Làng Không Có Người Già
Ở đó, nóc nhà nào cũng có xe máy, ti vi, máy xát; lọt vào mắt chúng tôi toàn thanh niên và trẻ nhỏ.
Tiếng lợn kêu eng éc, gà gáy le te, dê be be gọi bầy vang cả núi rừng.
Công dân phải có lý lịch sạch
Chinh phục được cung đường đất ngoằn ngoèo như rắn bò từ thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) đến cổng làng thanh niên lập nghiệp biên giới (thuộc địa bàn 2 xã Thụy Hùng và Trùng Khánh) cũng là lúc áo quần lấm bụi vàng.
Một khung cảnh mộng mơ bỗng hiện lên trước mắt. Khu dân cư được quy hoạch theo lối bậc thang dọc theo triền đồi thoai thoải. Những ngôi nhà mới xây kiên cố chỉ cách nhau một vườn rau vuông vắn; gia chủ bước khỏi cửa là gặp đường bê tông bóng nhoáng.
Lẩn khuất dưới bóng rừng thông xanh, nhưng không gian của làng chẳng hề u mịch. Nhởn nhơ phía đồi cao là những đàn dê cổ đeo chuông kêu lúc lắc, be be gọi bầy. Dưới suối, vịt tung tăng bơi lội và những ô chuồng lợn chẳng khi nào ngớt tiếng kêu ụt ịt.
Gọi là làng thanh niên lập nghiệp, được chia thành 5 khu dân cư, nhưng không ai biết trưởng thôn tên gì, ở đâu.
Hỏi Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh Vi Trung Thành mới vỡ lẽ đó chưa phải là một khu hành chính và vẫn “trắng” hệ thống chính trị - xã hội. Do nằm trên phạm vi 2 xã (Thụy Hùng và Trùng Khánh) nên “thuộc đất bên nào bên ấy quản”.
Anh Nông Văn Vui, trưởng thôn Nà Tồng (một trong những người phụ trách làng thanh niên) thống kê: Làng có 65 hộ thanh niên với 216 khẩu. Do bố mẹ còn quá trẻ nên những đứa con cũng lít nhít, tuổi trung bình từ 5 đến 9. Mặc dù mới được lập vài năm nhưng 100% số hộ thanh niên trong làng có nhà xây kiên cố, xe máy, ti vi, máy xay xát; 50% hộ gia đình có tủ lạnh và không có gia đình nào bị liệt vào diện hộ nghèo.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng nhạc chuông điện thoại. Anh Vui thò tay vào túi quần rút chiếc di động cảm ứng nhấc máy. Thấy tôi khen đẹp, anh Vui xua tay: “Như thế có đáng gì, chỉ 2-3 triệu thôi mà. Điện thoại của vợ anh còn đẹp hơn. Ở làng thanh niên này nhiều đứa trẻ còn có điện thoại chơi điện tử cơ mà”.
Thật khó có thể tưởng tượng cách đây chừng 6 năm, dải đất biên cương này thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Lãng. Núi đồi trọc lốc gối đầu nhau nằm hoang hoải. Đường chỉ để cho trâu, bò đi bộ.
Cuộc sống bí bách như chui vào hang cụt, bà con người Tày, Nùng bỏ nhà cửa ra đi. Địa giới thôn Nà Tồng phải kéo dài 7 đến 8 km mới gom đủ số hộ khẩu lập thành một đơn vị hành chính. Mỗi gia đình nằm trơ trọi như một thế giới biệt lập.
Nhằm vận động tuổi trẻ bám biên giới quốc gia, năm 2008, Tỉnh đoàn Lạng Sơn đã đầu tư 30 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng làng thanh niên lập nghiệp biên giới với diện tích hơn 1.200 ha, thuộc địa phận 2 xã Thụy Hùng và Trùng Khánh.
Con đường nối các thôn Nà Hình, Cò Luồng (xã Thụy Hùng) và Nà Tồng (xã Trùng Khánh) dài 4,8 km được mở mới, khai thông với trung tâm xã. Đường điện 35 KV cùng trạm hạ áp 75 KVA kéo về từng khu dân cư; nhà văn hoá mới xây dựng của làng được Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh ví “còn to hơn cả hội trường UBND huyện Văn Lãng”.
Mỗi hộ xin gia nhập làng thanh niên lập nghiệp biên giới sẽ được cấp 350 - 400 m2 đất ở, 30 triệu đồng dựng nhà (các hộ đối ứng ít nhất 25 triệu đồng), hỗ trợ xây dựng bể nước, máy bơm; 2 ha đất lâm nghiệp và 2 sào ruộng bậc thang cùng cây, con giống để phát triển sản xuất.
Anh Vui cho biết: Để trở thành công dân của làng, đối tượng tham gia phải có lý lịch “sạch”. Nghĩa là có điều kiện kinh tế (phải góp vốn đối ứng ít nhất 25 triệu đồng), không có tiền án tiền sự, không sinh con thứ 3, không mắc tệ nạn xã hội và quan trọng nhất là tuổi không quá 35.
“Làng toàn người tốt thì chẳng bao giờ xảy ra việc xấu. Anh thấy đấy, có nhà nào xây tường bao kiên cố đâu, thế mà chưa thấy ai kêu mất của. Cái xe máy bỏ ngoài sân 3 - 4 ngày vẫn còn nguyên. Đều là người trẻ tuổi, họ hiểu tâm tính của nhau nên khó xảy ra xô xát, cãi lộn. Hộ nào xuất chuồng được con lợn, bán được đàn gà lại mời nhau bữa cơm”, ông Vui nói.
