Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúa Hè Thu Mất Mùa Và Mất Cả Giá

Lúa Hè Thu Mất Mùa Và Mất Cả Giá
Ngày đăng: 26/08/2013

Hiện tượng đỏ hạt lúa, lem lép hạt và rầy nâu gây hại nghiêm trọng khiến vụ lúa hè thu 2013 ở Thừa Thiên Huế bị mất mùa. Nông dân điêu đứng khi lúa bị mất mùa cộng thêm mất giá.

Mất mùa...

Đường về Hương Toàn (thị xã Hương Trà) không còn vui nhộn như mọi năm. Trên các cánh đồng lúa đang mùa thu hoạch im ắng tiếng nói cười rộn rã. Ông Trương Công Tuấn ở thôn Triều Sơn Trung, xã Hương Toàn thẫn thờ trên bờ ruộng, nét mặt buồn rầu khi nhìn về phía cánh đồng sắp thu hoạch bị cháy từng đám, lem lép hạt, đỏ hạt lúa.

“Hơn mười năm nay, chưa có năm nào lúa bị rầy nâu và lem lép hạt, đỏ hạt lúa gây hại như vụ lúa hè thu này. Mọi năm, mỗi sào cũng đạt từ ba tạ trở lên, trừ chi phí lãi được trên 500 ngàn đồng. Còn vụ hè thu này, năng suất mỗi sào chưa được một tạ rưỡi, lỗ 500 ngàn đồng”, ông Tuấn nghẹn ngào.

Các đồng ruộng ở Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Tây Toàn và các vùng ở Đác Thượng, Đác Hạ, De Hạ... thuộc xã Hương Toàn cũng lâm vào cảnh tương tự. Rầy nâu hầu như gây hại trên khắp cánh đồng của thôn Tây Toàn và các thôn, nhiều đám ruộng cháy bị mất trắng. Nông dân Võ Quang Bài ở HTXNN Tây Toàn gieo trồng sáu sào có đến ba sào gần như mất trắng, ba sào còn lại bị giảm năng suất khoảng 40% vì bệnh rầy nâu và lem lép hạt gây hại.

Ông Bài nhẩm tính, gieo trồng sáu sào chi phí giống, làm đất, công gieo cấy, thuốc trừ sâu, phân bón, thu hoạch (chưa kể công chăm sóc) ngót nghét sáu triệu đồng. Trong khi đó, sáu sào chỉ thu được 5 tạ lúa (do 3 sào gần như mất trắng), với giá hiện nay mỗi tạ trên 500 ngàn đồng, tổng cộng được hai triệu rưỡi, lỗ ba triệu rưỡi chưa kể công chăm sóc!

Nhiều ruộng lúa của bà con nông dân ở xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) cũng bị mất mùa vì sâu rầy và lem lép hạt. Bà con mua thuốc đặc hiệu đắt tiền, chi phí khá lớn, gấp đôi so với mọi năm nhưng sâu bệnh không giảm. Gia đình anh Đặng Duy Phụng ở khu tái định cư Bàu Hạ trồng sáu sào lúa nếp, như mọi năm được mùa năng suất mỗi sào đạt hai tạ rưỡi trở lên. Còn vụ hè thu này, sáu sào lúa nếp của anh Phụng thu về chưa được sáu tạ.

Anh Phụng cho biết, vì sâu rầy gây hại nặng nên chi phí thuốc trừ sâu lên đến gần một triệu đồng, cao hơn gấp đôi so với nhiều vụ trước. Với sáu tạ lúa nếp (giá hiện nay mỗi tạ 1,2 triệu đồng), bán được bảy triệu đồng. Như vậy, trừ mọi chi phí cho sáu sào lúa, bị lỗ gần một triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, trong khi nghề trồng lúa chủ yếu lấy công làm lãi. Mất mùa, thua lỗ cũng là thực trạng chung của nhiều hộ nông dân ở xã Hương Phong.

Mất giá

Bệnh rầy nâu, lem lép hạt và đỏ hạt khiến vụ lúa hè thu ở nhiều địa phương của huyện Quảng Điền mất mùa. Các xứ đồng của thị trấn Sịa, xã Quảng Phước, xã Quảng Phú... đều bị rầy nâu, lem lép hạt, đỏ hạt lúa gây hại nặng. Hầu như cánh đồng nào cũng bị cháy cục bộ do mật độ rầy nâu quá cao từ 7.000 đến 10 ngàn con/m2. Ông Trương Lực ở thị trấn Sịa than thở: “Với tình hình sâu bệnh gây hại triền miên như thế này, giá lúa lại bấp bênh, giảm mạnh khiến bà con nông dân chỉ có nước tái nghèo vì thua lỗ. Gia đình tôi trồng chín sào chỉ thu hoạch được hai chục tạ, ước tính bị lỗ hai triệu đồng (chưa kể công chăm sóc)”.

