Mía trổ cờ - một số biện pháp hạn chế
Trổ hoa là một quá trình phát triển sinh lý của cây trồng nói chung, cây mía nói riêng. Đối với người làm công tác lai tạo giống phải xử lý cho mía ra hoa (trổ cờ) mạnh, có khả năng sinh sản. Tuy nhiên, trong sản xuất mía đường thì việc trổ cờ lại là một bất lợi vì nó hạn chế chiều cao và làm giảm hàm lượng đường.
Trong ảnh: Mía trổ cờ sẽ làm giảm lượng đường ảnh hưởng đến chất lượng cây mía.
Ở khu vực vĩ độ thấp như Bến Tre thì thời gian mía trổ cờ vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch. Để tránh mía trổ cờ làm giảm năng suất, người trồng mía phải chọn giống không ra hoa hoặc hãm mía ra hoa bằng các biện pháp sau:
- Biện pháp thời vụ: Mía mọc mạnh hay yếu không liên quan gì đến trổ cờ. Nhưng muốn ra hoa, mía phải trải qua một giai đoạn sinh trưởng tối thiểu (trải qua giai đoạn vươn lóng). Sau giai đoạn này, mía bắt đầu cảm ứng ra hoa. Chính vì thế, mía trồng lấy đường cần bố trí thời vụ thích hợp để tránh trổ cờ, tùy từng vùng mà bố trí cho thích hợp:
+ Vụ Đông Xuân: trồng tháng 11 đến tháng 12
+ Vụ Hè Thu: trồng tháng 6 đến tháng 7
- Biện pháp canh tác:
+ Chọn giống: chọn những giống ít hoặc không trổ cờ: VN 84 – 4137, ROC 16, ROC 20, R570, Sufanburi – 7, K93 – 291
+ Rút nước gây hạn: thiếu nước vào thời kỳ cảm ứng, mầm hoa sẽ không hình thành được. Việc rút nước gây hạn ngăn chặn mía ra hoa là vấn đề cần được xem xét cụ thể, phải nắm được tập tính ra hoa của từng giống và xác định thời kỳ xử lý thích hợp. Qua thời gian xử lý phải tưới nước chăm sóc ngay để mía tiếp tục sinh trưởng cho năng suất.
+ Tăng hàm lượng phân đạm vừa phải: bón nhiều đạm có thể ức chế mía ra hoa, do tác dụng kích thích sinh trưởng của đạm. Tuy vậy, nếu kéo dài thời gian bón và với lượng đạm quá dư sẽ làm giảm phẩm chất, hàm lượng đường và độ tinh khiết. Đạm được bón trước cảm ứng mầm hoa ít nhất 10-15 ngày. Tăng đạm kết hợp với gây hạn trước và trong thời kỳ cảm ứng ra hoa và sau đó tưới trở lại để mía tiếp tục sinh trưởng có thể hãm mía ra hoa mà không ảnh hưởng tới sản lượng.
+ Cắt lá ngọn: phần ngọn và lá xanh trên ngọn là bộ phận cảm ứng mạnh với chu kỳ ánh sáng, kích thích hình thành mầm hoa. Chính vì thế, chặt bớt lá ngọn và lá xanh vào giữa tháng 8 và tháng 9 cũng làm giảm trổ cờ.
Trên đây là những thông tin kỹ thuật cơ bản, khi áp dụng cần chú ý tùy từng nơi, từng vùng, đất đai, thời tiết khí hậu, giống, cách chăm sóc,...mà xử lý cho thích hợp đề đảm bảo năng suất, chất lượng mía./.
Có thể bạn quan tâm
Chọn giống: Các giống mía mới như VN84-4137, ROC10, ROC16, quế đường 11; kế đến là VĐ86-368, K84-200 đang được nông dân ĐBSCL ưa chuộng.
Yêu cầu sinh thái: Cây mía có nguồn gốc nhiệt đới, nên nhu cầu về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm cao. Để cho cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao bà con cần chọn trồng mía ở những vùng có nhiệt độ từ 25-35 độ C.
Theo kinh nghiệm của các hộ xã viên, trồng mía có ưu điểm là cho thu nhập cao, tốn ít công chăm sóc, chi phí thuốc BVTV thấp hơn so với cây trồng khác trong vùng. Tuy nhiên để trồng mía cho chất lượng cao, bán được giá cần lưu ý mấy điểm sau (xin nêu để bà con tham khảo).