Làng Nuôi Rắn Hổ Mang Ở Bạch Xá (Hà Nam)
Khoảng mươi năm về trước, làng Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) được nhiều người biết đến với nghề nuôi ba ba nổi tiếng. Nhưng vài năm trở lại đây, cái tên Bạch Xá lại được cánh lái buôn trong nam, ngoài bắc biết đến là làng nuôi rắn hổ mang.
Nghề nguy hiểm
Hiện Bạch Xá có trên 500 hộ dân thì có tới trên 90% số hộ đang nuôi rắn. Hộ nuôi ít thì vài ba chuồng, nhiều lên đến hàng trăm chuồng. Tuy nghề nuôi rắn đã giúp người dân có cuộc sống khá giả hơn, nhưng họ cũng đang phải đối mặt với không ít rủi ro từ nghề này.
Vào hộ anh Nguyễn Khế Tỗn, một gia đình nuôi rắn quy mô lớn của thôn, chúng tôi được anh Tỗn dẫn đi thăm khu vực nuôi rắn của gia đình. Đó là gần 20 ô chuồng nhỏ được xây bằng gạch cao nửa mét, rộng 4 m2, bên dưới rải đất khô, trên có lưới thép kiên cố được phủ một lớp chăn bông tẩm nước để giữ nhiệt độ và độ ẩm ổn định, những chuồng không có lưới thép bên trên thì được lợp mái bằng gạch đỏ liên kết bằng vữa xi măng kiên cố. Hiện gia đình anh Tỗn thả khoảng 600 con rắn hổ mang trâu, hổ mang đen và hổ mang trắng đều sắp đến ngày xuất chuồng.
Riêng loại rắn hổ mang phì được nuôi trong những chiếc thùng riêng biệt, có con nặng khoảng 5 kg. Thường thì mỗi lứa rắn được nuôi trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng. Anh Tỗn cho biết, nếu như trước đây phải mua giống của các hộ khác thì nay gia đình đã nuôi được rắn sinh sản và nắm được quy trình ấp trứng rắn. Thường thì mỗi lứa rắn mẹ sẽ được nuôi để đẻ hai lứa trứng với thời gian 1 lứa/năm, sau đó sẽ thay thế rắn mẹ khác.
Trứng rắn được ấp trong thùng xốp bên trong có đất ẩm. Khi trứng nở, rắn một vài ngày tuổi cứng cáp sẽ được thả vào chuồng nuôi. Mỗi chuồng thường được thả từ 20 đến 30 con rắn, chi phí giống 2,5 triệu đồng/vụ và chi phí cho thức ăn 1,5 triệu đồng/vụ. Vụ vừa qua, trừ chi phí, gia đình anh Tỗn nhẩm tính thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Nghề nuôi rắn mang đầy rủi ro, nên người nuôi rắn cũng luôn cảnh giác, đề phòng, nếu không sẽ bị rắn cắn. Khéo léo luồn tay bắt con rắn hổ mang phì nặng chừng 3kg một cách thành thạo, anh Tỗn cho biết, con rắn này cũng đã đến ngày xuất chuồng. Thấy chúng tôi có vẻ e ngại và lùi vài bước trước cái răng sắc nhọn của con rắn, anh Tỗn nói, chúng tôi có kinh nghiệm và có thuốc bôi nữa nên không ngại khi bắt rắn.
Không chỉ nuôi rắn mà hiện tại ở Bạch Xá còn hình thành hàng chục nhóm người chuyên làm nghề bắt rắn. Để bắt được nhiều rắn, mỗi hành trình đi tìm và trinh phục loài rắn nổi tiếng về nọc độc này thợ bắt rắn thường phải lên tận các vùng miền núi xa xôi như Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… và mỗi nhóm đi cũng phải có từ 5-7 người cho một chuyến đi từ 5-7 ngày.
