Hiệu quả nhờ nuôi cá ruộng
Chuyển dịch cơ cấu câu trồng vật nuôi, giảm diện tích trồng lúa trong điều kiện thời tiết bất lợi, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa được xem là hướng làm ăn mới, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.
Mô hình nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa cho hiệu quả bền vững Ảnh: TTKNQG
Thích ứng biến đổi khí hậu
Mô hình lúa - cá kết hợp được nhiều đơn vị triển khai trong thời gian qua, song nhìn chung đều cho kết quả khả quan, thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể nhân rộng. Điển hình, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) kết hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I triển khai mô hình cá - lúa tại một số địa phương ở Ninh Bình và Nam Định.
Theo các chuyên gia, do biến đổi khí hậu gây hạn hán, lụt lội, sâu bệnh… khiến năng suất lúa không cao, đời sống bà con rất bấp bênh nếu chỉ phụ thuộc vào cây lúa. Mô hình lúa - cá kết hợp là giải pháp giúp người dân cải thiện cuộc sống. Tại một số quốc gia phát triển như Na Uy, nông dân từ lâu đã thực hiện trồng rau kết hợp nuôi cá. Chất thải và thức ăn thừa của cá được tách lọc và tái sử dụng làm nguồn dinh dưỡng bón cho rau. Mô hình lúa - cá được triển khai cũng được thực hiện tương tự như vậy. Sau khi cây lúa phát triển khoảng 20 ngày tuổi có thể tiến hành dâng nước thả cá vào ruộng cho cá ăn sâu, rầy. Nhờ đó, giảm thiểu tối đa lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, mang lại nguồn thực phẩm sạch, an toàn.
Xét về hiệu quả kinh tế, diện tích mặt nước càng lớn thì thu nhập cho người dân càng cao. Tuy nhiên, trên phương diện về an ninh lương thực thì cần phải đảm bảo sự cân bằng về sản lượng lúa, cá thu được trên mỗi ha đất ruộng. Vì vậy, mô hình được thực hiện với tỷ lệ 20:80 nghĩa là với 1.000 ha đất ruộng sẽ có 800 ha để cấy lúa và 200 ha để đào ao, mở rộng kênh rạch thả cá. Toàn bộ giống lúa và giống thủy sản được hai đơn vị trên trực tiếp cung ứng, chỉ đạo kỹ thuật. Người dân tham gia dự án được các chuyên gia đào tạo, tập huấn về quy trình kỹ thuật canh tác lúa - cá.
Hiệu quả bền vững
Kết quả thu được sau khi triển khai mô hình lúa - cá tại các xã Yên Đồng (huyện Yên Mô, Ninh Bình), Yên Khánh, Yên Chính (huyện Ý Yên, Nam Định) cho thấy thu nhập của bà con tăng đến 2 lần so với độc canh lúa. Cụ thể, năng suất các giống thủy sản tại mô hình 1 lúa - 1 cá đạt 4,5 - 4,9 tấn/ha (thống kê 56/81 hộ đã thu hoạch), năng suất mô hình 2 lúa - 1 cá đạt 4,1 tấn/ha (thống kê 12/35 hộ đã thu hoạch), cao hơn mô hình canh tác truyền thống 1,2 - 1,9 tấn/ha, thu nhập 121 - 177 triệu đồng/ha. Năng suất các giống lúa trong mô hình 58,4 - 61,5 tạ/ha trong vụ xuân, 55,6 tạ/ha trong vụ mùa. Thu nhập từ mô hình lúa 48,5 - 62,5 triệu đồng/ha.
Theo ông Ngô Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khánh (huyện Ý Yên, Nam Định), tuy thời gian thực hiện mô hình chưa lâu nhưng đã mang lại hiệu quả rất khích lệ. Sau thời gian thực hiện, người dân tỏ ra hào hứng với mô hình này và bày tỏ muốn được tham gia tập huấn kỹ thuật và mong được các nhà khoa học, các chuyên gia quan tâm hơn nữa...
Ông Phạm Văn Tuyên, chủ hộ tham gia mô hình ở xã Yên Khánh cho biết, trước đây gia đình cũng thử trồng lúa kết hợp đào ao thả cá nhưng vì không có kỹ thuật, sản xuất tự phát nên hiệu quả không cao. Cá thu hoạch xong phải tự đem ra chợ bán và nhiều khi tiêu thụ chậm, chấp nhận lỗ. Khi thực hiện mô hình lúa - cá theo quy trình kỹ thuật mới cho sản phẩm cá sạch, tiêu thụ hết. Thương lái tìm đến tận nhà thu mua. Sản lượng lúa gạo thu được cũng rất ổn định do sử dụng giống đảm bảo dưới sự tư vấn của cán bộ khuyến nông.
Nhận định về mô hình cá - lúa, ông Nguyễn Văn Thôn, xóm 12, xã Hồng Thuận (huyện Giao Thủy, Nam Định) cho biết, từ ngày phát triển mô hình cá - lúa, được đi dự các lớp tập huấn về nuôi cá ruộng ứng phó với biến đổi khí hậu, gia đình ông đã nắm được những biện pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp hơn. Năng suất lúa từ mô hình này cho hiệu quả hơn bình thường 20 - 30%. Các phụ phẩm của lúa như rơm, rạ, những hạt thóc rụng… được tận dụng làm thức ăn cho cá, đặc biệt là cá trắm cỏ. Các loài địch hại của cây lúa như sâu, rầy… cũng là nguồn thức ăn tốt giúp cá phát triển. Trong khi cá lại hỗ trợ ngược lại, thải phân làm tăng nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, cá bơi lội sục bùn làm đất tơi xốp thoáng khí giúp rễ lúa nhanh phát triển hấp thu dinh dưỡng tốt. Những hiệu quả bước đầu đạt được đã thôi thúc ông Thôn dự định mở rộng thêm diện tích ruộng nuôi để phát triển kinh tế.
>> Nhiều nông dân đã dần thay đổi từ sản xuất độc canh 3 vụ lúa/năm, sang hình thức luân canh lúa - cá mang lại lợi ích kinh tế cao. Bên cạnh đó, nếu được triển khai rộng rãi, mô hình sẽ tạo điều kiện để các hộ ít vốn tận dụng diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập, hạn chế thuốc hóa học và cải thiện môi trường sinh thái.
Có thể bạn quan tâm
Vượt qua nhiều khó khăn về thị trường, kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản trong quý I/2017 vẫn tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1,51 tỷ USD
Phương pháp quản lý ao nuôi thời điểm thời tiết nắng nóng hiện nay
Sinh ra ở trảng cát thôn 2, xã Triệu Lăng (Triệu Phong, Quảng Trị), cuộc sống của lão nông 45 tuổi đổi thay nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng.