Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đường cùng nhà nông hành động

Đường cùng nhà nông hành động
Ngày đăng: 04/09/2015

Đó là lời tâm sự đầy xót xa của ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, về việc đơn vị này kiến nghị điều tra bán phá giá đối với gà Mỹ. Hành động trên đã thể hiện một tư thế, tâm thế rất khác, không thụ động chờ đợi mà chủ động đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của những nông dân (ND) vùng Đông Nam Bộ trong thời buổi hội nhập này.

Kiện để sống

Từ cuối tháng 7, thông tin những người ND chăn nuôi khu vực Đông Nam Bộ cùng ký đơn gửi Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT kiến nghị điều tra bán phá giá đối với sản phẩm thịt gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam làm xôn xao giới chăn nuôi và dư luận cả nước.

Dù được đầu tư kỹ lưỡng nhưng trại gà của ông Nguyễn Văn Ngọc (Bình Phước) nhiều lần phải bỏ không vì thua lỗ.

Trước đó nhiều tháng liền, hàng nghìn trại gà của bà con ND các tỉnh chăn nuôi trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… liên tục thua lỗ vì giá giảm sâu. Rồi trong những lần cà phê sáng, những lần tụ họp chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi… mấy anh em chủ trại gà đã cùng đi đến quyết định ký đơn gửi cơ quan chức năng. Họ muốn kiện “con gà Mỹ” để đòi lại công bằng.

“Chúng tôi tổ chức họp thành viên hiệp hội, anh em ai cũng đồng lòng nhất trí góp sức làm sáng tỏ vụ việc. Tốn bao nhiêu, anh em góp bấy nhiêu, đó là chưa kể những trại quy mô lớn thì sẵn sàng chi nhiều hơn”- ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước quả quyết trước quyết định của hiệp hội này. “Các thành viên của hiệp hội này đang quản lý trên 3.000 trang trại chăn nuôi với vốn vay ngân hàng lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Nếu tình trạng thua lỗ kéo dài còn tiếp diễn, nguy cơ vỡ nợ hàng loạt của các trang trại hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng tôi cũng không còn gì để sợ mất nữa” - ông Ngọc tiếp lời.

Cùng cảnh ngộ với ông Ngọc, tiếp chúng tôi khi vừa xuất chuồng đàn gà hơn 18.000 con chỉ với giá 17.000 đồng/kg (trong khi giá thành đã từ 24.000 – 25.000 đồng/kg), ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ rầu rĩ: “Bán dưới giá thành xấp xỉ 10.000 đồng mỗi con gà thịt, vậy mà loay hoay mãi vẫn không tìm được mối để bán ra. Gà công nghiệp trong nước gần như đã chết lâm sàng từ đầu năm đến nay rồi”.

 Thông thường, ông Quyết cho biết, gà nuôi đạt trọng lượng từ 2 – 2,5kg/con là có thể xuất chuồng, tuy nhiên, cũng như nhiều lứa gà trước đó, ông Quyết không tìm được người mua nên phải giữ lại nuôi tiếp. “Gà hiện nay vượt quá trọng lượng rồi, đã đạt từ 4 – 4,2kg/con, không bán được nữa sẽ thành gà già, gà dai mất. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi cầm chắc phá sản. Không còn cách nào khác nên chúng tôi phải hành động, trước hết là để sống sót, sau nữa là vực dậy ngành chăn nuôi trong nước…” - ông Quyết nói.

Phải rất cẩn trọng

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến từ đầu năm đến nay. Có đơn vị nhập gà từ Mỹ về Việt Nam với giá 45 cent/kg, tức khoảng 10.000 đồng/kg, và bán ra 13.000 -15.000 đồng/kg, còn thấp hơn 1kg thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Trước sự tấn công ào ạt, mạnh mẽ của gà Mỹ, gà nội gần như lép vế hoàn toàn, sức cạnh tranh vốn đã rất yếu, nay càng “khó sống” hơn khi hầu hết những nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp… đều chọn gà Mỹ vì giá rẻ, mua bao nhiêu cũng có.

Thế nhưng, để chuyển từ việc chịu đựng dẫn tới thua lỗ triền miên đến quyết định “vùng lên”, cùng hợp sức đòi quyền được bảo vệ chính đáng trong thời buổi hội nhập toàn cầu hiện nay của tập thể nông dân vùng Đông Nam bộ thì không hề đơn giản.

