Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao cát lót bạt

Mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao cát lót bạt
Tác giả: Văn Thái
Ngày đăng: 26/11/2019

Gamal M. Samadan và cộng sự 2018 đã tiến hành các thí nghiệm để đánh giá mật độ tôm phù hợp cho mô hình nuôi tôm trên cát ở Purworejo, Trung Java, Indonesia. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Fisheries and Aquaculture Journal.

Nuôi tôm ở mật độ thích hợp giúp quản lý tốt dịch bệnh. Ảnh minh họa

Vùng đất cát ven biển chủ yếu là đất có đặc điểm kết cấu cát, axit hơi trung tính pH (5.7-7.0), độ dẫn điện thấp và độ thấm nước cao. Nguồn nước ngọt bổ sung cho ao nuôi tôm hầu hết đến từ nguồn nước ngầm với đường ống ở độ sâu từ 20m - 40m, do đó chất lượng nước phụ thuộc vào điều kiện của thổ nhưỡng của đất xung quanh. Và nếu các giếng quá sâu, thì thành phần hóa học của nước sẽ mất cân đối với nước biển.

Nông dân nuôi tôm ở các mật độ khác nhau, tùy thuộc vào kinh nghiệm cá nhân hoặc bạn bè đã thành công với những vụ nuôi trước. Một số nông dân thả mật độ giống cao để có được sản lượng và lợi nhuận cao. Tuy nhiên, mật độ cao sẽ sử dụng nhiều tài nguyên hơn và có tác động bất lợi đến môi trường. Ngoài ra, việc xử lý chất thải từ siphon và thải trực tiếp ra khu vực xung quanh ao mà không cần xử lý gây ô nhiễm nước ngầm mà còn góp phần lây lan dịch bệnh. Do đó nuôi tôm thẻ chân trắng được quản lý tốt có thể mang lại lợi ích về kinh tế cũng như bảo vệ môi trường. Quản lý tốt bao gồm xử lý chất thải trước khi xả thải, hạn chế lãng phí nguồn nước ngầm và mật độ thả nuôi hợp lý.

Mật độ nuôi tôm tối ưu đã được báo cáo rộng rãi mặc dù có sự khác biệt về loài như Farfantepenaeus paulensis , Penaeus semisulcatus , P. indicus , Fenneropenaeus merguiensis và P. monodon. Tuy nhiên cho đến nay, mật độ tối ưu của nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao cát lót bạt vẫn chưa được biết đến. Do đó, nghiên cứu này được tiến hành để xác định ảnh hưởng của mật độ thả giống đối với sinh trưởng, tỷ lệ sống và sinh khối của tôm thẻ chân trắng trong các ao cát lót bạt.

Mật độ nuôi tôm trên ao cát lót bạt

Nghiên cứu này của Gamal M. Samadan và cộng sự 2018 nhằm xác định hiệu quả sản xuất tôm thẻ chân trắng với mật độ thả giống khác nhau.

Thí nghiệm được tiến hành bằng cách sử dụng 9 ao và với mật độ tôm 100, 200 và 300 con/m2 với ba lần lặp lại. Cho ăn với hàm lượng protein 30% với 3% sinh khối mỗi ngày. Vitamin C và protein omega được sử dụng bổ sung vào chế độ ăn của tôm. Tần suất cho ăn là 4 lần/ngày vào lúc 07.00, 11.00, 15.00 và 20.00. Thức ăn đầu tiên trộn với vitamin C (10 g thức ăn: 0,1 g vitamin C) vào buổi sáng và protein omega (10 g thức ăn: 0,1 g protein omega) vào buổi chiều. Thức ăn được cho bằng cách trải rộng trên mặt ao, đặc biệt là ở rìa ao. Trao đổi nước được thực hiện định kỳ với 10% khối lượng của mỗi ao để duy trì chất lượng của nước ao. Quá trình trao đổi nước đã được thực hiện cùng với quá trình siphon chất thải ở đáy ao. Cả hai quá trình này được thực hiện sau 25 ngày nuôi tôm đầu tiên và sau đó tiếp tục mỗi tuần 1 lần cho đến khi thu hoạch.

Các thông số như nhiệt độ, độ trong, pH, DO và độ mặn được đo lại hàng ngày, trong khi các thông số sinh học nitrat, nitrit, amoniac và tôm được quan sát, theo dõi 2 tuần một lần.

Kết quả:

Kết quả cho thấy các thông số về độ mặn, pH, nitrit và nitrat không khác biệt đáng kể trong ba nghiệm thức. Tuy nhiên tham số oxy hòa tan (DO) và amoniac ở nhóm tôm nuôi mật độ 100 con/m2 thấp hơn đáng kể so với các nhóm tôm có mật độ thả là 200, 300 con/m2 và các thông số TOD cũng khác nhau đáng kể giữa các nghiệm thức 100 và 200 (p <0,05). Nồng độ nitrat, nitrit và amoniac tăng theo thời gian, đặc biệt ở nhóm thả mật độ cao hơn, do lượng thức ăn cho tôm ăn nhiều hơn.

Biểu đồ cho thấy tốc độ tăng trưởng ở mật độ tôm thấp thì tốt hơn mật độ cao.

Kết quả cho thấy tỷ lệ sống có sự khác biệt đáng kể giữa ba nghiệm thức (p <0,05). Giá trị của tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) trong thời gian nuôi cũng thay đổi giữa ba nghiệm thức. FCR tăng lên khi mật độ tôm tăng lên. Giá trị FCR nhỏ nhất khi nuôi tôm ở mật độ 100 con/m2 là 1.00 và lớn nhất là mật độ 300 với FCR là 2.0. 

Nhìn từ khía cạnh kinh tế, mật độ thấp tạo ra một kích thước tương đối lớn, và có giá bán cao hơn so với tôm cỡ tôm nhỏ. Bên cạnh đó, mật độ thả giống tối ưu có thể làm giảm chi phí hoạt động canh tác, đặc biệt là thức ăn và chi phí cho máy sục khí. Do đó, nuôi tôm trên cát có thể được áp dụng với mật độ thả là 100 hoặc 200 con/m2 khi được xem xét về tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ sống và FCR. Tuy nhiên để nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao cát lót bạt cũng được khuyến cáo phải chú ý đến quản lý chất lượng nước, đặc biệt là amoniac, thường xuyên xi phong chất thải và quản lý chất thải thân thiện với môi trường.


Có thể bạn quan tâm

Lưu ý nuôi tôm trong ruộng lúa Lưu ý nuôi tôm trong ruộng lúa

Biện pháp tăng tỷ lệ sống cho tôm khi nuôi trong ruộng lúa, Mùa vụ thích hợp nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa

23/11/2019
Nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP Nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP

Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP” với quy mô 1ha/2 hộ của Hợp tác xã Thủy sản và Dịch vụ Duyên Hải (ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ).

25/11/2019
Công cụ phát hiện nhanh WSSV trên tôm và dự báo dịch bệnh Công cụ phát hiện nhanh WSSV trên tôm và dự báo dịch bệnh

Việc chẩn đoán nhanh và xác định sự hiện diện của mầm bệnh WSSV sẽ giúp người dân kiểm soát tốt hơn và có những biện pháp ứng phó khi có mầm bệnh xảy ra

26/11/2019