Luân canh lúa - tôm trên đất phèn
Qua thử nghiệm “Mô hình luân canh lúa - tôm trên vùng đất phèn nhiễm mặn huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang” của kỹ sư Nguyễn Hoàng Tâm, Chi cục Thủy sản tỉnh cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Mô hình đã nhận được sự đồng tình của bà con nơi đây.
Mô hình luân canh lúa - tôm sẽ là một lựa chọn mới trong canh tác nông nghiệp cho nông dân vùng đất phèn bị nhiễm mặn của huyện Long Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Khải, hộ dân tham gia mô hình ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho biết: “Theo tôi thì những năm tới bà con nên áp dụng mô hình này và chỉ phát triển 1 vụ lúa luân canh với tôm hoặc thủy sản khác như cá. Bởi qua mô hình, tôi nhận thấy có hiệu quả, kiếm được lợi nhuận so với việc trồng lúa 3 vụ hay 2 vụ”.
Vụ nuôi tôm năm rồi (từ tháng 6 đến tháng 12-2017), ông Khải thu lời hơn 7 triệu đồng. So với làm lúa vụ Hè thu hay Xuân hè thì ông Khải chỉ phá huề thậm chí thua lỗ. Đến vụ lúa Đông xuân năm nay, thực hiện theo mô hình cải tiến, ứng dụng biện pháp khoa học kỹ thuật và trồng giống lúa thơm có chất lượng, ông Khải lại càng vui hơn. Nếu như các hộ bên ngoài mô hình trồng các giống lúa khác năng suất thấp, bán với giá hơn 5.000 đồng/kg lúa tươi thì ông Khải lại ước tính năng suất đạt gần 1 tấn/công. Giá lúa lai B-TE1 mà ông trồng đã được thương lái ngỏ giá mua dự kiến từ 6.100-7.000 đồng/kg.
Còn bà Đào Thị Gỉ, tham gia mô hình lúa luân canh của gia đình sắp thu hoạch lúa cũng rất khả quan. Bà Gỉ cho biết: “Có vài hộ gần nhà bị thất trắng, lúa không trổ bông do bị rầy nâu thì ruộng lúa của tôi lại trĩu hạt. Tất cả là do tôi được kỹ sư hướng dẫn đúng kỹ thuật và sử dụng giống lúa lai có năng suất cao”.
Theo kỹ sư Nguyễn Hoàng Tâm, mặc dù là mô hình mới, nhưng sản xuất lúa - tôm đã giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các hộ làm mô hình sau khi thu hoạch lúa đã tận dụng được dinh dưỡng từ gốc rạ và nguồn thức ăn tự nhiên để nuôi tôm. Nhờ đó mà giảm được chi phí đầu tư. Hơn nữa, mô hình còn giúp bà con thay đổi tập quán làm lúa 3 vụ không hiệu quả mà còn gây nguy hại cho môi trường. Tuy vậy, do năm 2017 độ mặn thấp (dưới 3‰) kèm theo thời tiết bất lợi, mưa nhiều làm cho tôm chậm lớn nên lợi nhuận không đạt tối đa. Trong khi đó, muốn tôm phát triển thì độ mặn phải đạt 6-7‰.
Cũng từ nguyên nhân này mà Chi cục Thủy sản tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp và kỹ thuật nuôi tôm cho nông dân trong trường hợp nước không đủ độ mặn. Bà Nguyễn Thị Thùy Lam, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh đã đề xuất các phương án như: Đối với trường hợp nước có nồng độ mặn từ 3‰ trở lên thì khuyến khích nuôi 1 vụ tôm sú luân canh 1 vụ lúa. Còn nếu độ mặn dưới 3‰ thì không nên nuôi tôm sú mà chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác như cá lóc ghép cá rô phi, tôm thẻ hoặc tôm càng xanh. Lưu ý không nên thả mật độ dày, chỉ dưới 5 con/m2 đối với mô hình nuôi quảng canh cải tiến (có cho ăn thức ăn) và mật độ 1-2 con/m2 đối với mô hình quảng canh (chỉ ăn thức ăn tự nhiên).
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lê Xuân Tý nhận xét: Qua 1 vụ nuôi tôm và sản xuất lúa thì thấy mô hình lúa lai có khả quan vì sản lượng dự kiến thu hoạch khá đạt. Tuy vụ tôm chưa đạt hiệu quả tuyệt đối do nhiều điều kiện bất lợi của môi trường nhưng cũng phần nào giúp nông dân có được lựa chọn mới để áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình. Hơn nữa, mô hình đã cải thiện được tập quán, kỹ thuật trong sản xuất lúa, biện pháp cải tạo đất phèn nhiễm mặn cho nông dân. Hiệu quả mô hình sẽ góp phần giúp kinh tế nhà nông vùng đất phèn từng bước thêm phát triển.
Như vậy, qua thử nghiệm, mô hình luân canh lúa - tôm dù không đạt kết quả tối ưu nhưng vẫn thêm một lựa chọn mới cho nông dân vùng đất phèn nhiễm mặn huyện Long Mỹ trong định hướng sản xuất. Với mô hình này, người dân vùng ngoài đê bao của huyện Long Mỹ sẽ có được biện pháp đối phó và tiếp tục phát triển kinh tế mà không lo xâm nhập mặn.
Có thể bạn quan tâm
Từ trại sản xuất cá giống, anh Sơn mạnh dạn mở rộng trang trại, tăng số lượng giống ươm đồng thời chuyên môn hóa quy trình sản xuất với lợi nhuận cả tỷ đồng/năm
Tiền Giang, hiện nay, tỉnh đã khai thác được trên 122 ha bãi bồi đưa vào nuôi cá da trơn, chủ yếu là cá tra theo mô hình thâm canh.
Anh Phan Văn Tèo, 36 tuổi, Giám đốc HTX Hậu Giang An Bình Yên, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn đào ao để nuôi cá lóc bông