Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Liên Kết Cùng Chia Sẻ Lợi Ích

Liên Kết Cùng Chia Sẻ Lợi Ích
Ngày đăng: 04/04/2014

Liên kết sản xuất theo chuỗi, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nhạc trưởng và nông dân là đối tác cùng chia sẻ lợi ích, thì hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ phát huy hiệu quả ổn định và lâu dài.

Theo các chuyên gia, dù mô hình liên kết này đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, tại nhiều địa phương nhưng chỉ một số ít thành công. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp thường “mở cửa sau” trong các hợp đồng để thoát hiểm, trong khi nông dân vẫn giữ thói quen ở đâu được giá thì bán mà không tuân thủ các cam kết đã ký.

Thất bại do liên kết lỏng lẻo

Ông Lê Việt Hải - tổng giám đốc Công ty CP Mê Kông (Cần Thơ) - cho biết đã ký kết hợp tác đầu tư và mua lúa với nông dân trong suốt 12 năm qua. Theo đó, công ty đầu tư vốn để cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật gieo trồng và ký hợp đồng mua nông sản của người dân, với tổng diện tích khoảng 4.000ha.

Tuy nhiên, không ít lần công ty phải chọn cách “nghỉ chơi” với tổ hợp tác đại diện nông dân vì không mua được lúa. “Vào vụ, công ty đến mua lúa mới phát hiện nông dân đã bán cho đơn vị khác. Kiện ra tòa, được tuyên thắng kiện nhưng không thi hành án được do nông dân không có tiền chi trả, doanh nghiệp chịu thiệt” - ông Hải kể.

Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi

Theo ông Tống Xuân Chinh, cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Chính phủ để bình ổn và phát triển chăn nuôi.

Theo đó, trong ngắn hạn đề nghị hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn tín dụng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại để mua con giống, kiến nghị giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như bắp từ 5% xuống 2%, lúa mì từ 5% xuống 0%, hỗ trợ 100% tiền mua văcxin tai xanh để dự phòng tiêm bao vây khi có dịch bệnh xảy ra...

Tương tự, ông Đoàn Văn Hiền, giám đốc Công ty TNHH XK-TM Võ Thị Thu Hà (Đồng Tháp), cũng than khổ khi ký kết bao tiêu lúa với nông dân qua tổ hợp tác. “Khi giá lúa tăng, gần nửa diện tích ký kết bao tiêu trước đó được nông dân bán cho thương lái, nhưng doanh nghiệp không kiện được do tổ hợp tác không có pháp nhân, mà nếu thắng kiện cũng không giải quyết được vấn đề gì” - ông Hiền nói. Theo các doanh nghiệp, dù đã đổ vốn đầu tư giống, phân bón và chi phí thuốc bảo vệ thực vật..., nhưng nếu giá lúa tăng vào mùa thu hoạch “thì y như rằng nông dân bẻ kèo, lẳng lặng đưa lúa ra bán cho thương lái”.

Ngược lại, nông dân cũng “tố” các doanh nghiệp bẻ kèo hợp đồng. Ông Phan Văn Bé, xã viên HTX Nông nghiệp số 2 (xã An Bình, TX Hồng Ngự, Đồng Tháp) bức xúc cho biết dù có ký hợp đồng với doanh nghiệp từ đầu vụ nhưng đến kỳ thu hoạch, giá lúa hơi cao là doanh nghiệp tìm cách “bẻ kèo” với lý do độ thuần (tỉ lệ lúa lẫn) vượt mức cho phép.

“Cù cưa mấy ngày liền, 3ha lúa trên đồng khô rang, coi như mình bị lỗ do lúa mất ký. Kêu thương lái vào mua, họ đã “đè” giá xuống thấp. Tui phải bán tháo một phần lúa để trang trải nợ nần, số còn lại phải trữ lại chờ giá lên” - ông Bé nói.

Nông dân là đối tác của doanh nghiệp

Cuối năm 2013, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã bán 2,48 triệu cổ phiếu ưu đãi cho nông dân. Trước đó, từ năm 2010, AGPPS cũng đi tiên phong trong việc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm liên kết nông dân, bao tiêu sản phẩm đang được nhiều địa phương và công ty áp dụng và mở rộng.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc AGPPS, nếu không tổ chức lại sản xuất thì nông dân không thể giàu lên được. “Nông dân làm cây lúa không chỉ bán gạo nữa mà sẽ có thêm nhiều sản phẩm giá trị gia tăng khác. Như vậy, thị trường đầu ra cho hạt lúa đâu chỉ có những người tiêu thụ gạo”, ông Thòn cho biết.