Hơn nửa đời người quanh quẩn với con gà, cái máng thức ăn… ông Nguyễn Công Phi Long (ngụ Long Thành, Đồng Nai) chưa bao giờ “tiếng nhỏ tiếng lớn” với ai về những khó khăn trong công việc. Thế nhưng, trong bữa họp với đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai, mới đây, ông Long cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên khi nghe các quan chức phát biểu.

Ông muốn phản biện. Dẫu vậy, phải nhờ ông Phó Chủ tịch hiệp hội động viên nhiều lần, thậm chí, cầm tay kéo ra  khỏi bàn, ông Long mới đủ can đảm.

Cầm micro, ông Long phân tích rành mạch về sự khác nhau giữa gà Mỹ đông lạnh, “gà nóng” sản xuất trong nước và những chiêu trò của giới thương buôn vốn đang khiến ngành chăn nuôi trong nước điêu đứng: “Thông thường, thịt gà ở Mỹ và châu Âu thường có khuyến cáo là sử dụng tốt nhất trong thời gian từ 4-6 tháng sau khi giết mổ.

Vì vậy, sau thời gian này, những lô thịt gà còn tồn kho trở thành hàng “thanh lý”, nhà sản xuất có thể bán với giá rất rẻ. Vì nếu không, sẽ phải tiêu hủy vừa tốn phí, vừa phải đóng thuế bảo vệ môi trường” - ông Long phân tích.

“Nếu nhìn bề ngoài, cả hai loại thịt gà này đều giống nhau nhưng khi đem vào chế biến, phần tủy trong xương của gà lạnh Mỹ đã chuyển sang màu thâm đen. Khi về Việt Nam, dù thịt gà Mỹ còn hạn sử dụng đến 6-7 tháng nhưng chất lượng không còn đảm bảo. Bằng chứng là hầu hết thịt gà đông lạnh nhập khẩu bán trên thị trường hiện nay phần xương đã chuyển màu thâm đen. Do đó, chúng tôi muốn làm rõ sự việc để nông dân sống sót mà người tiêu dùng cũng có thêm thông tin để chọn lựa” - ông Long nói tiếp.

 Sau khi nhận đơn kiến nghị từ hiệp hội, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc. Nếu xác định có việc bán phá giá, Cục sẽ áp dụng ngay biện pháp phòng vệ tạm thời bằng cách áp thuế chống bán phá giá sơ bộ, sau đó sẽ tiến hành điều tra để đi đến kết luận cuối cùng.   

 Dù đã “đánh trống” khởi kiện, nhưng nhiều nông dân trong vùng đều lo ngại vụ việc sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Phương Nam khẳng định vấn đề quan hệ thương mại là bình đẳng giữa các nước. Đây là việc giải quyết các vướng mắc, thậm chí đấu tranh   vì lẽ phải trong vấn đề thương mại theo luật pháp quốc tế nên   vụ việc sẽ không bị chi phối bởi bất cứ yếu tố nào.  


Có thể bạn quan tâm

Xoài Việt tỏa sáng ở Nhật Xoài Việt tỏa sáng ở Nhật

Theo Cục BVTV, các lô xoài đầu tiên của Việt Nam XK sang Nhật Bản có giá cao hơn xoài Thái Lan 2 USD/kg, tiêu thụ rất tốt.

02/11/2015
Vì sao 32.000 tấn tôm cá Việt bị trả về Vì sao 32.000 tấn tôm cá Việt bị trả về

Nếu thủy sản Việt Nam tiếp tục nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép, nhiều thị trường sẽ ngưng nhập khẩu.

02/11/2015
 Đưa hàng Việt về nông thôn miền núi điểm bán hàng cố định lối ra cho hàng Việt Đưa hàng Việt về nông thôn miền núi điểm bán hàng cố định lối ra cho hàng Việt

Tận dụng tối đa “lực đẩy” từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ chỉ rõ: Đến năm 2020, tất cả tỉnh, thành phố phải xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, ưu tiên địa bàn nông thôn, miền núi.

02/11/2015
Tập trung xuất khẩu hàng nông sản thế mạnh Tập trung xuất khẩu hàng nông sản thế mạnh

Với nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, thuận lơi trong giao thương, xuất khẩu hàng hóa nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế nói chung, phát huy thế mạnh hàng nông, lâm sản nói riêng

02/11/2015
Đưa xoài Cát Chu sang Nhật Đưa xoài Cát Chu sang Nhật

Sau thỏa thuận ngày 17/9 để xoài Việt Nam được xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản, theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT, cho đến nay đã có 3 lô xoài Cát Chu được XK với sản lượng là 2 tấn.

02/11/2015