Dụng cụ mang theo của người thợ bắt rắn hết sức thô sơ và thủ công, chỉ cần vài cái bao tải, thuổng đào, vài ba cái móc sắt các loại và một thứ không thể thiếu đó là thuốc phòng khi bị rắn cắn. Nói là thuốc nhưng đó cũng chỉ đơn giản là quả chanh. Nếu ai không may bị rắn cắn thì phải ăn ngay quả chanh, rồi tìm xem nhà dân quanh đó có gà con phải mua bằng được đắp ngay lên vết thương và tìm bệnh viên gần nhất để điều trị. Có người phải điều trị vết thương đến vài tháng mới hồi phục. Sau một năm đi bắt rắn cộng lại, nhóm ít cũng được vài ba tạ, còn nhóm nhiều được đến 8 tạ rắn một năm. Số lượng rắn bắt về, nếu được giá thì bán ngay rồi chia cho các thành viên trong nhóm, còn không thì lại bỏ vào các chuồng rắn để nuôi.
Với những người dân Bạch Xá làm nghề nuôi và bắt rắn, họ đều biết là nguy hiểm, nhưng vì lợi ích kinh tế nên họ đã gắn bó với nghề. Chuyện những người dân trong làng phải tháo đi một hoặc nhiều hơn những đốt ngón tay, hoặc ngón chân không phải là hiếm ở làng. Với muôn vàn lý do khác nhau khi bị rắn cắn khiến cho cơ thể những người nuôi hoặc bắt rắn bị khiếm khuyết, nhưng thế cũng là may mắn lắm rồi vì ít ra thì họ cũng không bị rắn cướp đi sinh mạng.
Rít một hơi thuốc lào dài rồi ngửa cổ lên trời nhả khói tròn vo, ông Chu văn Thập nheo mắt nói với chúng tôi nhiều chuyện về nghề nuôi rắn của làng mình, ông bảo: Bây giờ ở làng nếu có người nào mà trên bàn tay, hoặc bàn chân bị thiếu đi một đến hai ngón thì biết ngay đó là do bị rắn cắn. Lúc đầu nhiều người còn thấy băn khoăn, lo ngại về chuyện ấy, nhưng lâu dần thành quen mặc dù trong làng đã có hai người bị rắn cắn chết.
Với bàn tay thiếu ngón, anh Nguyễn Văn Tăng buồn buồn kể: Mỗi lần nhìn bàn tay bị thiếu đi một ngón, mình cũng cảm thấy buồn và đau lắm chứ, có lúc tôi cũng định không làm nghề nuôi và bắt rắn nữa, nhưng hiện tại tôi cũng chưa tìm được nghề phụ gì cho thu nhập cao hơn nuôi rắn, nên cũng đành tặc lưỡi làm liều. Chưa phải bỏ mạng vì rắn cắn cũng là may lắm rồi, phải chăng âu đó cũng là cái số.
Cần quy hoạch khu chăn nuôi rắn tập trung
Theo người dân Bạch Xá, cách đây khoảng chục năm chỉ có một vài hộ tự tìm tòi nuôi rắn với quy mô nhỏ một vài con, sau thấy rắn cũng dễ nuôi mà không mất nhiều thời gian chăm sóc nên nhiều hộ đã làm theo. Kinh nghiệm nhiều năm nuôi ba ba đã được người dân vận dụng khéo léo vào những chuồng nuôi rắn, từ việc chọn lọc nuôi rắn bố mẹ, ấp trứng, chăm sóc rắn con đến việc phân chia chuồng trại từng loại rắn. Ở đây có một điều đặc biệt, người dân chỉ nuôi duy nhất một loại rắn hổ mang, từ hổ mang trâu đến hổ mang phì, hổ mang trắng, hổ mang đen...
Nghề mới về làng, bộ mặt làng xóm từng ngày được đổi mới, những ngôi nhà cấp bốn xiêu vẹo thấp lè tè nay đã được thay bởi nhà mái bằng khang trang, thoáng mát. Trong điều kiện khó khăn về việc làm, đất sản xuất đang ngay càng bị thu hẹp, thì nuôi rắn vẫn là một nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính cho nhiều hộ dân làng Bạch Xá.
