Làm Thế Nào Giữ Giống Cá Thác Lác Cườm?
Năm 2006, Hậu Giang có đến 54.000 hecta mặt nước thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Trong đó có đến 10.000 hecta mặt nước nông dân đang thả nuôi các loài thủy sản như cá lóc, cá rô, sặc rằn... còn diện tích mặt nước để nuôi cá thác lác cườm khoảng 50 hecta mà thôi!
Cơ quan chức năng tỉnh này đã và đang xúc tiến xây dựng thương hiệu “Cá thác cườm Hậu Giang” nên Sở NN&PTNT tỉnh đã quy hoạch đến 2010, Hậu Giang sẽ có 500 hecta nuôi thác lác cườm nguyên liệu, tập trung nhiều ở huyện Vị Thủy (200 hecta - 10 tỉ đồng - 10 triệu con giống); thị xã Vị Thanh, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp...
Điều đáng nói là chỉ mới “nhen nhóm” thương hiệu cá thác cườm thì Hậu Giang lại đang đối đầu với hai vấn đề cần tháo gỡ: Đầu ra cho cá thác lác thương phẩm; cá thác lác giống Thái Lan, Lào đang tràn vào vùng này!
Theo phân tích của ngành chuyên môn, cá thác lác cườm ở Hậu Giang có hàm lượng protein thô là 17,08%; béo thô là 2,85%. Trong khi đó, cá thác lác miệt U Minh ở Cà Mau có hàm lượng protein là 15,95%; béo 2,57%; cá thác lác của Campuchia có hàm lượng protein thô là 16,21%; béo thô là 2,8%…
Từ đó cho thấy, hàm lượng chất dinh dưỡng của con cá thác lác ở vùng tây nam sông Hậu này vẫn cao hơn con cá thác lác ở những vùng khác, do đặc thù về thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng ở Hậu Giang tạo nên.
Năm 2005, nông dân Hậu Giang thả nuôi vỏn vẹn trên diện tích 21 hecta, tập trung nhiều ở Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, Vị Thanh và đến đầu tháng 6 là thời điểm thu hoạch! Tuy nhiên, giá thác lác thương phẩm giảm từ 50.000 đ (đầu vụ) xuống còn 25.000 đ/kg làm người dân địa phương lo ngại.
Anh Nguyễn Văn Thanh ở phường Lái Hiếu (TX Tân Hiệp, Phụng Hiệp) thả nuôi trên 6.000 con (giá 3.000 đ/con giống) vào đầu mùa lũ năm 2005.
Sau một năm nuôi, anh vừa thu gần 1 tấn cá bán gần 25 triệu đồng (giá 50.000 đ/kg), nhưng với mức giá bán cá thương phẩm giảm gần 50% thì tính ra anh Thanh huề vốn mà thôi. Còn anh Phạm Văn Trí ở ấp 5, xã Thuận Hưng (Long Mỹ, Hậu Giang) thì đang băn khoăn có nên cất hầm cá hay không vì giá cá thịt giảm quá, bán thì bị lỗ sau gần 1 năm nuôi.
Anh Trí tính toán, hiện tại giá thức ăn cho cá thác lác là 5.000 đ/kg, bình quân 1 tấn cá ăn khoảng 15 kg thức ăn hàng ngày thì tốn kém lắm, anh phải neo cá lại để chờ giá cá thác lác tăng vào đầu mùa lũ này.
Vì sao cá thịt khó bán và giá giảm? Theo lý giải của ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ Sở NN&PTNT Hậu Giang, nông dân địa phương sản xuất thiếu liên kết, thiếu đầu mối tập trung nên rất khó bán cho các doanh nghiệp chế biến; còn các doanh nghiệp thì chưa chịu mua cá thương phẩm của nông dân vì chi phí vận chuyển cao và cũng do thiếu đầu mối tập trung.
Kỹ sư Nguyễn Văn Vui, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết, địa hình Hậu Giang thấp nhưng bằng phẳng; hệ thống sông ngòi chằng chịt và ảnh hưởng nhật triều sông Hậu, bán nhật triều sông Cái Lớn của Kiên Giang và sông Nước Trong từ Bạc Liêu đổ vào vùng tây nam sông Hậu, tạo dòng chảy yếu và thích hợp cho nhiều loài thủy sản nước ngọt nơi đây, trong đó có con cá thác lác.
