Lúa Mùa Ở Đạo Đức Thiệt Hại Lớn Do Rầy Nâu Và Thiên Tai

Những cánh đồng lúa mùa ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên) đang vào mùa gặt, thế nhưng nhiều hộ gia đình trong xã không khỏi lo lắng khi nhiều diện tích lúa có khả năng bị mất trắng hoặc giảm năng suất đáng kể do rầy nâu gây hại và ngập úng do mưa lớn và gió giật ảnh hưởng từ hoàn lưu Bão số 3 trong ngày 17, 18.9 vừa qua.
Vụ Mùa năm nay, xã Đạo Đức gieo cấy 173 ha lúa, một số trà chín sớm đang được bà con khẩn trương thu hoạch. Trái với những vụ trước, trên khuôn mặt những người nông dân nơi đây không nở những nụ cười mà thay vào đó là những ưu tư, lo lắng bởi trong những diện tích lúa đang được thu hoạch, có không ít thửa ruộng phải gặt mà không thu được thóc do rầy nâu đã làm “cháy” cả ruộng.
Cầm những bó lúa vừa gặt trên tay, cô Trần Thị Hồng, thôn Làng Nùng thở dài: “Chưa năm nào rầy nâu lại nhiều như năm nay, dù phun thuốc nhiều lắm nhưng vẫn không hết rầy. Các anh thấy đấy, cả ruộng lúa thì có đến một nửa bị mất trắng vì “cháy” rầy, nửa còn lại thì cũng chẳng được mấy thóc mà ăn”.
Cùng hoàn cảnh bị ảnh hưởng của rầy nhưng thiệt hại nặng nề hơn cả là gia đình ông Lý Văn Thông, thôn Bản Bang và Nông Văn Bách thôn Bình Vàng với hơn 2.000m2 lúa bị mất trắng. Ông Thông lo lắng: “Cả vụ chỉ được vài bao thóc thế này, đến tháng giáp hạt không biết lấy gì mà ăn đây”.
Theo rà soát sơ bộ của xã Đạo Đức, có trên 12 ha diện tích lúa mùa của xã bị ảnh hưởng do rầy phá hại và có hơn 1 ha bị mất trắng, tập trung chủ yếu ở các thôn Bản Bang, Bình Vàng, Làng Khẻn, Làng Nùng. Anh Nguyễn Xuân Tình, cán bộ khuyến nông xã Đạo Đức cho biết: Khi phát hiện có rầy xuất hiện trên lúa, xã đã hướng dẫn, vận động bà con nông dân sử dụng các loại thuốc trừ rầy như Bassa 50 EC, Basa 50 ND... phun thành 2 đợt trên diện tích bị nhiễm.
Đối với diện tích bị nhiễm nặng, lưu ý các hộ cần tăng gấp đôi liều lượng thuốc, rạch hàng lúa để phun, phun tập trung vào gốc lúa, chỉ phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau các đợt phun, rầy nâu đã được khống chế và giảm dưới mức gây hại, tuy nhiên, một số diện tích mất trắng do người dân chủ quan, phát hiện muộn nên không thể cứu được lúa.
Ngoài diện tích lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng do rầy, hoàn lưu Bão số 3 đã gây mưa to, gió giật từ đêm 16 đến sáng 18.9 khiến hơn 29 ha lúa mùa đang thời kỳ phơi màu chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng; 6,1 ha ngô và hơn 2 ha rau các loại bị ngập úng hơn 24h, làm cây lúa bị rạp, đổ, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa, ngô của Đạo Đức trong vụ này, anh Tình cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Đạo Đức, Lê Đình Trung chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên xã Đạo Đức bị ảnh hưởng nặng của rầy nâu và thiên tai như vậy.
Trước tình hình đó, để tránh “trắng đồng” gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con trong những tháng giáp hạt tới, xã đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chủ động gặt lúa với những diện tích ảnh hưởng nặng của rầy và ngập úng.
Có thể thấy, nếu như dịch rầy nâu được người dân phát hiện sớm và có hướng tiêu diệt kịp thời, chắc chắn sẽ không thiệt hại nhiều như hiện nay.
Điều này là lời cảnh báo đối với bà con nông dân và cán bộ khuyến nông thôn, xã cần thường xuyên kiểm tra dịch bệnh, sâu hại lúa trong suốt quá trình sinh trưởng của cây để có hướng bảo vệ, tránh thiệt hại lớn đến năng suất, sản lượng lương thực của người dân.
Với những thiệt hại do dịch bệnh và thiên tai xảy ra ở Đạo Đức trong vụ mùa này, lãnh đạo xã Đạo Đức và nhất là bà con nơi đây mong muốn huyện, tỉnh có thể hỗ trợ một phần nào đó đối với những diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại, nhất là đối với những hộ bị chịu thiệt hại nặng như gia đình ông Lý Văn Thông, thôn Bản Bang và Nông Văn Bách thôn Bình Vàng...
Có thể bạn quan tâm

Cách đây hơn 5 năm, khi con tôm thẻ chân trắng mới về xã miền biển Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) và mang lại thu nhập rất cao cho vài hộ gia đình đã tạo ra “cơn sốt” trong nuôi trồng thủy sản ở địa phương này. Một số người trước đây vốn chỉ quen ra khơi vào lộng, quen nuôi tôm sú, nuôi cua vội gom góp vốn liếng, đất đai để chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng với hy vọng đổi đời nhanh chóng.

Trong khi nhiều chủ trang trại nuôi lợn khác đang phải đau đầu với bài toán lỗ lãi do giá thịt lợn bấp bênh, trang trại của chị Trần Thị Thuấn Hoa ở xã Nam Cường (huyện, Tiền Hải, Thái Bình) vẫn có thu nhập hơn 60 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay trên địa bàn thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), bà con nông dân đang thu hoạch lúa đông xuân, đồng thời chuẩn bị vụ lúa hè thu năm 2013.

Suốt những ngày qua, cá trên hồ Bàu Sen (TP Vũng Tàu) chết hàng loạt, nổi trắng mặt hồ. Trước đó, hàng trăm hộ nuôi cá lồng trên sông Chà Và và sông Rạng “tán gia bại sản” vì cá chết không kịp vớt. Nguyên nhân chính đều do hệ thống kênh rạch, sông hồ trên địa bàn thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Thực hiện mô hình liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất lúa Nhật, nhiều nông dân phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên - An Giang) đã cải thiện kinh tế gia đình và vươn lên khá giả. Hàng năm, Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật cung cấp cho công ty thu mua hơn 500 tấn lúa giống và thương phẩm, thu về lợi nhuận trên 4,5 tỷ đồng.