Làm trang trại VietGAP sạch từ đất, nước, giống...
Mô hình trang trại tổng hợp theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Trần Thái ở thôn Phú Lâm, xã miền núi Tây Phú, huyện Tây Sơn (Bình Định) mỗi năm lãi hơn 500 triệu đồng. Đây là mô hình trang trại vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khen thưởng năm 2015
Ông Trần Thái giới thiệu vườn hồ tiêu VietGAP của mình. Ảnh: M.T
Sạch từ đất, nước, giống đến môi trường
Điều khác biệt ở trang trại rộng 6ha này là ông Thái làm theo hướng VietGAP, sản xuất an toàn, làm ra sản phẩm an toàn. Để có được ngày hôm nay, ông đã dày công cải tạo đất, biến vùng đá, sỏi khô cằn hoang hóa ngày nào thành vườn canh tác trù phú, màu mỡ, cây cối xanh tươi bốn mùa.
Buổi đầu cải tạo, ông Thái và hàng chục người làm công đã phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, hì hục, cần mẫn lật từng viên đá, trốc từng gốc cây, quy hoạch, cải tạo đất để có khuôn viên trang trại đẹp. Có đất tốt rồi, ông liền khai thác nguồn nước tưới cho trang trại bằng cách dẫn nước từ núi cao, cách nhà chừng 20km về tích trữ trong bể xi măng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ngày ông lấy được nước về dùng, làm bao người ngỡ ngàng và thán phục.
Liên tiếp trong các năm 2007, 2011, 2012, 2014 ông Trần Thái được UBND huyện Tây Sơn, Hội ND tỉnh, UBND tỉnh Bình Định và T.Ư Hội Làm vườn Việt Nam tặng bằng khen, giấy khen và công nhận là Nông dân sản xuất giỏi cấp T.Ư.
Ông Thái chia sẻ: “Một mặt tôi xem trọng sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, phân xanh trong quy trình sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho đất. Mặt khác, tôi hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất khác trong khâu chăm sóc cây, con. Mặc dù phải mất công quản lý, giám sát, mất chi phí cho việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, nhưng tôi xác định làm là vì lợi ích sức khỏe gia đình tôi, cho bạn hàng làm ăn và cho sức khỏe người tiêu dùng…”.
Hiệu quả vượt trội
Theo ông Thái, làm trang trại tổng hợp phù hợp với đặc điểm thị trường và giá cả nông sản “đầu ra”. Có kinh nghiệm nên năm nào ông cũng thắng lợi.
Đơn cử năm 2015, trang trại của ông Thái thu được 18 tấn măng tre Điền Trúc, trong đó có 3 tấn măng trái vụ giá bán tới 30.000 đồng/kg; 12 tấn trái mít tố nữ hạt lép giống Malaysia; 150kg hồ tiêu sạch; xuất bán 5 con bê lai, 20 con dúi; 500 con gà ta thả vườn. Ngoài ra, ông còn thu hoạch được 500 tấn cây keo lai, 6 cây sưa đỏ với giá bán 15 triệu đồng/cây. Gia đình ông còn có thu nhập khác nhờ tham gia bảo vệ 50ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Tổng thu năm 2015 của trang trại ông Thái đạt gần 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí ông bỏ túi khoảng 500 triệu đồng.
“Trang trại tổng hợp phải kết hợp lợi thế của các cây trồng, vật nuôi trên cùng 1 diện tích dựa vào đặc điểm sinh học hoặc tập tính loài và căn cứ vào tín hiệu thị trường. Ví dụ, muốn nuôi con dúi thì phải có vườn tre, vì trong tự nhiên tre và mía là các thực phẩm chính mà con dúi ưa thích. Bình Định đang là nguồn “cầu” rất lớn về nguyên liệu giấy nên cây keo hấp dẫn nông dân, nhất là nông dân miền núi...” – ông Thái thổ lộ.
Cùng với làm giàu cho gia đình, ông Thái đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ và 5 lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Thái quả quyết: “Theo tôi, cho đến nay làm kinh tế trang trại theo hướng VietGAP là cách làm có tính khoa học, bền vững. Trang trại không chỉ có phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo hình ảnh đẹp cho nông thôn. Nhờ kinh tế trang trại, tôi đã nuôi 2 con và 4 cháu mồ côi được ăn học đại học, có công ăn việc làm…”.
Có thể bạn quan tâm
Cây tiêu có tên khoa học là: Piper nigrum L, họ hồ tiêu (Piperaceae), bộ Piperales. Ở nước ta, cây tiêu được đưa vào trồng trước hết tại vùng Hà Tiên, sau đó nhanh chóng được nhân rộng ra ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ.
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 500 hécta tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Với loại bệnh này nếu không phòng trừ kịp thời sẽ làm cho vườn tiêu chết hàng loạt.
Đối với cây hồ tiêu, yếu tố quan trọng nhất trong việc xử lý ra hoa chính là nước. Trong điều kiện bình thường, người dân thường xử lý ra hoa bằng cách hạn chế (hoặc không) tưới nước để vườn tiêu bị héo nhẹ, làm cho cây chuyển sang trạng thái sinh sản tạo mầm, rồi sau đó lợi dụng đặc tính mưa lớn đầu mùa vào tháng 5 – 6 cho tiêu ra hoa.