Làm giàu từ mô hình trồng mít Changai
Trước những khó khăn trong việc chọn lựa hướng đi, nông dân Lê Văn Sanh (ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đã trăn trở, cuối cùng ông quyết định lựa chọn và thành công với mô hình trồng mít Changai.
Ông Lê Văn Sanh cũng chính là người đầu tiên của huyện đã đưa cây mít Changai về trồng trên vùng đất Tam Ngãi. Bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Nông dân Lê Văn Sanh với giống mít Changai đang được thu hoạch
Được biết cuối năm 2012, nông dân Lê Văn Sanh đã mạnh dạn qua tận Tiền Giang để tìm hiểu về mô hình trồng mít. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật và liên kết trong việc đầu ra cho sản phẩm, mô hình trồng mít Changai được nông dân Lê Văn Sanh đưa về trồng trên diện tích 01ha đất vườn với 1.500 cây mít Changai.
Sau 18 tháng trồng, mít bắt đầu cho trái chiếng; Trong vụ trái đợt I (cuối năm 2014) ông Lê Văn Sanh đã thu hoạch trên 30 tấn trái, với giá thu mua của lái tại vườn bình quân 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu nhập trên 300 triệu đồng.
Ông Lê Văn Sanh cho biết: trồng mít Changai tuy khó nhưng lại dễ, rất phù hợp cho vùng đất của Tam Ngãi nói riêng và trong huyện Cầu Kè nói chung. Tuy nhiên nguồn giống phải đảm bảo chất lượng và đúng với giống mít Changai (giống Thái Lan). Khi đó chất lượng của mít mới đảm bảo, như: múi mít khi chín khô, không bị tươm mật.
Độ dày cơm của múi mít, sơ mít vẫn ăn được. Thương lái sau khi thu mua sẽ đóng thùng, vận chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang và Hà Nội.
Trong kỹ thuật trồng mít Changai, nhà vườn thường gặp phải đối tượng gây hại là sâu đục trái và nền đất trồng phải tránh bị úng, đảm bảo tốt việc thoát nước trong mùa mưa. Mật độ trồng thường dao động 120 - 130 gốc/1.000m2. Trong quá trình để trái cần chú ý đến hiệu quả (yêu cầu của thương lái).
Nếu trọng lượng mít dưới 07kg/trái sẽ rơi vào hàng dạt (giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg), vì vậy giai đoạn mít cho trái chiếng nên để 01 trái/cây (trái mọc từ thân), khi đó trọng lượng của mít có thể đạt 12 - 15kg/trái.
Giai đoạn mít từ 03 năm tuổi trở đi, tùy vào thể trạng của từng cây, nên để 02 - 03 trái, nếu cây được chăm sóc tốt, đủ dinh dưỡng, trọng lượng trái có thể đạt 20 - 25kg.
Cũng theo nông dân Lê Văn Sanh, giá cây giống mít Changai hiện nay đang có xu hướng tăng cao, do nhu cầu “ăn hàng” về mít trái tăng mạnh, nên nguồn cung cấp giống ở các tỉnh đang thiếu. Trước đây giá cây giống khoảng 12.000 đồng/cây, đầu năm 2015 tăng lên 18.000 đồng/cây, và nhiều nhà vườn gặp phải cảnh “treo đầu dê”, sau khi thu hoạch mới phát hiện không phải là giống mít Changai của Thái, nên các thương lái không thu mua, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.
Từ mô hình trồng mít Changai của nông dân Lê Văn Sanh đã giúp cho gần 15 hộ trong ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi áp dụng thực hiện thành công, góp phần chia sẻ kinh nghiệm, cách làm giàu đến với mỗi người. Theo ông Huỳnh Võ Trường An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Ngãi:
Mô hình trồng mít Changai đã tạo được hướng đi cho nhiều hội viên nông dân, ngoài hiệu quả kinh tế.
Đây là cây trồng mới nên cũng cần được ngành chuyên môn định hướng trong việc phát triển. Hiện toàn xã có trên 20 hộ chuyển đổi đất vườn kém hiệu quả để trồng mít Changai (500 - 700 gốc mít/hộ), với tổng diện tích khoảng10ha.
Tuy giá thu mua mít trái là khá cao, nhưng đối với trái mít bị bệnh múi đen (hiện tượng múi, xơ mít có màu đen) giá trị giảm chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg, khi đó nhà vườn thiệt hại rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
Chiều 8.10, hai căn nhà Đại đoàn kết thuộc dự án “Tín dụng nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường” đã được bàn giao cho hai hộ nông dân Nguyễn Văn Lâm và chị Lê Thị Gái thuộc xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, Long An.
Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) phối hợp Hội Hóa học TP.Hồ Chí Minh đã tìm các phương án nghiên cứu để sản xuất que thử nhanh chất cấm còn tồn dư trong nước tiểu vật nuôi.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối thị trường cả trong và ngoài nước; dự báo, đánh giá và thông tin kịp thời nhu cầu thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông-thủy sản.
Ở vùng đồng bằng hay miền núi xa xôi, khắp các miền quê Quảng Trị nông dân (ND) đều phấn khởi, tích cực tham gia phong trào “ND Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”.