Mía Đắng Vì Đường... Lậu

Lượng đường nhập lậu lớn đang làm lũng đoạn thị trường đường trong nước, đã góp phần khiến giá đường liên tục giảm, dẫn đến giá mua mía nguyên liệu trong dân bị kéo giảm.
Nông dân và doanh nghiệp đều… lỗ
Theo thông báo từ đầu vụ của Công ty mía đường Trà Vinh, công ty sẽ thu mua mía nguyên liệu ngay tại nhà máy với giá 875.000 đồng/tấn mía đạt 10 CCS (chữ đường), giảm 55.000 đồng/tấn so với vụ trước; nếu tăng 0,1 CCS sẽ tăng thêm 10.000 đồng/tấn và ngược lại nếu giảm 0,1 CCS sẽ giảm 7.000 đồng/tấn.
Còn tại tỉnh Hậu Giang, mía 10 CCS được thu mua tại Nhà máy đường Phụng Hiệp với giá 830.000 đồng/tấn và tại Xí nghiệp đường Vị Thanh là 855.000/tấn. Tại Tây Ninh, hai nhà máy đường Thành Thành Công Tây Ninh và Biên Hòa Tây Ninh công bố giá thu mua mía nguyên liệu tại nhà máy là 900.000 đồng/tấn/10 CCS, giảm 100.000 đồng/tấn so với vụ niên vụ 2013 - 2014.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), nếu như vào đầu tháng 8, các nhà máy đường tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đưa ra mức giá thu mua 800.000 đồng/tấn/10 CCS ngay tại ruộng, thì đến tháng 11 này giảm xuống còn 750.000 đồng/tấn/10 CCS.
“Tại thời điểm tháng 11 vụ trước, giá mía thu mua 850.000 đồng/tấn/10 CCS tại ruộng và giá đường ở mức 14.000 - 14.500 đồng/kg, nhưng năm nay giá đường chỉ còn 11.500 -12.500 đồng/kg. Như vậy, giá đường giảm đi 18% còn giá mía chỉ giảm khoảng 12%.
Điều này cho thấy, các nhà máy đang gồng mình chịu đựng, thậm chí có nhà máy chịu lỗ để giữ giá cho người nông dân”, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA, cho biết.
Theo khảo sát tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua mía của thương lái tại ruộng hiện chỉ khoảng 600 - 730 đồng/kg, có nơi giá thu mua chỉ còn ở mức khoảng 500 đồng/kg (tùy chất lượng mía và địa điểm). “Chi phí sản suất trong vụ mía này từ 500 - 700 đồng/kg, thế mà thương lái chỉ mua với tầm giá đó thì nông dân chỉ có lỗ. Ai may mắn lắm là huề vốn”, ông Trần Văn Lực, nông dân xã Lương Hòa (Bến Lức, Long An), than.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết: “Thống kê sơ bộ thì giá thành sản xuất vụ mía này khoảng 760 đồng/kg, cộng thêm chi phí vận chuyển mía đến nhà máy, tính ra họ không có lãi”. Còn theo ông Trần Văn Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), với hình thức bao tiêu mía của Công ty mía đường Long Mỹ Phát theo dạng “mua xô” tại ruộng với giá 700 đồng/kg, thì nông dân sẽ không có lãi bởi giá mua thấp hơn giá thành sản xuất.
“Hiện doanh nghiệp vẫn đang giữ giá mía cho nông dân trong khi giá đường đang hạ. Với đà này, nếu giá đường xuống nữa thì giá thu mua mía chỉ xuống chứ không lên”, ông Hải nhận định.
Cần siết đường nhập lậu
Theo ông Nguyễn Hải, giá đường hiện nay thấp là do một phần bị tác động bởi giá thương mại thế giới, đồng thời lượng đường trong nước đang ở mức dư thừa. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường đường trong nước hiện nay vẫn là đường nhập lậu.
“Trong các năm gần đây, có tới 80 - 90% đường được bán ở các chợ đường lớn ở TP Hồ Chí Minh như quận 5, quận 6… đều là đường lậu Thái Lan, chỉ 10% là đường trong nước sản xuất. Theo báo cáo của Tổ chức đường Thế giới, lượng đường buôn lậu vào Việt Nam, chủ yếu qua biên giới tỉnh An Giang, với số lượng khoảng 400.000 - 500.000 tấn/năm, bằng 1/3 sản lượng trong nước”, ông Hải cho biết.
Bên cạnh đó, tổng nguồn cung ngoài lượng sản xuất trong nước (ước vụ 2014 - 2015 khoảng 1,5 triệu tấn) phải kể lượng đường tồn kho từ niên vụ trước và lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hằng năm trong hai niên vụ gần đây đã lên đến 2 triệu tấn/vụ. Trong khi đó, theo ước tiêu thụ của Bộ NN&PTNT hiện vào khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn, cân đối cung cầu sẽ thấy dư thừa khoảng 600.000 tấn.
