Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Lưu ý trong vận chuyển cá giống

Lưu ý trong vận chuyển cá giống
Tác giả: Thanh Hiếu
Ngày đăng: 08/01/2020

Trong chuỗi sản xuất thủy sản, vận chuyển con giống là một khâu quan trọng góp phần nâng cao tỷ lệ sống và đóng vai trò quyết định đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.

Khi thả cá giống cần thao tác nhẹ nhàng - Ảnh: CTV

Các yếu tố ảnh hưởng

Nhiệt độ: Nhiệt độ trong túi chứa cá có liên quan đến nhu cầu ôxy của cá. Khi nhiệt độ cao, nhu cầu ôxy của cá tăng và ngược lại.

CO2: Trong quá trình trao đổi chất của cá, CO2 sản sinh liên tục và nồng độ tăng rất nhanh trong máu. Nó là chất khí dễ hòa tan trong nước, trong dịch tế bào và tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau: CO2, H2CO3, HCO3-, CO32-. Các ion HCO3-, CO32- liên kết với các ion dương và tham gia vào chất đệm của máu, còn H+ làm tăng độ axit của máu từ đó ảnh hưởng đến trạng thái protein của máu và cản trở sự kết hợp của Hemoglobin với ôxy của máu, làm tăng ngưỡng ôxy của cá, cản trở quá trình đào thải CO2 trong máu.

Amoniac (NH3): NH3 sinh ra trong quá trình phân hủy các chất thải của cá và các chất hữu cơ có sẵn trong nước bởi vi sinh vật yếm khí. Vì vậy, khi cá thải phân ra ngoài thì các vi sinh vật này sẽ sử dụng ôxy trong nước để phân hủy chất thải dẫn đến làm giảm nhanh lượng ôxy hòa tan trong nước; đồng thời làm tăng lượng khí amoniac, do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống của cá khi vận chuyển. 

Duy trì nhiệt độ ổn định

Để điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp khi thời tiết nắng nóng, người nuôi có thể sử dụng nước đá trộn với mùn cưa với tỷ lệ (8:1) xếp xen kẽ với túi chứa cá sẽ giảm được khoảng 8 - 100C. Hoặc cũng có thể dùng lục bình, thân chuối đập dập xếp xen với nước đá và túi chứa cá. Ngoài ra, người nuôi cần lựa chọn thời điểm vận chuyển thích hợp như sáng sớm hoặc chiều tối. Dùng các phương tiện vận chuyển chuyên dùng có thiết bị điều chỉnh nhiệt độ.

Giảm hàm lượng khí độc

 Tùy theo điều kiện có thể sử dụng các phương pháp sau:

- Sử dụng NaCl pha với nước (0,6 - 0,8%) tắm cho cá trước khi vận chuyển hoặc vận chuyển cá trong nước muối 0,3 - 0,5%.

- Dùng thuốc kháng sinh (pennicillin hoặc streptomycine) pha với nước chở cá với nồng độ 20 - 25 ppm.

- Chọn nguồn nước sạch, mát cũng có tác dụng tốt đối với quá trình giảm sự phân giải NH3 và đào thải CO2.

- Phương pháp hấp thụ: Dùng than hoạt tính (80 - 100 g/30 lít nước) để hấp thụ một số loại khí độc thải ra trong quá trình vận chuyển cá (than hoạt tính chứa trong túi vải).

Giảm chất thải

Cho cá nhịn đói: Trước khi vận chuyển cá phải “luyện cá” khoảng 1 - 2 ngày (tức là cho cá nhịn đói) để hạn chế tối đa các chất thải của cá và nên tắm cho cá bằng NaCl nồng độ từ 2 - 3% trong thời gian từ 7 - 10 phút vừa có tác dụng ức chế quá trình hoạt động của các vi sinh vật và vừa có thể phòng bệnh cho cá.

Phun mưa: Là phương pháp khá đơn giản nhưng hiệu quả cao trong việc tăng lượng ôxy hòa tan và loại trừ sản phẩm thải. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi có một thùng chứa nước đặt ở vị trí cao hơn so thùng chứa cá và thường được áp dụng khi vận chuyển cá trong các thùng chứa lớn, vận chuyển đường dài, thời gian dài và có định kỳ thay nước.

