Mang Yang Ồ Ạt Trồng Tiêu
Cây hồ tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Do đó, diện tích trồng tiêu của tỉnh không ngừng tăng qua các năm và huyện Mang Yang cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Người dân ồ ạt trồng tiêu
Diện tích cây hồ tiêu mới phát triển trên địa bàn huyện Mang Yang một vài năm trở lại đây, tuy nhiên nhanh chóng trở thành một trong những cây trồng được ưa chuộng hiện nay. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện trên 533 ha và sẽ tiếp tục tăng vì hầu như năm nào hồ tiêu trồng mới cũng vượt trên 300% kế hoạch huyện giao.
Ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang cho biết: Theo kế hoạch, năm nay diện tích cây hồ tiêu trồng mà huyện giao là khoảng 20 ha. Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng thì diện tích trồng mới đến thời điểm này đã hơn 107 ha, đạt hơn 500% kế hoạch và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi người dân ở các xã Kon Thụp, Lơ Pang, thị trấn Kon Dơng… vẫn đang chuẩn bị đất, trụ, dây tiêu giống để trồng mới. Theo ông Cơ thì giá trị kinh tế mà cây tiêu mang lại cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng như cà phê, bời lời, hay cao su nên việc người dân đổ xô trồng tiêu là điều dễ hiểu.
Ông Trần Văn Ngọc-thôn 9, thị trấn Kon Dơng cho biết: Gia đình hiện có gần 1.000 trụ tiêu kinh doanh. Vụ thu hoạch vừa rồi sau khi trừ đi chi phí đầu tư cũng thu được trên 400 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Ông Ngọc chia sẻ thêm: Thấy giá tiêu luôn ở mức cao và ổn định nên năm nay tôi tiếp tục đầu tư gần 120 triệu đồng để mua trụ bê tông và giống tiêu để trồng thêm 500 trụ tiêu nữa.
Mặc dù thời điểm hiện tại vẫn chưa thích hợp để trồng nhưng dây tiêu giống trên địa bàn huyện Mang Yang là chủ đề “nóng” trong hơn một tháng qua. Ông Phan Thanh Phong-thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh đang dạo các vườn tiêu giống ở xã Kon Thụp để tìm mua tiêu giống buồn bã cho biết: Do cây hồ tiêu ở vùng này vẫn chưa xuất hiện bệnh nên ngay từ đầu mùa mưa tôi đã xuống một vườn tiêu giống ở thị trấn Kon Dơng đặt cọc 2 triệu đồng để mua 2.000 dây tiêu giống với giá 15.000 đồng/dây.
Nhưng ai ngờ sắp đến ngày chuẩn bị cắt dây tiêu về ươm thì vườn tiêu xuất hiện dấu hiệu dịch bệnh, nên tôi đành bỏ tiền cọc để đi tìm vườn tiêu giống khác để mua. Tuy nhiên, dù chấp nhận mất số tiền cọc, chấp nhận mua dây tiêu giống với giá 25.000 đồng/dây nhưng đến vườn tiêu ưng ý nào thì chủ vườn cũng có chung câu trả lời là đã có người đặt mua rồi.
Bên cạnh đó, giá đất nông nghiệp hiện tại trên địa bàn cũng không ngừng leo thang từng ngày. Theo ông Phạm Ngọc Cơ thì giá đất nông nghiệp hiện tại theo giá Nhà nước thì chưa tới 100 triệu đồng/ha, nhưng giá đất thực tế trên thị trường hiện nay cao hơn từ 3 đến 4 lần so với giá Nhà nước.
Nhất là những vùng đất thích hợp để trồng cây hồ tiêu, địa thế thuận lợi, nguồn nước đảm bảo thì giá càng được đôn lên cao, hơn 400 triệu đồng/ha và ngày càng có nhiều người dân ở các huyện khác tìm đến mua đất để trồng tiêu. Vì chất đất, điều kiện khí hậu ở Mang Yang tương đối thích hợp với cây tiêu và ít sâu bệnh so với các vùng đất ở Chư Sê, Chư Pưh…
Việc người dân Mang Yang ồ ạt đổ xô trồng tiêu bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng không chỉ phá vỡ quy hoạch của huyện mà còn gây không ít lo ngại cho các ngành quản lý. Đồng thời cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro cho người nông dân khi mà tình hình dịch bệnh trên cây tiêu đang ngày càng diễn biến phức tạp, mà hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc hay biện pháp hữu hiệu nào để khắc phục tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, cuối giờ chiều ngày 21-1, Cục BVTV đã yêu cầu Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phối hợp cung cấp thêm thông tin chi tiết từ phía Mỹ để giúp Việt Nam nhanh chóng truy suất, thu hồi táo của Mỹ nhiễm khuẩn trên thị trường Việt Nam nếu có.
Hồ hởi bên ruộng dưa vừa thu hoạch, ông Nguyễn Văn Luôn, ngụ xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Năm nay tôi trồng thử nghiệm 1,5ha nhưng nhờ khí hậu thuận lợi nên năng suất dưa lê đạt gần 50 tấn. Sau khi thu hoạch xong, khấu trừ các khoản chi phí, lãi trên 200 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa thì trồng dưa lê lợi nhuận cao hơn gấp 10 lần”.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa đưa ra kế hoạch xuất khẩu gạo trong năm 2015. Theo đó, trong quý I/2015, các DN trong nước dự kiến xuất khoảng 900 ngàn tấn gạo đi các thị trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi, nên sản lượng quýt hồng và quýt đường trên địa bàn huyện đều tăng so với năm ngoái. Sản lượng quýt hồng trên toàn huyện ước đạt khoảng 35.000-40.000 tấn, trong khi quýt đường vụ giáp Tết này cũng cho sản lượng 25.000 tấn (quýt đường 2 vụ/năm).
Năm 2014 tiếp tục là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) nói riêng. Tuy nhiên, Vinachem đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch mà điểm sáng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu sản phẩm cao su.