Lợi ích Succinic acid với tôm thẻ chân trắng
Một báo cáo mới đây cho thấy lợi ích và tiềm năng của succinic acid trên tôm thẻ chân trắng.
Acid hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản
Phát triển các hoạt động nuôi trồng thủy sản đã làm dịch bệnh xảy ra thường xuyên và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi. Để kiểm soát dịch bệnh việc sử dụng kháng sinh trong ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ở Châu Á đã trở nên phổ biến và khó kiểm soát. Sử dụng kháng sinh quá mức có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng do tích tụ sinh học dư lượng các chất kháng sinh, và gây nên hiện tượng kháng kháng sinh cả trên vật nuôi và con người. Do đó việc phòng và trị bệnh cho vật nuôi bằng việc sử dụng những hợp chất hữu cơ được quan tâm nghiên cứu và ứng dụng.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy Acid citric cải thiện tăng trưởng, sử dụng thức ăn và sự có lợi của muối khoáng, đặc biệt là phospho ở các loài cá khác nhau như cá hồi vân, cá tráp đỏ, cá rohu. Bổ sung acid formic cho tôm thẻ chân trắng nuôi đã cho thấy sức đề kháng tăng lên khi chúng bị thử thách với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus… Tuy nhiên báo cáo về vai trò của succinic acid trên tôm thẻ chân trắng còn ít do đó nghiên cứu này làm rõ hơn vai trò của succinic acid khi bổ sung cho tôm thẻ chân trắng.
Succinic acid là gì?
Succinic Acid (C4H6O4, HOOC-(CH2)2-COOH) là tinh thể màu trắng. Nó có thể được sử dụng làm tiền thân của nhiều hóa chất thương mại quan trọng, bao gồm 1,4-butanediol. Succinic acid là một trong những axit tự nhiên có trong thực phẩm như bông cải xanh, củ cải đường, pho mát, bắp cải… Succinic acid được sản xuất quy mô công nghiệp từ quá trình lên men của vi sinh vật.
Nghiên cứu succinic acid bổ sung cho tôm thẻ chân trắng
Nghiên cứu này đã nghiên cứu tác động của acid hữu cơ - succinic acid (SA) tự nhiên lên sự phát triển, các enzym tiêu hóa, phản ứng miễn dịch và khả năng đề kháng với stress do amoniac của tôm thẻ chân trắng Lipopenaeus vannamei.
Tôm được cho ăn với khẩu phần ăn chứa hàm lượng succinic acid (SA) khác nhau: 0% (kiểm soát), 0,25% (SA1), 0,50% (SA2), và 1,0% (SA3) (w / w) trong 56 ngày, tiếp theo là thử thách stress do ammonia trong 48 giờ.
Kết quả cho thấy chế độ ăn có bổ sung succinic acid cải thiện sự tăng trưởng của tôm và làm tăng tỷ lệ sống sót của tôm thử thách với ammonia cao trong 48 giờ.
Hoạt tính của amylase, lipase và pepsin tăng lên ở gan tụy ở 3 nhóm SA, trong khi hoạt tính trypsin chỉ tăng ở nhóm SA1 và SA2. Đây là các enzyme tiêu hóa trên tôm, việc tăng các hoạt tính của enzyme này khi bổ sung succinic acid góp phần cải thiện tiêu hóa cho tôm.
Sau khi tiếp xúc với stress ammonia trong 48 giờ, các thông số sinh hóa miễn dịch (T-AOC và PO) và gen biểu hiện (proPO, HSP70, Trx và GDH) tăng lên trong các nhóm tôm có cho ăn succinic acid, T-NOS, Toll, Imd và GS mức biểu hiện tăng ở nhóm SA2 và SA3, trong khi mức biểu hiện gen SOD tăng lên trong nhóm SA1 và SA2. Các kết quả này chỉ ra rằng SA cải thiện sự tăng trưởng, tăng cường khả năng miễn dịch và tiêu hóa của tôm thẻ chân trắng chống lại stress ammonia, và có thể là một phụ gia thức ăn tiềm năng cho tôm. Liều bổ sung tối ưu là 0.50% (w / w) trong khẩu phần ăn.
Tôm thẻ chân trắng đang là đối tượng nuôi chủ lực ở nước ta, việc phát triển nuôi tôm ở mật độ cao như thâm canh và siêu thâm canh làm tăng khả năng dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe tôm. Do đó nghiên cứu này là gợi ý hữu ích để bổ sung succinic acid vào chế độ ăn cũng như thức ăn tôm nhằm cải thiện sức khỏe và giúp tôm chống chịu lại stress khi hàm lượng ammonia trong nước tăng cao.
Có thể bạn quan tâm
Vibrio là một số vi khuẩn không được chào đón nhất trong ngành nuôi tôm toàn cầu, gây ra các bệnh bao gồm EMS và gây thiệt hại cho ngành hàng tỷ USD mỗi năm
Nguyên nhân có thể là do sự tích lũy các điều kiện gây bệnh lâu ngày, quy trình khử trùng thiếu hoặc chưa đúng cách ở các giai đoạn sản xuất giống.
Một số đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra trong các trang trại nuôi tôm, bao gồm các bệnh do virus,vi khuẩn… dẫn đến tử vong cao và thiệt hại kinh tế