Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Măng Thít (Vĩnh Long) Xuống Giống Lúa Chất Lượng Thấp

Măng Thít (Vĩnh Long) Xuống Giống Lúa Chất Lượng Thấp
Ngày đăng: 19/04/2014

Khuyến cáo của ngành nông nghiệp là khi sản xuất vụ Hè Thu cần xuống giống lúa cho năng suất, chất lượng cao để hạn chế rủi ro.

Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa chất lượng thấp vẫn được xuống giống với diện tích lớn. Năng suất cao, giá bán ổn định là lý do để nhiều nông dân quyết định “canh bạc” xuống giống lúa chất lượng thấp. Ở huyện Măng Thít (Vĩnh Long), “canh bạc” này mang tên Ma Lâm 202 (ML 202).

Thống kê chưa đầy đủ của Trạm Bảo vệ thực vật Mang Thít, ở vụ lúa Hè Thu này, toàn huyện đã có đến 60% diện tích lúa ML 202 được xuống giống, tức có khoảng 3.900ha trong tổng diện tích xuống giống theo kế hoạch là 6.500ha. So với vụ lúa Đông Xuân, diện tích lúa này tăng trên 1.000ha. Các xã có diện tích xuống giống ML 202 khá cao là Mỹ An, Long Mỹ, Hòa Tịnh, Chánh Hội…

Theo khảo sát của ngành chuyên môn, giống lúa này được người dân xuống giống đầu tiên ở xã Long Mỹ, sau đó lan sang các xã lân cận.

Anh Võ Văn Mừng- cán bộ nông nghiệp xã Mỹ An cho biết: ML 202 hiện chiếm đến 95% diện tích xuống giống lúa Hè Thu (khoảng 427ha trong tổng 450ha diện tích lúa Hè Thu của xã), vụ Đông Xuân khoảng 500ha và cho năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha. Giá bán khá ổn định ở mức trên 5.000 đ/kg.

Một trong những lý do để người dân gắn bó với giống lúa này là giống ngắn ngày và cho năng suất khá cao. Vụ Đông Xuân có nơi năng suất đạt 10 tấn/ha, thấp cũng 7,5- 8 tấn/ha. Người dân chủ yếu bán lúa tươi tại ruộng với giá 5.200 đ/kg, có lúc lên 5.500 đ/kg và thấp nhất ở mức 5.000 đ/kg.

Về đầu ra của lúa này, bên cạnh thương lái ngoài tỉnh thì thương lái trong tỉnh cũng tìm mua khá nhiều, bên cạnh chọn mua lúa hạt dài thì ML 202 cũng ăn hàng mạnh. Trong khi giá lúa hạt dài có lúc rớt xuống mức giá dưới 5.000 đ/kg nhưng ML 202 lại giữ trên ngưỡng 5.000 đ/kg và thu hoạch bao nhiêu thì bán được bấy nhiêu. Hiện lúa này không còn tồn đọng trong dân.

Thông tin từ nhà cung cấp giống- Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam (tỉnh Ninh Thuận), ML 202 có tính kháng rầy, vàng lùn và lùn xoắn lá. Tuy nhiên, giống lúa ML 202 được trồng phổ biến tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh Đông Nam Bộ.

Nhưng qua thực tế sản xuất thì giống lúa này hiện đã nhiễm rầy và một số loại bệnh khác. Theo ông Võ Văn Quốc- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, giống lúa tròn ML 202 rất mẫn cảm với rầy nâu, ở vụ lúa Đông Xuân vừa qua và vụ Hè Thu sớm đều có xảy ra cháy rầy cục bộ trên diện tích lúa này nên cần lưu ý để có biện pháp bảo vệ lúa.

