng: “Thông thường, khi tôm thẻ chân trắng được 60 ngày là có lời, nên từ thời gian này trở đi, các đại lý không ngại cho người nuôi tôm mua hàng trả chậm đến thu hoạch. Cách cho vay theo thời điểm này, tuy chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nguồn vốn, nhưng cũng giúp người nuôi giảm bớt áp lực về vốn, còn đại lý thì an tâm hơn về nguồn vốn của mình”.

Cấp bách tháo gỡ

Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi tôm hiện nay, ông Nhiệm đề xuất, các ngân hàng nên nghiên cứu các gói tín dụng thời điểm như các đại lý đã làm để giúp người nuôi tôm giảm nhẹ nỗi lo về vốn. Cùng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, ngay cả đại lý còn biết khi nào mới cần đầu tư để đảm bảo hiệu quả nhất, nên các ngân hàng với nghiệp vụ chuyên môn sâu của mình hoàn toàn có thể triển khai tốt gói sản phẩm cho từng giai đoạn nuôi tôm. Vấn đề là ngân hàng có thật sự muốn làm hay không mà thôi.

Để việc cho vay theo chuỗi hiệu quả hơn, theo ông Nhiệm cần bổ sung vào chuỗi đơn vị tư vấn độc lập, giúp ngân hàng và người nuôi kiểm tra các khâu trong quy trình sản xuất đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của chuỗi. Một khó khăn khác trong liên kết chuỗi hiện nay cũng được ông Nhiệm chỉ ra là các doanh nghiệp có sản phẩm uy tín, được người nuôi tín nhiệm thường không chịu tham gia. Theo chia sẻ của các hộ dân, bên cạnh việc đề xuất gói vay, vấn đề quản lý nguồn vốn vay cũng như bảo lãnh tín dụng cũng cần sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn

Buổi đối thoại này là cần thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho người nuôi tôm theo liên kết chuỗi giá trị, cũng như tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong việc giải ngân nguồn vốn theo tinh thần Nghị định 55 của Chính phủ.

>> Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ: Nếu chúng ta không thực hiện tốt liên kết chuỗi giá trị sẽ rất khó để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh cho con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Vì vậy, các khâu trong chuỗi giá trị, kể cả công tác tín dụng cần phải minh bạch, rõ ràng để các bên có thể hợp tác tốt với nhau trong việc cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận.


Có thể bạn quan tâm

Tuyệt chiêu kiểm tra tôm giống của lão nông lãi 2,5 tỷ/hồ nuôi Tuyệt chiêu kiểm tra tôm giống của lão nông lãi 2,5 tỷ/hồ nuôi

Sinh ra ở trảng cát thôn 2, xã Triệu Lăng (Triệu Phong, Quảng Trị), cuộc sống của lão nông 45 tuổi đổi thay nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng.

23/05/2017
Hiệu quả nhờ nuôi cá ruộng Hiệu quả nhờ nuôi cá ruộng

Giảm diện tích trồng lúa trong điều kiện thời tiết bất lợi, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa được xem là hướng làm ăn mới, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

24/05/2017
Quảng Nam: Độc đáo nuôi cá bằng phương pháp dân gian Quảng Nam: Độc đáo nuôi cá bằng phương pháp dân gian

Tận dụng dòng sông Tam Kỳ, ông Ung Tấn Lịch đã phát triển mô hình nuôi cá điêu hồng lồng bè và nuôi cá lóc trong bể xi măng bằng phương pháp dân gian.

24/05/2017