Liên kết khâu yếu trong chăn nuôi bò sữa
Tình trạng nông dân bị ép giá bằng phương thức đánh tụt chất lượng sữa vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Vẫn còn tình trạng nông dân bị ép giá
Là hộ chăn nuôi bò sữa 11 năm nay, ông Nguyễn Văn Bưởi, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, rất tin tưởng vào hiệu quả của mô hình này. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của ông là người chăn nuôi vẫn bị DN thu mua ép giá. Theo ông Bưởi, gia đình ông chăn nuôi đảm bảo vệ sinh ATTP, phía công ty thu mua cũng đến kiểm tra đột xuất 1 - 2 lần/tuần.
Không ít lần, công ty thông báo sữa của gia đình ông bị nhiễm vi sinh vật và chỉ mua với giá 6.000 đồng/kg thay vì 12.000 đồng/kg như thông thường. "Mỗi ngày gia đình tôi thu được hơn 100kg sữa, với mức giá bị đánh tụt như vậy sẽ mất khoảng 700.000 đồng/ngày. Nếu sự thật sữa kém chất lượng thì không nói nhưng nhiều lần chúng tôi bị oan" - ông Bưởi bức xúc.
Chăn nuôi bò sữa tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng.
Dẫn chứng về việc này, ông Bưởi cho biết, vì không tin tưởng vào kết quả kiểm tra của công ty, nên đã chủ động lấy mẫu và kiểm tra nhưng không hề phát hiện vi sinh vật trong sữa. Thực tế, nhiều nông dân cũng có mối trăn trở như ông Bưởi, vì lâu nay, việc kiểm tra chất lượng sữa hoàn toàn do phía công ty thu mua thực hiện.
Do đó, phía công ty kết luận là đạt hay không đạt chất lượng và áp mức giá nào thì người dân chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận. Bên cạnh đó, theo ông Dương Văn Hùng, một hộ chăn nuôi hơn 50 con bò sữa tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, việc thanh toán tiền sữa cho các hộ dân cũng chưa được kịp thời, ảnh hưởng đến quá trình tái đầu tư sản xuất.
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện nay, toàn TP có 45 điểm thu gom sữa của 6 DN và 2 nhà máy chế biến sữa nên việc tiêu thụ sản phẩm tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, tại các trạm thu gom, việc quản lý chất lượng sữa chưa được đảm bảo đến người chăn nuôi nên giá sữa của các hộ bán ra không ổn định.
Ngoài ra, thông tin về tình hình tiêu thụ, thu gom sản phẩm từ các công ty thu mua sữa đến người chăn nuôi chưa được chính xác, đầy đủ và kịp thời, làm ảnh hưởng đến tư tưởng của người nông dân.
Thắt chặt liên kết
Có thể nói, những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sữa tươi hiện nay bắt nguồn từ sự liên kết lỏng lẻo giữa nông dân và DN. Bởi vậy, để đảm bảo chăn nuôi bền vững, DN và người chăn nuôi cần phải ký hợp đồng, trong đó phân rõ trách nhiệm giữa hai bên.
hộ chăn nuôi đề nghị, khi soạn thảo hợp đồng, DN phải tham khảo ý kiến người dân cùng bàn bạc, thảo luận. Đồng thời, trong quá trình công ty tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng sữa phải công khai, có mặt của cả hộ dân và cơ quan quản lý Nhà nước, tránh tình trạng ép giá nông dân bằng phương thức đánh tụt chất lượng sữa như hiện nay.
Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng, các DN và hộ chăn nuôi cần tăng cường liên kết theo chuỗi tiêu thụ, gắn kết từ sản xuất, trạm thu gom đến nhà máy chế biến, tiêu thụ sữa. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP và tiêu thụ sữa ổn định cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, DN cần tăng cường hệ thống trang thiết bị tại các điểm thu gom nhằm đánh giá nhanh và chính xác chất lượng sữa của người chăn nuôi, hạn chế được tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình thu gom. Ông Tạ Văn Tường đề nghị các công ty thu mua sữa đảm bảo thanh toán nhanh, gọn tiền sữa cho các hộ dân.
Cùng với xây dựng mối liên kết bền chặt giữa người chăn nuôi bò sữa và DN, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc quản lý chặt chẽ hơn việc nhập khẩu sữa bột của các DN. Đặc biệt, có chế tài quy định việc ghi nhãn mác, tránh tình trạng "đánh tráo khái niệm" giữa sữa hoàn nguyên và sữa tươi nguyên chất như hiện nay, vừa ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân, vừa gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Hiện nay đàn bò sữa toàn TP là hơn 15.200 con với hơn 3.300 hộ nuôi. Trong đó, số bò cho vắt sữa là hơn 7.400 con, sản lượng sữa đạt 111 tấn/ngày.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, nuôi bò là mô hình có hiệu quả kinh tế khá cao, nên thu hút nhiều người nuôi. Việc chăm sóc bò cũng rất đơn giản, thức ăn chủ yếu thường là các loại cỏ mọc tự nhiên và cỏ trồng. Ngoài ra, người nuôi cũng có thể cho bò ăn thêm một số thức ăn khác.
Thị trường gạo “ấm” lên với giá gạo nội địa và xuất khẩu đều tăng đã làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nông sản này thêm lo lắng, dẫn đến tình trạng hủy hợp đồng xuất khẩu ngày một tăng.
Dự án xây dựng mô hình thí điểm liên kết sản xuất và tiêu thụ nhãn được thực hiện tại hợp tác xã (HTX) nhãn Châu Thành (xã An Nhơn, huyện Châu Thành). Dự án này có quy mô trên 100ha (76 hộ dân).
Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Phạm Văn Thức, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ kết quả ban đầu đạt được, anh Thức đang có kế hoạch đầu tư mở rộng tại nhà, đồng thời xin thành lập HTX để huy động nhiều người cùng tham gia.
Theo Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, dự án sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP giai đoạn 2 năm 2013-2014 sẽ được triển khai tại xã Mỹ Tịnh An của huyện Chợ Gạo.