Xã Sông Hinh (Sông Hinh, Phú Yên) cây tiêu chết, người trồng lo lắng
Cuối năm 2015, khi phát hiện rải rác vườn tiêu 5 năm tuổi của gia đình bị khô ngọn, úa lá, ông Nguyễn Văn Lộc ở thôn Bình Sơn, xã Sông Hinh, lặn lội lên tận Gia Lai, Đắk Lắk để học hỏi kinh nghiệm trị bệnh cho cây tiêu và áp dụng. Tuy nhiên, đến nay, cây tiêu của gia đình ông vẫn bị nhiễm bệnh và chết. Ông Lộc cho biết: Vườn tiêu nhà tôi có trên 250 trụ, hàng năm cho lợi nhuận 70 - 90 triệu đồng. Đến thời điểm này đã có khoảng 25 cây bị chết, dù đã tốn 10 triệu đồng mua thuốc trị bệnh. Ban đầu xác định, cây tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm.
Không chỉ vườn tiêu của ông Lộc, bệnh chết nhanh chết chậm còn tấn công những vườn tiêu chục năm tuổi đang trong kỳ cho trái. Chỉ trong vòng một tháng, hơn 30 gốc tiêu 10 năm tuổi của ông Trần Bá Huyên ở thôn Yên Sơn bị rụng lá, trơ trọi như những cành củi khô. Ông Huyên cho biết, ông đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua thuốc về chữa bệnh, nhưng cây tiêu vẫn chết. Trong khi mỗi gốc tiêu của ông chỉ một tháng nữa là cho thu hoạch không dưới 3kg quả khô, tương đương khoảng 500.000 đồng. Lo lắng hơn, tốc độ lây lan của bệnh rất nhanh và ngoài tầm kiểm soát của ông Huyên. Với nguy cơ này, vườn tiêu 200 gốc - nguồn thu nhập chính của gia đình ông sẽ bị xóa sổ.
Là cây trồng khó tính, đòi hỏi chăm sóc kỹ, dù ngành chức năng cảnh báo trước về bệnh chết nhanh chết chậm tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, nhưng nhiều người vẫn bất chấp đầu tư cho loại cây trồng này. Ông Trần Văn Thế, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Hiện toàn xã Sông Hinh có khoảng 30ha tiêu, nhưng đã có 25% diện tích bị chết vì bệnh chết nhanh chết chậm.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, khuyến cáo bà con nông dân phải cẩn trọng trong việc trồng cây tiêu. Khi trồng, người dân phải chọn những khu vực đất tốt và tuân thủ quy trình kỹ thuật nhằm hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra”.
Có thể bạn quan tâm
Giống nho đỏ ghép lai tạo với nho dại địa phương cho ra giống nho đỏ mới có vị ngọt, giòn đặc trưng. Giống nho đỏ mới này lại chịu được nắng hạn trên vùng đất phù sa pha cát núi ven biển.
Hàng năm từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 năm sau là mùa đánh bắt cá bông lau trên sông Hậu chảy dài từ An Giang đổ về Cần Thơ, Vĩnh Long và Sóc Trăng là nơi cá bông lau sinh sống.
Hiện nay, bà con nông dân tại một số vùng lúa trọng điểm của huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) như xã Tam Phước, An Ngãi, An Nhứt… đang thu hoạch vụ lúa Đông Xuân sớm.