Sục khí: Biện pháp này hiện nay được dùng khá phổ biến. Có thể dùng một máy nén khí nhỏ (150 - 200W) hoặc dùng bình chứa ôxy để sục khí. Biện pháp này vừa có tác dụng loại bớt các khí độc sinh ra trong quá trình vận chuyển vừa làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan.

Gây mê: Việc gây mê giúp đảm bảo thành công, nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, trong một số trường hợp, việc nhúng cá vào chất gây mê rồi chuyển cá sang thiết bị vận chuyển còn có tác dụng giữ cho cá được đẹp, không bị bong tróc vẩy hay trầy xước. Hiện nay, người nuôi có thể gây mê bằng MS222 (Tricaine methane sulphonate) với nồng độ 30 - 50 mg/l (tùy thuộc vào loài thủy sản).

Phương pháp vận chuyển

Hiện, có hai phương pháp vận chuyển được sử dụng là vận chuyển hở và vận chuyển kín. Đối với vận chuyển hở, nên áp dụng cho quãng đường vận chuyển ngắn, số lượng cá ít. Phương pháp này chủ yếu được sử dụng để vận chuyển cá bố mẹ. Dụng cụ bao gồm: thùng chứa có sục khí, túi nilon và phương tiện vận chuyển. Trường hợp quãng đường vận chuyển dài, người nuôi nên áp dụng phương pháp vận chuyển kín. Đây là phương pháp vận chuyển mà cả cá và nước không tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Phương pháp này được áp dụng cho hầu hết các loài cá giống, cá hương, cá bố mẹ. Dụng cụ vận chuyển là các túi nilon có bơm khí ôxy, mỗi túi có thể tích khoảng 40 - 45 lít. Phương pháp này thích hợp với thời gian vận chuyển không quá 7 giờ.

Chăm sóc cá sau khi thả

Khi vận chuyển giống tới ao nuôi thì các thùng/túi chứa cá nên được thả và ngâm trong ao nuôi khoảng 15 - 30 phút, không được mở nắp đến khi nhiệt độ trong ao và trong thùng/túi tương đối cân bằng nhau, cho nước chảy từ từ vào, để cá bơi tự nhiên ra, khi cá ra khỏi bao khoảng hơn 1/2 mới dốc túi cho cá ra hết.

Khi thả cần thao tác nhẹ nhàng, tránh đột ngột. Cần phải chú ý cẩn thận, không thả cá dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp, nên thả lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tại địa điểm thả cá nên dùng muối để khử trùng mầm bệnh. 

Trong ngày đầu mới thả, không cần cho cá ăn vì để cá có thời gian làm quen với môi trường mới. Khi cho ăn lần đầu, chỉ nên cho một lượng thức ăn với khoảng 1% tổng trọng lượng số cá thả và duy trì như vậy trong vòng 3 - 4 ngày, sau đó tăng dần lượng thức ăn 3 - 5% tổng trọng lượng cá/ngày.

Vận chuyển giống là giai đoạn sau khi đã chọn được giống nuôi đạt yêu cầu, đảm bảo chất lượng. Cá giống khi vận chuyển về nuôi phải khỏe mạnh, được vận chuyển trong điều kiện tốt, đảm bảo hàm lượng ôxy cao và NH3 < 0,1 mg/l (Boyd, 1988).


Có thể bạn quan tâm

Guangdong Evergreen thay đổi chiến lược thị trường Guangdong Evergreen thay đổi chiến lược thị trường

Do mức thuế quá cao của Mỹ, họ phải dừng dây chuyền chế biến cá rô phi quy mô lớn để đầu tư sản xuất các loài thủy sản khác thúc đẩy tiêu thụ trong nước.

08/01/2020
Lưu ý nuôi thủy sản mùa đông Lưu ý nuôi thủy sản mùa đông

Các biện pháp chống rét cho cá? Nuôi tôm vụ đông cần lưu ý những gì?

08/01/2020
Nuôi tôm bằng công nghệ mới đầu tiên ở Việt Nam Nuôi tôm bằng công nghệ mới đầu tiên ở Việt Nam

Công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen lần đầu tiên được sử dụng trong nuôi tôm tại Quảng Nam bước đầu đã mang lại hiệu quả.

08/01/2020