Ngoài ra, theo ông Thòn, công ty sẽ dành một phần khoản vay 70 triệu USD của Standard Chartered để đầu tư vào khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tạo nên một chuỗi giá trị lúa gạo có giá trị gia tăng cao trong thời gian tới. “Phải làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao bằng áp dụng khoa học công nghệ mới nâng cao giá trị hạt gạo của VN.

Muốn mối hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân hiệu quả bền vững thì trước hết doanh nghiệp phải làm ăn có hiệu quả trước đã”, ông Thòn nói. AGPPS cũng đặt mục tiêu sẽ đầu tư vào khâu tận dụng phụ phẩm lúa cũng như tăng giá trị cho hạt gạo, như thu lại rơm rạ, trấu làm phân bón, than sạch, nhiên liệu...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số công ty đa quốc gia cũng đã tạo được vị thế vững chắc nhờ xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với người chăn nuôi. Công ty chăn nuôi CP Việt Nam (CP) là một ví dụ thành công lớn nhất trong lĩnh vực chăn nuôi của VN khi tham gia vào tất cả các khâu của chuỗi sản xuất này từ sản xuất con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến và phân phối thực phẩm. Theo ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, tổng giám đốc CP, một trong những nhân tố đem lại thành công cho CP ngày hôm nay chính là mối liên kết với trên 20.000 hộ dân khắp cả nước.

Bước đột phá của CP cũng như một số tập đoàn đa quốc gia khác như Japfa (Indonesia), Emivest (Malaysia) là thực hiện chính sách liên kết với nông dân theo hình thức nuôi gia công. Theo đó, người dân đầu tư chuồng trại, công sức quản lý, còn các công ty đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật... và phân chia lợi nhuận trên hợp đồng ký giữa hai bên.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, tại những nước có ngành chăn nuôi phát triển, các công ty lớn đều dựa vào nông dân để phân tán trại nuôi, giảm áp lực môi trường, dịch bệnh... theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích của các khâu tham gia chuỗi giá trị. “Thời gian qua giá sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh nhưng dù lỗ các công ty vẫn đảm bảo quyền lợi về giá mua và tiền công nuôi cho các hộ nuôi liên kết”, ông Vang cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Hỗ Trợ Để Trái Vải Việt Nam Sớm Thâm Nhập Thị Trường Australia Hỗ Trợ Để Trái Vải Việt Nam Sớm Thâm Nhập Thị Trường Australia

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Chính phủ nước này đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để trái vải Việt Nam sớm được nhập khẩu vào thị trường này.

28/09/2014
Phát Hiện Lô Hàng Nhập Lậu 59 Chiếc Ngà Nghi Là Ngà Voi Châu Phi Phát Hiện Lô Hàng Nhập Lậu 59 Chiếc Ngà Nghi Là Ngà Voi Châu Phi

Trước đó, ngày 22-9, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành kiểm tra lô hàng nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam phát hiện 59 chiếc ngà nghi là ngà voi, được quấn xung quanh bang giấy bạc với tổng trọng lượng là 40kg. Chi cục đã lập biên bản chứng nhận và tiếp tục xác minh, điều tra.

28/09/2014
Chuỗi Liên Kết Sản Xuất Trong Nông Nghiệp Sẽ Bắt Đầu Từ Vụ Lúa Đông Xuân 2014 – 2015 Chuỗi Liên Kết Sản Xuất Trong Nông Nghiệp Sẽ Bắt Đầu Từ Vụ Lúa Đông Xuân 2014 – 2015

Dự án Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao tại Đức Linh, Tánh Linh của Công Ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát đang trong giai đoạn trình UBND tỉnh phê duyệt, sau đó mới đăng ký để Trung ương chấp thuận thực hiện. Hiện tại, mô hình này đang tạo sự háo hức cho dân trồng lúa ở 2 vùng trên.

29/09/2014
Thương Hiệu Cho Gạo Việt Nam Ai Làm Và Làm Sao? Thương Hiệu Cho Gạo Việt Nam Ai Làm Và Làm Sao?

Hàng thập kỷ xuất khẩu ở top đầu thế giới về sản lượng nhưng gạo Việt Nam vẫn đa phần hiện diện trong các hợp đồng chính phủ nhằm đảm bảo an ninh lương thực và có giá trị thấp.

29/09/2014
Xác Minh Thông Tin Brazil Tạm Ngừng Nhập Khẩu Thủy Sản Việt Nam Xác Minh Thông Tin Brazil Tạm Ngừng Nhập Khẩu Thủy Sản Việt Nam

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) vừa có văn bản số 1853 /QLCL-CL1 về lệnh tạm thời đình chỉ NK thủy sản và sản phẩm thủy sản từ Việt Nam vào Brazil.

29/09/2014