Tại xã Quảng Phú, ông Phan Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, vụ lúa này năng suất bình quân toàn xã chỉ đạt chừng 47 tạ/ha, giảm 11 tạ so với vụ hè thu trước, cộng thêm giá lúa giảm mạnh, ước thiệt hại, thua lỗ khoảng 3-5 tỷ đồng... Còn năng suất bình quân toàn huyện Quảng Điền, ông Hoàng Vọng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, qua kiểm tra, thăm đồng ước đạt khoảng 50-52 tạ/ha, giảm 7-8 tạ so với vụ hè thu trước.

Trong điều kiện mất mùa, giá lúa lại giảm mạnh, nhưng giá các loại vật tư nông nghiệp, phân bón vẫn không giảm, thậm chí còn tăng khiến người dân sản xuất bị lỗ. Ông Nguyễn Ngân ở thôn Phước Lý, xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền), cũng như nhiều bà con nông dân cho biết, nếu như những vụ trước giá lúa khoảng 7.500 đồng, thì nay giảm chỉ còn 5.000 đồng/kg. Với giá như hiện nay, theo tính toán của bà con thì bình quân mỗi sào đạt hai tạ rưỡi (năng suất bình quân toàn huyện Quảng Điền) chỉ bán hơn 1,25 triệu đồng, giảm 700-800 ngàn đồng so với nhiều vụ trước. Sản phẩm vụ hè thu này còn rất khó bán. Lâu nay, người dân Quảng Điền chủ yếu bán lúa cho các lái buôn trên địa bàn. Theo ông Lê Văn Thứ, Chủ nhiệm HTXNN Đông Phú cho biết, đến nay vụ hè thu cơ bản thu hoạch xong nhưng các lái buôn vẫn chưa đến thu mua sản phẩm của bà con.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thị xã chỉ đạo các HTXNN có biện pháp bán nợ, giãn nợ phân bón, vật tư nông nghiệp cho nông dân. Ghi nhận tại HTXNN Đông Phú, ông Lê Văn Thứ cho biết, HTX đã có kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con xã viên sản xuất vụ đông xuân. HTX phải vay thêm ngân hàng mua vật tư nông nghiệp, phân bón để bán nợ cho nông dân; đồng thời khoanh nợ, giãn nợ cho bà con có điều kiện sản xuất vụ sau. Cùng với việc bán nợ vật tư nông nghiệp, phân bón, Ban Chủ nhiệm HTX Đông Phú đang liên hệ với các lái buôn, các công ty tổ chức thu mua sản phẩm cho nông dân. Theo ông Thứ, nếu các doanh nghiệp mua sản phẩm với giá từ khoảng 7.000 đồng/kg thì sản xuất có lãi, còn dưới 7.000 đồng chắc chắn khó có lãi và bị thua lỗ khi lúa mất mùa như vụ hè thu 2013…

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, vụ hè thu 2013, toàn tỉnh gieo cấy trên 26 ngàn ha lúa, trong đó trên 8.000 ha bị bệnh rầy nâu, mật độ từ 1.500 con đến 5.000 con/m2, những nơi cao lên đến 10 ngàn con/m2; khoảng 6.500 ha lem lép hạt, đỏ hạt với tỷ lệ từ 30-40%, có nơi cao đến 50%. Trong đó, nặng nhất là các huyện: Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền và thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy... Ông Thám nhận định: Với những diện tích bị rầy nâu và lem lép hạt, đỏ hạt gây hại nặng sẽ mất năng suất từ 30-40%.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 12/3/2010, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần công bố giá mua lúa cho nông dân bảo đảm lãi ít nhất 30% so với giá thành sản xuất ngay từ đầu vụ, để các tổ chức, cá nhân mua lúa hàng hóa cho người trồng lúa theo giá đã công bố.


Có thể bạn quan tâm

Cao su thế giới đảo chiều tăng mạnh trong tuần 5/10 - 9/10 Cao su thế giới đảo chiều tăng mạnh trong tuần 5/10 - 9/10

Từ ngày 05/10 đến 09/10/2015, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE đều tăng so với cuối tuần trước.

14/10/2015
Hàn Quốc đứng đầu về nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam Hàn Quốc đứng đầu về nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hàn Quốc hiện là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đứng đầu của Việt Nam, chiếm 37,7% tỷ trọng.

14/10/2015
Cây phật thủ trên đất Tây Ninh Cây phật thủ trên đất Tây Ninh

Ông Huỳnh Văn Sơn, 57 tuổi, ngụ ở xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh có thể xem là người đầu tiên đưa cây phật thủ về trồng thử nghiệm trên đất Tây Ninh.

14/10/2015
Nho Trung Quốc đột lốt nho Ninh Thuận ồ ạt xuống phố Nho Trung Quốc đột lốt nho Ninh Thuận ồ ạt xuống phố

Nho xanh không hạt được quảng cáo là nho Ninh Thuận đang được bán tại nhiều vỉa hè ở Hà Nội, điều đáng nói giá nho xanh rất rẻ chỉ 35.000 đồng/kg.

14/10/2015
Giá cao su tăng phiên thứ 2 liên tiếp Giá cao su tăng phiên thứ 2 liên tiếp

Giá cao su tại thị trường châu Á tăng trước đồn đoán nguồn cung cao su tại Indonesia giảm.

14/10/2015