Thông báo được đưa ra vào ngày 2/4/2013 của Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Bình Thuận, việc sản xuất kinh doanh giống lúa thuần ML 202 chỉ có 2 đơn vị được phép là Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận (chủ sở hữu) và Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam (bên được chuyển giao có trụ sở tại Ninh Thuận). Các đại lý tiêu thụ giống không được tiêu thụ giống lúa thuần ML 202 mà không phải 2 đơn vị trên sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Gõ- Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Mang Thít cho biết: Hiện không ít người dân sử dụng lúa từ vụ trước để sản xuất cho vụ lúa tiếp theo nên nhiều khả năng thoái hóa giống sau nhiều vụ sản xuất, từ đó tính kháng một số loại dịch bệnh không đảm bảo như giới thiệu của nhà cung cấp. Ông nêu dẫn chứng, ở vụ Đông Xuân lúa ML 202 đã xảy ra nhiễm rầy và vụ Hè Thu nguy cơ bị nhện gié tấn công là rất cao.

Theo ông Đinh Hữu Đức- cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật Mang Thít, việc tăng đột biến một diện tích giống trong cùng vụ sản xuất sẽ gây áp lực không nhỏ cho việc phòng trừ dịch bệnh. Đối với diện tích ML 202 đã xuống giống, ngành chuyên môn đang tiếp tục hướng dẫn người dân trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản xuất tốt vụ lúa này.

Với giá lúa từ mấy vụ lúa vừa qua thì người dân hiện như được củng cố niềm tin cho giống lúa này. Nói như ông Nguyễn Văn Gõ, nếu vụ Hè Thu này giá ML 202 vẫn giữ ở mức khá thì diện tích lúa này sẽ còn tăng trong những vụ kế tiếp.

Khi một giống lúa cho năng suất khá lại bán được giá thì rất khó thuyết phục người dân hạn chế diện tích để sản xuất giống lúa khác. Song, thật khó để đảm bảo đầu ra của lúa luôn thông thoáng khi diện tích, sản lượng tăng mạnh và rủi ro thị trường chưa thể lường trước.

Có thể nói, người nông dân đang đặt cược quá lớn vào canh bạc ML 202. Một “canh bạc” mà “vận may” có lẽ đang nằm trong tay mối lái tiêu thụ.

Việc xuống giống ML 202 với diện tích khá lớn tiềm ẩn rủi ro rất cao, mặc dù đầu ra đang thông. ML 202 chất lượng thấp không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên chỉ tiêu thụ trong nước. Trong khi việc tiêu thụ lúa này lại phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.


Có thể bạn quan tâm

Giá Ba Ba Giảm Mạnh Giá Ba Ba Giảm Mạnh

Từ đầu năm đến nay, người nuôi ba ba trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) luôn lo lắng do ba ba rớt giá trên thị trường.

23/04/2014
Không Để Tác Động Tâm Lý Làm Giá Tôm Giảm Mạnh Không Để Tác Động Tâm Lý Làm Giá Tôm Giảm Mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm nội địa trong tháng 3/2014 có nhiều biến động mà nguyên nhân chính được nhận định là do ảnh hưởng của quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8).

23/04/2014
Trảng Bàng (Tây Ninh) Thu Hoạch Hơn 10.000kg Sữa Tươi Mỗi Ngày Trảng Bàng (Tây Ninh) Thu Hoạch Hơn 10.000kg Sữa Tươi Mỗi Ngày

Tính đến cuối tháng 3.2014, toàn huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) có tổng cộng 2.727 con bò sữa, trong đó có 690 con đang cho sữa. Sản lượng sữa vắt trung bình mỗi ngày là 10.361 kg.

23/04/2014
Phát Triển Cây Hồ Tiêu Ở Vĩnh Linh Phát Triển Cây Hồ Tiêu Ở Vĩnh Linh

Cây tiêu vốn là loại cây trồng chủ lực của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), thời gian gần đây giá tiêu lên cao và giữ ở mức ổn định từ 100.000 - 150.000 đồng/kg.

23/04/2014
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Cây Khoai Sáp Hiệu Quả Kinh Tế Từ Cây Khoai Sáp

Năm 2009, một vài hộ dân thôn Lập Định, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, từ một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai sáp. Với diện tích 4 ha ban đầu, đến nay toàn xã đã có 60 ha trồng khoai sáp.

23/04/2014