Huyện Vị Thủy có một trại giống cá thác lác cườm của anh Lê Văn Dũng ở xã Vĩnh Tường. Năm 2001, anh Dũng mua 30 con thác lác về nuôi làm giống. Sau hơn 1 năm, anh sản xuất gần 10.000 con cá thác lác cườm giống.
Đến năm 2005, anh tung ra thị trường cả triệu con thác lác giống. Từ đó đến nay, phong trào nuôi cá thác lác thương phẩm phát triển ở vùng Vị Thủy này, chỉ riêng xã Vĩnh Tường đã có hơn 30 hộ nuôi cá thác lác thịt (15 hecta).
Hiện nay, Hậu Giang ngoài trại sản xuất cá thác giống ở Vị Thủy có một trại ở Phụng Hiệp, và vài cơ sở tư nhân cũng bắt đầu sản xuất cá giống thác lác.
Anh Lê Minh Nguyên, Tổ trưởng kỹ thuật của Trại giống cá thác lác (Công ty Thủy sản xuất khẩu Côn Đảo) tại ấp 3, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, nói: Năm 2005, trại này đã cung cấp cho nông dân Hậu Giang gần 150.000 con cá thác lác giống và dự kiến năm 2006 này, trại sẽ bán ra khoảng 1 triệu con giống. Tuy nhiên niên vụ 2006 này, dòng cá thác lác Thái Lan lại tràn vào địa phương.
Anh Nguyễn Văn Bằng, một chủ trại cá thác lác giống ở Tân Phú Thạnh, Châu Thành A, Hậu Giang, cho biết, anh mới bắt đầu bán cá giống thác lác mùa 2006 này, 700 đ/con cá bột; giống bố mẹ thì 60.000 đ/kg.
Anh Bằng hiện có 5.000 con cá bố mẹ đẻ con giống bán cho người nuôi giá 3.000 đ/con (6 cm/con)... nhưng anh đang lo lắng giống cá thác lác Thái Lan tràn vào vùng này, với giá 200 đ -800 đ/con cá thác lác bột và giá 1.600 đ - 1.200 đ/con cỡ 2 - 6 cm.
Như vậy sẽ ăn đứt cá thác lác cườm Hậu Giang về mức giá. Còn nguồn gốc thì chưa ai biết xuất xứ từ đâu, chỉ nghe nói là chuyển về từ TP.HCM, Vĩnh Long… có tỉ lệ hao hụt giống cao làm phân vân tâm trạng người nuôi ở Hậu Giang.
Làm sao để bảo vệ thương hiệu cá thác lác cườm và chống giống cá thác lác ngoại tràn vào? Kỹ sư Vui nói: “Hậu Giang hiện nay chỉ trông chờ vào các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu ở các viện, trường phân tích và đưa ra chỉ số của con cá thác lác cườm Hậu Giang để phân biệt với cá thác lác Thái Lan.
Kế đến là Hậu Giang mà cụ thể là huyện Vị Thủy (huyện sẽ chiếm diện tích nuôi con cá này nhiều nhất tỉnh) sẽ xã hội hóa chất lượng sản xuất con giống (sản xuất nhiều con giống; nhiều người nuôi thịt), khuyến khích, hỗ trợ người dân nuôi và phát triển để giữ vững thương hiệu và giống gốc cá thác lác cườm này!”.
Có thể bạn quan tâm
Cá thát lát cườm thịt ngon, giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, người nuôi cá ĐBSCL đã chuyển sang dùng thức ăn công nghiệp, hiệu quả cao, vì cùng lúc có thể chủ động nguồn thức ăn, tăng lợi nhuận, năng suất cao, cá bán được giá.
Cá Thát Lát (Notopterus; tên khác: cá phát lát) loài cá xương nước ngọt, thuộc họ Cá thát lát (Notopteridae). Thân rất dẹt, đuôi rất nhỏ, toàn thân phủ vảy nhỏ; đường bên chạy giữa thân, tương đối lớn.
Trong những năm gần đây, ngoài nghề nuôi cá lóc trong vèo truyền thống, hiện nay nghề nuôi cá thát lát cườm trong vèo cũng mang lại lợi nhuận cao.
Mô hình nuôi cá ghép trong ao, bè ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang được nông dân áp dụng hiệu quả, vừa nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình, vừa giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.