Ông Nguyễn Khắc Đực, Trưởng thôn Bạch Xá cho biết, thôn có 527 hộ, hơn 2.200 khẩu nhưng chỉ có hơn 300 mẫu đất canh tác, trước tình trạng đất hẹp, người đông, người dân đã mày mò đủ loại cây trồng, vật nuôi bám trụ đồng ruộng, song đều cho hiệu quả thấp. Khoảng 6 năm trở lại đây, nghề nuôi rắn đã được bà con duy trì bởi nó cho thu nhập ổn định. Từ một vài hộ nuôi thử, nay toàn thôn có đến gần 500 hộ nuôi loài bò sát này, hộ nuôi ít thì vài chuồng, nhiều nhất nuôi 150 chuồng rắn, thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Giá rắn xuất tại chuồng được chia thành nhiều loại, tùy thuộc vào cân nặng của mỗi cá thể, cao nhất là rắn trên 1,5 kg/con có giá trên 500.000 đồng/kg.
Thực tế, nghề chăn nuôi rắn tại làng Bạch Xá được các hộ dân phát triển một cách tự phát theo kiểu thấy nhà hàng xóm nuôi có lời, thì nhà mình cũng nuôi. Đa số chuồng nuôi rắn hiện tại được người dân tận dụng xây ngay tại bếp hoặc vườn nhà và mọi sinh hoạt của các gia đình vẫn diễn ra bình thường bên cạnh những chuồng rắn tiềm ẩn đầy nguy hiểm. Cả làng hiện chỉ có vài ba khu chăn nuôi tập trung, do các hộ thấy nuôi rắn cho kinh tế nên tự đầu tư.
Về khoa học kỹ thuật cũng như về vốn đầu tư đều do các hộ tự tìm tòi học hỏi và rút kinh nghiệm. Mong muốn lớn nhất của người nuôi rắn nơi đây là được chính quyền, cơ quan nhà nước tiếp tục tạo điều kiện về mặt pháp lý cho người chăn nuôi rắn. Ngoài ra, bà con làng Bạch Xá cũng rất mong muốn là được tạo điều kiện về mặt bằng, quy hoạch vùng chăn nuôi rắn tập trung để có thể mở rộng, phát triển nghề một cách bền vững và an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Miệt mài đưa nông sản của nhà nông qua chế biến “made-in Quảng Ngãi” đi đến nhiều nước, những doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh không ngừng đầu tư để nâng cao chuỗi giá trị của hàng nông sản. Đây là những doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, vừa được Bộ Công thương bình chọn.
Lê Trà Lĩnh được các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá có hàm lượng đường dinh dưỡng cao nhất so với các giống lê trong tỉnh. Cây lê được nhân dân huyện Trà Lĩnh trồng từ rất lâu đời, nhưng trải qua thời gian, cây lê gần như bị mai một, chỉ còn rải rác ở một số ít địa phương trong huyện.
Xã Vũ Hòa (Kiến Xương) triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu từ vụ xuân năm 2012 với tổng diện tích 50 ha. Sau 2 năm thực hiện, cánh đồng mẫu ở Vũ Hòa đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Nhận thấy, vào mùa lũ các loại rau, củ, quả thường có giá khá cao nên những năm gần đây, khi bắt đầu vụ tôm càng xanh mùa lũ, hàng trăm hộ dân ở huyện Lấp Vò đã tận dụng diện tích đất bờ bao nuôi tôm, để trồng các loại rau màu ngắn ngày như bầu, bí đỏ, khổ qua, dưa hấu, đậu bắp, cà tím...
Cụ thể là ổ dịch tại 2 hộ chăn nuôi vịt với gần 3.000 con từ 12 - 14 ngày tuổi ở thôn Xuân Mỵ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh và thôn Đồng Nhơn Nam, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh thuộc tỉnh Quảng Trị và Quảng Ngãi.