Mía Cù Lao Dung bị thiệt hại nặng nề do hạn, mặn
Nông dân Cù Lao Dung như đang ngồi trên “đống lửa”, vì không biết lấy đâu ra nước ngọt để cứu những cánh đồng mía đang dần héo úa, chết khô. Nông dân trồng mía đang đối mặt với vụ mùa thất thu.
Huyện Cù Lao Dung nằm giữa sông Hậu, giáp với Biển Đông, nên hằng năm, vùng đất cù lao này luôn chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu nặng nề nhất ở Sóc Trăng. Năm nay, do mưa kết thúc sớm lại không có lũ về từ thượng nguồn, hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt chưa được khép kín đồng bộ nên huyện Cù Lao Dung đã không còn nước ngọt tưới tiêu cho cây trồng từ nhiều tháng qua. Hiện nay, phần lớn kênh rạch tại Cù Lao Dung đều bị nhiễm mặn nặng, nơi độ mặn thấp nhất cũng lên tới hơn 12‰.
Chạy dọc suốt chiều dài hơn 30km của huyện Cù Lao Dung, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những cánh đồng mía chết khô, những con kênh cạn kiệt nước. Nắng nóng, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nông dân xứ cù lao.
Xã Đại Ân 1 là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất huyện Cù Lao Dung với hơn 1.700 ha. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1 Trần Trung Ngoan, bà con nông dân trong xã đã thu hoạch hơn 710 ha. Do ảnh hưởng của nắng nóng, xâm nhập mặn, nên hiện nay đã có hơn 38 ha mía bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 34 ha bị thiệt hại nặng.
Chỉ tay về phía đám mía chuẩn bị thu hoạch và đang héo đọt dần, ông Trần Thanh Bình ở ấp Đoàn Văn Tố A, xã Đại Ân 1 thở dài nói: “Chưa bao giờ bà con xứ Cù Lao phải chịu ảnh hưởng nặng nề do mặn xâm nhập đến như vậy, dù đã bước vào thời điểm thu hoạch nhưng vẫn chịu thất bại cay đắng vì mía giảm năng suất”. Đứng kế bên, ông Trần Thành Thật, ở ấp Đoàn Văn Tố A góp lời: “Không chỉ làm giảm năng suất, hạn, mặn còn làm giảm chữ đường khiến cho giá bán thấp hơn nhiều so với trước đây”. Giá mía tại ruộng hiện nay giảm chỉ còn khoảng 1.030 đồng/kg, cứ giảm một chữ đường sẽ giảm 100 đồng/kg.
Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung Đặng Văn Phụ cho biết: Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn thời gian qua đã làm cho gần 7 ha cây ăn trái của nông dân trong xã bị thiệt hại hoàn toàn. Riêng cây mía, trên địa bàn xã, bà con xuống giống 356 ha, hiện đã thu hoạch được 216 ha. Hạn, mặn đã làm giảm năng suất mía ở đây từ 10% trở lên, nhiều hộ đã bị thiệt hại hoàn toàn.
Đi đâu cũng nghe bà con than thở, chưa có năm nào nắng nóng, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt như năm nay. Hằng năm, năng suất mía ở vùng đất cù lao này bình quân đạt từ 12 tấn đến 15 tấn/công, nhưng do ảnh hưởng của hạn, mặn, nay chỉ còn từ 9 tấn đến 11 tấn/công. Nhiều hộ trồng mía ở Cù Lao Dung bị thiệt hại hơn 50% diện tích, không ít hộ đã bị mất trắng.
Nông dân huyện Cù Lao Dung vội vàng thu hoạch mía "chạy" hạn, mặn.
Niên vụ mía năm 2015 - 2016, toàn huyện Cù Lao Dung có gần 6.700 ha mía, hiện bà con nông dân đã thu hoạch hơn 2.100 ha. Theo thống kê của huyện, nắng nóng, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại hoàn toàn gần 180 ha mía; hơn 500 ha bị thiệt hại rất nặng nề, từ 50% đến 70%; hơn 1.230 ha bị thiệt hại từ 30% đến 50%; khoảng 4.700 ha bị thiệt hại dưới 30%. Năng suất mía đã giảm khoảng 28%, tương đương 34 tấn/ha. Riêng niên vụ mía năm 2016 - 2017, hạn, mặn đã gây thiệt hại gần 100 ha, trong đó có hàng chục ha bị thiệt hại hoàn toàn.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc cho biết: Ngành nông nghiệp huyện kiến nghị tỉnh sớm đầu tư nâng cấp hệ thống cống ngăn mặn, đê bao, bờ bao, nạo vét tất cả các kênh rạch trong khu vực cù lao để dự trữ khi có nước ngọt về, bảo đảm tưới tiêu cây trồng cho bà con. Bên cạnh đó, huyện sẽ hướng dẫn, tập huấn cho bà con về cách chọn giống mía ngắn ngày và có khả năng thích ứng tốt với điều kiện nhiễm mặn cao như hiện nay; cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng; thực hiện mô hình tưới tiêu nước tiết kiệm đối với cây mía và một số cây ăn trái, hoa màu khác. Đặc biệt đối với cây mía, địa phương sẽ thực hiện trồng rải vụ, phối hợp với nhà máy đường để có những chính sách đầu tư, thu mua nhằm bảo đảm cho các nhà máy hoạt động xuyên suốt, đồng thời giảm ảnh hưởng, thiệt hại đến mức thấp nhất khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn…
Có thể bạn quan tâm
Hàng năm từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 năm sau là mùa đánh bắt cá bông lau trên sông Hậu chảy dài từ An Giang đổ về Cần Thơ, Vĩnh Long và Sóc Trăng là nơi cá bông lau sinh sống.
Hiện nay, bà con nông dân tại một số vùng lúa trọng điểm của huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) như xã Tam Phước, An Ngãi, An Nhứt… đang thu hoạch vụ lúa Đông Xuân sớm.
Mặc dù đã được cảnh báo trước, nhưng người trồng tiêu ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vẫn không khỏi bị sốc khi hàng loạt vườn tiêu nhiễm bệnh và chết khi mùa thu hoạch đang đến gần.