Lợi như vi sinh
Ngành tôm ngày một phát triển nhưng đằng sau đó là vấn đề ô nhiễm môi trường và dịch bệnh vẫn còn nan giải. Theo đó, việc hướng người dân tới những mô hình nuôi thân thiện môi trường mà vẫn hiệu quả là điều hết sức cần thiết; nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học là một giải pháp như thế.
Sử dụng men vi sinh đúng cách cho hiệu quả cao trong nuôi tôm - Ảnh: Phan Thanh Cường
Hiệu quả bền vững
Chế phẩm vi sinh vật hữu ích có hai loại: loại dùng để xử lý môi trường và loại trộn vào thức ăn cho tôm cá.
Đối với xử lý môi trường, vi sinh vật hữu ích thường được sử dụng bao gồm một số loài: Lactobacillus plantarum, L.acidophillus, L.casei, L.rhamnosus, L.bulgaricus, Bacillus subtilis, B.licheniformis, B. megaterium, B.polymyxa, Actinomycetes, Nitrobacteria, Nitrosomonas… Hầu hết những loài Bacillus không độc hại đối với động vật, khả năng sinh ra kháng sinh và enzyme. Enzyme do vi khuẩn Bacillus tiết ra phân hủy rất có hiệu quả chất Carbonhydrate, chất béo và đạm thành những đơn vị nhỏ hơn. Giống Bacillus có thể sinh trưởng tốt với nguồn carbon và nitơ thấp. Giống Bacillus cũng có khả năng phân hủy chất hữu cơ tích lũy trong nền đáy ao nuôi tôm.
Các nhóm vi khuẩn tham gia chuyển hóa chất hữu cơ thành CO2 và nước bao gồm Bacillus, Pseudomonas; nhóm vi khuẩn Nitrosomonas và Nitrobacter chuyển chất độc hại NH3, NO2- thành chất không độc, như NO3-. Chúng còn được trộn vào thức ăn (được tổng hợp có thể khác với dạng bổ sung vào môi trường nước), khi vào cơ thể tôm để hạn chế vi khuẩn có hại trong đường ruột, giúp chuyển hóa thức ăn và khống chế vi khuẩn gây bệnh.
Sử dụng vi sinh cho hiệu quả hơn 70% (hóa chất chỉ 30%), hạn chế các bệnh thường gặp trên tôm như gan tụy, đốm trắng…; tôm nuôi 60 - 70 ngày có thể xuất bán.
Tạo sản phẩm sạch
Cà Mau là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy sản; đây cũng là vùng nuôi tôm trọng điểm trong cả nước. Những năm qua, chính quyền địa phương cũng có nhiều chính sách cho phát triển thủy sản, khuyến khích người nuôi áp dụng mô hình sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Út, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm sinh học xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi là người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học tại địa phương. Mô hình này phát triển đã mấy năm nay, đa số người dân đồng tình vì hiệu quả cao. Các sản phẩm vi sinh này tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển, cải tạo môi trường ao nuôi, giúp ao nuôi luôn sạch. Ngoài ra, sử dụng chế phẩm vi sinh có thể xử lý đáy ao, phân hủy chất hữu cơ, hạn chế tảo sợi, tảo nước ngọt, chất độc tàn dư trong đất, như các loại thuốc bảo vệ thực vật... Điều quan trọng nhất mà chế phẩm sinh học mang lại là sự ổn định môi trường ao nuôi trong suốt vụ nuôi. “Tôm nuôi là sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, EU. Điều đặc trưng nữa của mô hình là sau một vụ nuôi, người dân không cần xả nước ra ngoài, có thể trực tiếp xử lý nước cho vụ sau mà môi trường nước vẫn bảo đảm thông số kỹ thuật” - ông Nguyễn Văn Út chia sẻ.
Nơi ông Út đang ở có nhiều thuận lợi cho phát triển thủy sản nói chung, tôm nói riêng. Những năm trước, việc nuôi tôm có phần thuận lợi hơn khi môi trường chưa ô nhiễm nhiều, giá thành cũng như chất lượng con giống cũng đảm bảo hơn. Tuy nhiên, 1 - 2 năm nay, việc bùng phát nuôi tôm, nhất là tôm thẻ chân trắng, đã kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là yếu tố môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi trồng của người dân. Nuôi tôm ngày càng khó hơn; dịch bệnh nhiều, chất lượng vật tư đầu vào tăng cao.
Xác định việc nuôi tôm hướng tới đảm bảo môi trường sạch, sản phẩm sau thu hoạch cho chất lượng tốt, đảm bảo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, ông Út nghĩ tới việc nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, không sử dụng hóa chất, kháng sinh. Vì vậy, Tổ hợp tác bắt đầu nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học từ năm 2009, hiệu quả thấy rõ qua từng năm. Nhiều tổ viên đã có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu. "Để có được kết quả như hôm nay, các tổ viên phải không ngừng học hỏi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Có thời gian chúng tôi còn phải bỏ tiền ra để thuê thầy từ các viện, trường về hướng dẫn kỹ thuật. Cùng đó, không nên quá chú trọng độc canh con tôm, mà luôn năng động áp dụng những cái mới, tiến bộ vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao", ông Út nói.
Tổ hợp tác của ông Út hiện có 166 xã viên, tổng diện tích 104 ha. Vụ mùa 2011 thời tiết bất lợi nhưng các thành viên tổ hợp tác vẫn đạt năng suất cao, bình quân 15 - 20 tấn/ha/năm; lợi nhuận 40%/năm, cao điểm tới 70%/năm. Cùng Tổ hợp tác nuôi cua thương phẩm 2/9, Tổ hợp tác ương vèo cua giống ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, huyện Đầm Dơi..., Tổ hợp tác nuôi tôm sinh học của ông Út là một trong nhiều tổ hợp tác hoạt động hiệu quả tại Cà Mau, góp phần đáng kể vào việc thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Nuôi tôm bằng vi sinh rất cần được nhân rộng và có những hỗ trợ cũng như việc đảm bảo chất lượng con giống, sản phẩm vi sinh, nguyên liệu đầu vào để người nuôi yên tâm sản xuất, thực sự hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Tìm kiếm các giải pháp để nuôi tôm khỏe. Đây được xem là yếu tố quan trọng để ngành tôm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm tôm.
Nghiên cứu sản xuất giống tôm mũ ni (1 loại tôm hùm): Nghiên cứu sản xuất giống tôm mũ ni đã thành công, tuy nhiên tỷ lệ sống thấp và cần tiếp tục hoàn thiện.
Để vụ tôm chính vụ thắng lợi, bà con nuôi tôm cần tham khảo và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phòng trị các bệnh thường gặp trên tôm nuôi.