Miền Trung Lại Ồ Ạt Nuôi Tôm
Mới vào đầu vụ nuôi tôm nhưng tình trạng đào hồ, nhập giống, thả nuôi… đã ồ ạt ở các tỉnh miền Trung.
Nuôi tôm trong khu kinh tế
Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lâu nay người dân thường trồng cây phi lao (dương liễu). Tuy không đem lại giá trị kinh tế cao, những cánh rừng phi lao dọc bờ biển này có tác dụng chắn gió, chắn cát và giữ đất. Nhưng trước sức hút của con tôm, người dân đã chặt phá hết cây, thuê xe máy đào, máy ủi bạt rừng để lấy đất đào hồ nuôi tôm. Gia đình bà Trương Thị Vân trước đây làm nghề đi biển, nhưng thấy nuôi tôm có giá nên cũng thuê đất đào hồ tôm.
Bà Vân cho biết: “4 sào đất trồng rừng được thuê 9 triệu đồng/năm, đã đầu tư 500 triệu đồng làm đất và đào hồ rồi. Nếu bỏ giống nữa thì chi phí tăng lên 700 - 800 triệu đồng. Mong tôm được mùa, được giá để có tiền trả nợ cho ngân hàng”. Một số người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Bình Hải cho hay: Sở dĩ năm nay bà con ở đây “đua” nhau đào hồ nuôi tôm vì có hộ trong xã năm ngoái nuôi trúng quá, một năm lãi cả tỷ đồng.
Theo người dân xã Bình Hải đất ở đây xấu, toàn đá lại nằm sát biển nên chỉ phù hợp trồng cây phi lao. Trước khi phong trào nuôi tôm diễn ra, đất có giá chỉ khoảng 10 triệu đồng/sào. Còn hiện nay đất đã được đội lên 70 triệu đồng/sào! Để có được hồ nuôi tôm khoảng 2 sào, người nuôi phải bỏ ra khoảng 150 - 200 triệu đồng mua đất. Đó là chưa kể các khoản chi phí khác. Không có đất làm hồ nuôi tôm, người dân lấn vào diện tích đất đã quy hoạch cho các dự án trong khu kinh tế Dung Quất dù biết như vậy là phạm luật.
“Việc người dân tự ý nuôi tôm trong vùng quy hoạch là sai quy định. Vì vậy, UBND xã cũng đã xử phạt hành chính đối với những hộ dân trên. Tuy nhiên, sau đó người dân vẫn lén lút làm, vượt tầm kiểm soát của địa phương. Trước tình hình phát triển nóng này, xã đã báo cáo lên huyện để có hướng giải quyết” - ông Nguyễn Văn Hai - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết.
Cũng theo ông Hai, trước đây người dân ở Bình Hải chưa từng nuôi tôm. Do chưa có kinh nghiệm, về lâu dài nguy cơ thất bát khó lường. Chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo, phân tích rủi ro và đưa ra những bài học về con tôm nhiều nơi đã vấp phải. Tuy nhiên, trước hiệu quả kinh tế con tôm mang lại, người dân vẫn “mê” nuôi tôm.
Không kiểm soát được tôm giống
Tại Thừa Thiên - Huế, người dân cần khoảng 800 triệu con tôm sú và thẻ chân trắng giống để thả nuôi trên tổng diện tích ao hồ hơn 3.000ha ở các huyện nhưng các cơ sở sản xuất tôm giống tại địa phương này chỉ có khả năng đáp ứng được khoảng 20 triệu con/năm, đa phần người nuôi tôm phải mua giống từ các cơ sở tại Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa...
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên nguồn giống sản xuất tại chỗ bán với giá từ 50-60 đồng/con, còn con giống ở ngoại tỉnh giá rẻ hơn. Một cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận, dịch bệnh ở tôm nuôi thường xuyên xảy ra, chủ yếu chất lượng tôm giống không đảm bảo, công tác quản lý giống nhiều hạn chế. Đặc biệt, tôm giống mua từ các tỉnh bạn vận chuyển về đến Thừa Thiên - Huế bị “kiệt sức” nên người nuôi tôm chỉ biết vội vàng thả giống xuống hồ mà bỏ qua khâu kiểm dịch bằng máy PCR.
Ông Lê Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, việc quản lý con giống không đơn giản, bởi để xác định con giống bố mẹ nhập với con giống chọn từ tôm thịt thì ngay cả chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cũng gặp khó khăn. Do đó, việc quản lý sản xuất tôm giống hiện vẫn trông chờ vào “lương tâm” nhà sản xuất giống! Ngoài ra, khó phân biệt được tôm thẻ chân trắng giống có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan với con tôm Hawai (giống tôm tốt nhất hiện nay).
Bên cạnh đó, tôm thẻ chân trắng tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi trồng nghiêm ngặt với trình độ canh tác cao. Chỉ tính riêng năm 2013, hàng trăm hộ dân trên địa bàn đã sạt nghiệp vì tôm nhiễm bệnh đốm trắng, đỏ thân chết trắng hồ.
Có thể bạn quan tâm
Gần một tháng nay, hàng chục hộ nuôi cá lóc đầu vuông trong vèo ở xã Phước Chỉ (Trảng Bàng - Tây Ninh) lao đao vì cá bị ghẻ lở mà chưa rõ nguyên nhân.
Ông Trần Phượng ở xóm Tân Hương 2, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đến với nghề nuôi ong là một sự tình cờ và gắn bó với nó. Nhưng cái duyên đó bắt đầu từ việc làm quen, nuôi nhỏ lẻ 1-2 đàn đến ham thích nghề nuôi ong và chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm qua thực tế công việc, đã mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước làm người tiêu dùng e ngại sử dụng các sản phẩm gia cầm, khiến mặt hàng này bị giảm sức mua và rớt giá. Mặc dù Đà Nẵng chưa xuất hiện dịch nhưng những tiểu thương buôn bán mặt hàng này ở các chợ cũng đang thấp thỏm lo lắng khi sức tiêu thụ mỗi ngày giảm mạnh.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 đã bùng phát tại huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè và nguy cơ lây lan trên diện rộng rất cao. Do đó, ngành chuyên môn, ngành chức năng của tỉnh đang theo dõi sát tình hình diễn biến của loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm này để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Buổi sáng, chỉ cần vệ sinh chuồng trại, đến khoảng 3 giờ chiều thì cho nhím ăn, mỗi ngày cho ăn một lần là đủ. Nhím thuộc loài gặm nhấm nên đa phần là ăn về đêm.