Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chăm sóc đàn gia cầm mùa nắng nóng

Chăm sóc đàn gia cầm mùa nắng nóng
Tác giả: Thanh Huyền
Ngày đăng: 17/07/2018

Vào mùa hè có những đợt nắng nóng kéo dài kèm theo mưa giông, nhiệt độ và độ ẩm cao làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn gia cầm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trước tác động của yếu tố thời tiết, người chăn nuôi trong tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia cầm.

Cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho đàn gia cầm trong những ngày nắng nóng.

Gia đình ông Trịnh Xuân Biều ở thôn Phù Sa, xã Tự Tân (Vũ Thư) có nguồn thu ổn định từ chăn nuôi gia cầm nhiều năm nay. Với diện tích gia trại hơn 1 mẫu, ông thường xuyên nuôi hơn 2.000 con ngan, gà, vịt đẻ và thương phẩm. Chăn nuôi với quy mô lớn nên gia đình ông đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ đàn gia cầm, nhất là vào mùa nắng nóng.

Ông Biều cho biết: Để chống nóng cho đàn gia cầm, tôi thiết kế chuồng trại thông thoáng, nền chuồng cao ráo, mát mẻ vào mùa hè, tránh được mưa tạt, gió lùa. Hướng chuồng phía Đông Nam để tránh bức xạ mặt trời. Xung quanh chuồng trồng cây xanh tạo bóng mát. Trong quá trình chăn nuôi phải tuân thủ chế độ ăn hợp lý, cho đàn gia cầm uống thêm thuốc bổ để tăng sức đề kháng; thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để chủ động phòng bệnh trước cho đàn vật nuôi.

Cũng chăn nuôi gia cầm từ nhiều năm nay, vào mùa hè, gia đình bà Đỗ Thị Mỳ ở thôn Đức Chính, xã Nam Bình (Kiến Xương) đặc biệt chú ý đến công tác vệ sinh thú y trong chăn nuôi.

Bà Mỳ cho biết: Thời tiết nắng nóng, gia đình tôi phải tăng cường vệ sinh chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, bảo đảm nền chuồng sạch sẽ, khô ráo, chất độn chuồng trải mỏng, định kỳ thay chất độn chuồng, cống rãnh không để đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh mầm bệnh. Định kỳ phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi và tiêm phòng các loại vắc-xin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Hiện nay, đàn gia cầm toàn tỉnh có gần 12,5 triệu con. Theo các ngành chuyên môn, chăn nuôi gia cầm trong mùa nắng nóng gặp nhiều khó khăn vì nhiệt độ môi trường, độ ẩm cao dẫn đến tích tụ nhiều khí độc như cacbon điôxít (CO2), hydro sulfua (H2S), amoniac (NH3)… là những nguyên nhân dẫn đến giảm sức đề kháng, khiến gia cầm dễ mắc các bệnh cũng như chết nóng. Để giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi cũng như bảo đảm hiệu quả kinh tế cho người dân, người chăn nuôi gia cầm cần thực hiện tốt các biện pháp sau: kiểm tra, cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại; mái chuồng nên làm đơn giản bằng tranh, tre, lá hoặc lợp hai mái để chống nóng trực tiếp và tăng cường độ thoáng của chuồng; xung quanh được che chắn, tránh được mưa tạt, gió lùa khi mưa giông. Đối với chuồng kín cần lắp đặt hệ thống quạt thông gió và giàn mát hợp lý tạo sự thông thoáng và giảm được lượng khí độc lưu thông trong chuồng, chuồng trại chăn nuôi phải bảo đảm luôn sạch sẽ. Mật độ nuôi nhốt vừa phải, đối với gà thịt từ 9 - 10 con/m2 và gà giống từ 4 - 5 con/m2; nếu trời quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng.

Người nuôi cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho đàn gia cầm trong những ngày nắng nóng. Tăng số lượng máng uống, cung cấp đủ nước mát và sạch cho gia cầm uống giúp giảm nhiệt độ cơ thể; cho ăn thức ăn chất lượng tốt, bảo đảm không thiu mốc, không chứa độc tố; bố trí khẩu phần ăn giàu năng lượng thay cho tinh bột để hạn chế sản sinh nhiệt; chuyển thời gian cho ăn vào lúc trời mát hoặc ban đêm. Đồng thời, bổ sung thêm vitamin C, B-Complex, chất điện giải vào nước uống cho gia cầm để tăng cường sức đề kháng. Hạn chế vận chuyển gia cầm khi trời nắng nóng, nếu phải vận chuyển đi xa thì cần có dụng cụ chuyên dụng và mật độ hợp lý. 

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần phải thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y để bảo vệ đàn gia cầm như: tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y; định kỳ phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi từ 2 - 3 lần/tuần. Hàng ngày theo dõi để phát hiện sớm gia cầm bị ốm, tiến hành cách ly, báo với cán bộ thú y đến điều trị, xử lý kịp thời để tránh lây lan ra toàn đàn.


Có thể bạn quan tâm

Chanh leo trên đất dốc mở ra hướng đi mới Chanh leo trên đất dốc mở ra hướng đi mới

Nhiều hộ nông dân xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) trồng thử nghiệm cây chanh leo, bước đầu cho hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng

16/07/2018
Bón vôi đúng cách giải pháp canh tác bền vững cho cây ăn trái Bón vôi đúng cách giải pháp canh tác bền vững cho cây ăn trái

Trong quá trình canh tác và sản xuất nông nghiệp đặc biệt là canh tác cây ăn trái, bà con nông dân đã có thói quen sử dụng vôi

17/07/2018
Nguyên nhân làm cho đất chua, tác hại và biện pháp khắc phục Nguyên nhân làm cho đất chua, tác hại và biện pháp khắc phục

Căn cứ vào trị số pH để chia đất thành các dạng: Đất chua (pH 7,5), đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch

17/07/2018