Lão nông U70 nuôi giun làm giàu cho đất
Sau 6 năm tự học, lão nông Đàm Văn Vượng hiện sở hữu 4 trại giun quế, thực hiện tâm nguyện làm giàu lại cho đất.
Lão nông U70 Đàm Văn Vượng mất 6 năm để hiểu về con giun quế. Ảnh: Xuân Chinh
Ông Đàm Văn Vượng (SN 1951, Hoài Đức, Hà Nội) từng là Trưởng khoa Hầm lò của Trường Kỹ thuật Trung cấp Mỏ Quảng Ninh (Đại học Công nghiệp Quảng Ninh). Hơn 10 năm công tác, ông bị ám ảnh bởi việc tiếp xúc với bom mìn phá núi để khai thác khoáng sản. Năm 2012, sau khi về hưu, mong muốn "trả nợ" lại cho đất, làm giàu cho đất, ông bắt tay vào việc nuôi giun quế tại quê nhà.
Ông mở trại giun quế 50m², bắt đầu từ con số 0. Suốt 6 năm, ông vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm. Nay, ông đã sở hữu 4 trại giun rộng vài chục ha, diện tích chuồng giun mỗi trại từ 500 – 1.500 m².
Để có được trại giun như hôm nay, ông Vượng đã nhiều đêm mất ăn mất ngủ. Ông chia sẻ, thị trường thực phẩm hữu cơ nói chung và rau hữu cơ nói riêng còn tương đối hẹp. Do đó, nuôi giun đã khó, bán giun còn khó hơn. Mỗi khi định bỏ cuộc, ông lại nhớ về những tảng đất đá bị nổ tung bởi công việc nổ mìn ngày trước, nguyện vọng làm giàu cho đất giúp ông thêm động lực.
Ông ví giun là những “bác sĩ của Trái đất” vì các vi sinh vật cộng sinh trong phân giun giúp đất màu mỡ. Dịch giun là nguồn dưỡng chất dồi dào cho cây trồng. Đất có giun sẽ ẩm, tơi xốp hơn, các chất hữu cơ nhanh chuyển hóa, dễ dàng cho cây trồng hấp thụ.
Giun quế là những “bác sĩ của Trái đất”. Ảnh: Xuân Chinh
Ông Vượng thu gom, tận dụng bã sắn, bã đậu nành, mùn, bã mía… làm nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, ông thu mua lượng lớn bã củ dong riềng của nhà máy sản xuất miến trong vùng để phục vụ việc nuôi giun.
Sau 6 năm, ông tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu người sản xuất nông nghiệp hữu cơ như giun tinh, dịch giun, phân giun và sinh khối giun (gồm giun giống, kén, trứng, môi trường nuôi và phân). Trong đó, sản phẩm chủ lực là phân giun xuất đi nhiều nơi, có giá từ 2500- 3000 đồng/kg. Khách hàng của ông là các hộ gia đình trồng rau nhỏ lẻ ở thành phố. Ông khuyên bà con có ruộng bỏ không nên trồng cỏ ủ hoai để nuôi giun.
Ông Vượng (áo trắng) và 3 thanh niên học nuôi giun tại trang trại của ông. Ảnh: Xuân Chinh
Không giấu nghề, ông Vượng chia sẻ kinh nghiệm nuôi giun quế với bà con khu vực. Hiện, trang trại của ông đang có 3 thanh niên ăn ngủ tại trại học nghề. Ông luôn chia sẻ với những người muốn tới tìm hiểu về giun quế rằng:“giun là một tài nguyên sinh học, bảo vệ môi trường, không như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên sinh học có thể tái tạo vô tận”.
Có thể bạn quan tâm
Căn cứ vào trị số pH để chia đất thành các dạng: Đất chua (pH 7,5), đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch
Vào mùa hè có những đợt nắng nóng kéo dài kèm theo mưa giông, nhiệt độ và độ ẩm cao làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn gia cầm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch
Theo thông báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, chiều 2-7, nhiều nơi đã có nắng nóng 38-39°C, có nơi ngoài trời lên tới 40-41°C.