“Xuất khẩu tiểu ngạch là lối thoát duy nhất nhưng hiện cũng đang gặp khó khăn. Mặc dù, Bộ Công Thương đã có văn bản dừng cấp phép đường tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược, nhưng phía chính quyền Trung Quốc thường kiểm tra kỹ hoặc cấm biên, thương nhân Trung Quốc thì căn cứ vào giá đường tạm nhập tái xuất giá rẻ trước đây để làm giá, ép giá đường trong nước khi xuất khẩu”, ông Hải cho biết.
Tất cả những điều này dẫn đến tình cảnh đường trong nước tiêu thụ chậm và do phải cạnh tranh nên bắt buộc phải giảm giá. Mà đường giảm giá thì nhà máy bắt buộc phải hạ giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân bởi không thể “cầm cự” nổi. Cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại và người chịu thiệt nhiều nhất vẫn chính là người trồng mía.
“Biện pháp ưu tiên hiện nay là ngăn chặn triệt để đường lậu thì ngành đường mới có thể “sáng” hơn được”, ông Hải khẳng định.
Đường Thái Lan giá rẻ do có chính sách tốt. Theo đó, từ năm 1984, Thái Lan đã có Luật đường và có chính sách bảo hộ mía đường. Họ sản xuất theo ba loại quota (hạn ngạch) A,B,C. Quota A là quota mà chính phủ Thái Lan bắt nhà máy đường cũng như nông dân phải đảm bảo cung ứng đủ tiêu dùng trong nước.
Quota B là quota ký kết hợp đồng xuất khẩu dài hạn với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Sau khi đảm bảo quota A và quota B, lượng còn lại thuộc quota C thì doanh nghiệp có quyền xuất khẩu với bất cứ giá nào có lợi cho doanh nghiệp nhưng không được tiêu thụ trong nước.
Đường nhập lậu vào Việt Nam chính từ quota C xuất khẩu với giá rẻ và khi vào Việt Nam nó chiếm lĩnh thị trường do chênh lệch giá và trốn thuế. Nếu đường trong nước hạ giá xuống thì đường nhập lậu từ Thái Lan cũng hạ xuống dưới một giá để chiếm thị trường vì vẫn lãi.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, hoạt động nuôi tôm phát triển mạnh theo hướng tự phát đã kéo theo sực bùng phát dịch bệnh, môi trường bị suy thoái và ô nhiễm do nuôi tôm với mật độ quá cao, sử dụng kháng sinh và hóa chất với liều cao...

Công ty APDC cho biết đang ứng dụng kỹ thuật thụ tinh chọn giới tính theo ý muốn. Theo đó, người chăn nuôi có thể chọn giới tính cho bê trước khi sinh sản bằng cách chọn tinh giới tính (đực/cái) để thụ thai cho bò mẹ.

Gần đây do một số loại cây trồng, vật nuôi bị dịch bệnh tấn công cũng như giá cả đầu ra liên tục rớt giá, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân; trong khi đó, nhiều hộ nông dân đang băn khoăn nên trồng cây gì, nuôi con gì để có đầu ra ổn định mà đặc biệt là để cải thiện kinh tế gia đình thì ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) có một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư thả nuôi gà và cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Trước thông tin gần đây nông dân ở một số tỉnh ồ ạt đốn ca cao để trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn, ông Trần Văn Nhịn, Trưởng Ban Quản trị Hợp tác xã (HTX) Ca cao Chợ Gạo (Tiền Giang) khẳng định: “Không có cây gì trồng xen vườn dừa hiệu quả hơn cây ca cao”.

UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định hỗ trợ gần 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2013 giúp nông dân xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm quýt đường Thuận Phú (xã Bình Phú, huyện Càng Long) và sản phẩm măng cụt Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè).