Măng Cụt Trúng Mùa Nhưng… Rớt Giá
Cây trái ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) năm nay trúng mùa, trong đó có măng cụt. Dự báo sản lượng của măng cụt mùa này tăng gấp đôi so với mùa trước, nhưng giá thấp.
Trái măng cụt ở Chợ Lách có vị ngọt, ngon, đặc biệt là ở các xã Vĩnh Hòa, Long Thới, Hưng Khánh Trung B, Vĩnh Thành và Phú Sơn. Trái măng cụt vùng này từng giúp nhiều nông dân đoạt giải cao trong các cuộc thi trái ngon ở Suối Tiên, Ngày hội Cây trái ngon - an toàn của tỉnh. Măng cụt còn được xem là loại trái ngon độc quyền của vùng Chợ Lách.
Cứ ba năm trúng mùa một lần
Đó là nhận định dựa trên kinh nghiệm của ông Huỳnh Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa, người có thâm niên trồng măng cụt ở xứ này.
Cứ khi nào gió chướng thổi mạnh là măng cụt trúng mùa, loại cây này trúng mùa hay không do thời tiết quyết định đến 70%, cây từ 20 năm tuổi trở lên cho năng suất cao, độ 50-100kg/mùa. Nhìn chung, măng cụt năm nay rất ngon, ít có hiện tượng xì mủ, năng suất cao, ước tổng sản lượng mùa măng cụt ở Vĩnh Hòa từ 1.500 - 2.000 tấn.
Vĩnh Hòa cũng là nơi có diện tích măng cụt đang cho trái nhiều nhất huyện Chợ Lách, khoảng 245ha với hơn 800 hộ trồng (tính hộ có từ 2 công đất trồng măng cụt 10 năm tuổi trở lên), chiếm gần phân nửa số hộ của xã. Thu nhập của người dân xã này chủ yếu từ các loại cây ăn trái như dâu, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon, bưởi da xanh, cam, quýt gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Măng cụt là loại cây dễ trồng, chỉ khó ở khâu xử lý ra hoa, mỗi năm măng cụt chỉ có một mùa kéo dài từ Rằm tháng 4 âm lịch đến Rằm tháng 7. Năm nay, gió chướng thổi trễ nên mùa măng cụt cũng đến trễ hơn so với mọi năm.
Giá thấp chưa từng có
Ba tuần qua, măng cụt rộ trái vì trúng mùa nhưng nhiều nông dân không phấn khởi lắm, hiện giá măng cụt bán xô tại vườn (bán đại trà, chưa lựa) có giá từ 13.000-15.000 đồng/kg (giảm từ 5.000-7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước).
Ông Huỳnh Văn Hòa chia sẻ: Măng cụt không thể làm nghịch vụ, ai giỏi lắm cũng chỉ làm cho trái ra sớm khoảng nửa tháng so với mùa vụ. Đầu vụ măng cụt năm nay, giá bán cao đến 80.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giá xuống thấp chưa từng có.
Nguyên nhân là do sản lượng nhiều, điệp khúc “trúng mùa mất giá”, măng cụt chỉ tiêu thụ nội địa, thương lái bán xuất đường tiểu ngạch, lại gặp mưa bão nên không đi xa được. Bên cạnh đó, tuy chất lượng măng cụt ngon nhưng không có ký hợp đồng với một điểm thu mua lớn để xuất khẩu, nhiều lần nông dân xã nhà đã có ý kiến đề xuất với ngành công thương nhưng chỉ dừng lại ở mức ghi nhận.
Ở xã Vĩnh Hòa có không ít hộ là nông dân sản xuất giỏi, làm giàu từ cây măng cụt như hộ Huỳnh Văn Hòa, Nguyễn Tấn Phương, Nguyễn Văn Ngộ, Nguyễn Thanh Tuấn, Phạm Văn Quang… mỗi năm thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/ha. Mong mỏi của người nông dân trồng măng cụt là được hỗ trợ hướng dẫn thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó có điều kiện liên kết 4 nhà tìm đầu ra bền vững, ổn định cho măng cụt.
Từ những điển hình nông dân sản xuất giỏi đi trước, cây măng cụt hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu mức thu nhập của người dân. Để đạt được điều đó, sự quan tâm của ngành chức năng luôn đóng vai trò quan trọng, nhất là trong xu thế sắp xếp lại nền nông nghiệp hiện nay.
Toàn huyện Chợ Lách có khoảng 1.100ha măng cụt đang cho trái, năng suất bình quân 1 - 1,2 tấn/ha (tăng khoảng 500kg/ha so với năm trước), ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con giữ vững diện tích măng cụt, đồng thời tập trung nâng cao năng suất.
Đề án Kinh tế vườn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của huyện Chợ Lách có mục tiêu khai thác tốt thế mạnh về kinh tế vườn, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, phát triển làng nghề hướng đến xây dựng nông thôn mới.
Huyện giữ tỷ trọng nông nghiệp năm 2015 khoảng 44,71% trong cơ cấu kinh tế; trong đó, cụ thể thu nhập kinh tế vườn bình quân đạt 100 triệu đồng/ha; tiếp tục hỗ trợ đầu tư chăm sóc 276ha đã thay giống mới cho vườn cây ăn trái kém hiệu quả, triển khai thực hiện 2 đề tài, trong đó có đề tài nghiên cứu khắc phụ hiện tượng xì mủ trái măng cụt.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi mang tính bền vững, ông Lê Thành Công, xã viên HTX Tôm càng xanh Phú Long, xã Phú Thành B (Tam Nông, Đồng Tháp) đã mạnh dạn chuyển từ sản xuất 2 vụ lúa/năm sang luân canh một vụ lúa - một vụ tôm càng xanh cho thu nhập cao.
Hằng năm, khoảng tháng 5 và tháng 6 (âm lịch), nhiều người dân tại các vùng lũ ở ĐBSCL mua cá giống để thả trên chân ruộng lúa nên sức mua nhiều loại cá giống tăng, nhất là các loại cá trắng
Chồn nhung đen là động vật thuộc họ gặm nhấm có xuất xứ từ Nam Mỹ. Đây là giống vật nuôi rất phù hợp với người nghèo bởi chúng chỉ ăn cỏ và các loại rau, củ, quả bình thường, nhưng lại cho thịt nhiều hàm lượng dinh dưỡng và được bán với giá khá cao
Hiện nay, nông dân huyện Cái Nước đang phát huy nhân rộng mô hình đa cây đa con, thu được hiệu quả khá cao, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, cây mắc ca là loài cây giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao; sau 8 năm trồng khảo nghiệm tại các vùng trong nước cho thấy cây có nhiều triển vọng và thích hợp với các tỉnh miền núi của Việt Nam, đặc biệt là tại vùng cao Tây Nguyên và các vùng thấp và cao ở Tây Bắc