Cắm rễ đất biên cương
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Luân Văn Hạnh ở khu dân cư mới Cốc Phông (thuộc làng thanh niên lập nghiệp) đúng lúc chủ nhà đang lùa đàn dê 80 con từ trên rừng về.
Đúng với cái danh “đại gia” mà dân làng thường gọi, ngôi nhà của anh Hạnh chật ních vật dụng đắt tiền. Ti vi siêu phẳng, siêu mỏng; đầu đĩa kỹ thuật số, giàn loa kèm âm ly trên 30 triệu đồng; bàn ghế gỗ nghiến, tường treo tranh đồng trang trí…
Ngày trước, vợ chồng anh ở bản Khuổi Thậm (xã Thụy Hùng) xa heo hút. Mùa mưa, đường dẫn ra trung tâm xã biến thành vũng bùn nhầy nhụa, xe máy cuốn xích, độ lốp, nâng gầm vẫn không lăn nổi bánh.
Nhà có cái xe tải chở hàng thuê, nhiều đợt có mối làm ăn mà không tài nào đánh xe ra khỏi bản được, đành bán bỏ.
Để tồn tại ở miền biên viễn hoang vu, nơi cách đường biên giới Việt - Trung chỉ vài trăm mét, ngoài nghề nông, những thanh niên sức vóc đã làm đủ thứ nghề. Từ anh thợ xây, người bốc vác ở cửa khẩu Na Hình, công nhân cạo nhựa thông đến buôn bán…
Nhưng, tất cả những người tôi đã gặp đều khẳng định rằng, đã đến rồi thì một tấc cũng không dời. Họ giống như những cột mốc sống ở vùng biên xứ Lạng.
Anh Hạnh kể: “Năm 2008, biết tin Tỉnh đoàn Lạng Sơn thành lập làng thanh niên mới gần cửa khẩu Nà Hình, đường vào làng rộng thênh thang, cả nhà quyết định đăng ký chuyển cư. Sau khi xây xong nhà, được dự án cho 50 con gà giống; 2 con lợn giống và 3 bao cám, nuôi sống 100%, lãi bao nhiêu nhân đàn hết.
Khi tích được 70 triệu đồng, tôi chuyển sang nuôi dê núi để chăn thả ở khu rừng phía sau nhà. Hiện tại khu chuồng dê đang có 30 con dê cái, trung bình mỗi năm đẻ 45 con, tôi giữ lại nuôi dê thịt, mỗi năm lãi gần 100 triệu đồng. Có đồng ra đồng vào, tôi tậu xe ô tô 7 chỗ để thỉnh thoảng chở vợ con đi chơi”, anh Hạnh khoe.
Ngoài anh Hạnh, làng thanh niên lập nghiệp vẫn chưa hết người giàu. Hộ chị Hoàng Thị Mừng ở khu dân cư số 3 đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi hàng trăm triệu đồng, mỗi lứa xuất ra thị trường 1.000 con gà.
Từng là hộ đặc biệt khó khăn ở xã Đào Viên, huyện Tràng Định (Lạng Sơn), anh Nông Văn Mạnh cùng vợ và 2 con nhỏ đã bán nhà ở quê chuyển đến đây với khao khát thoát nghèo. Để dựng được ngôi nhà mới, anh đã phải vác gỗ tím cả đôi vai từ cửa khẩu Bình Nhi về để dựng kèo, lợp mái tôn.
Lợp nhà xong, vợ chồng lại cầm cuốc lên nương khai khẩn ruộng hoang và trồng rừng bạch đàn trên khu đồi Nhà nước cấp; thấm thoát đã 4 năm trôi qua, những thân cây bạch đàn đã cao hơn cột điện, lúa ngô ăn không hết. Hai con lợn nái đẻ mỗi năm trung bình 40 con, ngô thừa được xay ra, độn rau lang nấu cháo, tiền lãi thừa đủ nuôi hai con ăn học.
“Vài năm nữa, rừng bạch đàn 3 ha sẽ cho thu hoạch, chắc chắn mình và cả làng thanh niên này sẽ giàu”, anh Mạnh nói.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134589/phong-su/lang-khong-co-nguoi-gia.html
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, tình hình xuất khẩu khó khăn, giá nguyên liệu thấp cộng với dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình đó, Bộ trưởng NN và PTNT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị giải quyết khó khăn đối với ngành hàng này.
Cư dân vùng sông nước xem cá vược như loài ngư tinh với bao huyền tích. Vượt qua những quan niệm lạc hậu, ngư dân đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) đã mạnh dạn “mang” loài cá này vào nuôi thương phẩm để trở thành một đặc sản giá trị.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Tiền Giang vừa có văn bản hướng dẫn UBND huyện Tân Phú Đông về việc khai thác sò huyết giống tự nhiên trên khu vực cồn Ngang thuộc xã Phú Tân.
Ngay sau vụ việc 14 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai bị Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra, phát hiện vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh đã kiểm tra các cơ sở giết mổ. Trong 222 mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện có 31 mẫu dương tính với chất cấm, trong đó có 20 mẫu được cho là có nguồn gốc từ Đồng Nai.
Sau hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, giờ đây ông làm chủ một trang trại chăn nuôi quy mô hiện đại với tổng doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Đó là cựu chiến binh Lương Văn Tuấn ở thôn Gia Tiến, xã Tân Trung, huyện Tân Yên (Bắc Giang).