Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng
Anh Thiện sinh năm 1982 là kĩ sư Công nghệ thông tin tốt nghiệp trường Đại học Giao thông vận tải cùng vợ là Trần Thị Vẻ, bác sĩ thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi ra trường anh làm việc cho công ty FPT Hà Nội, lương cứng mỗi tháng 14 triệu cộng thêm doanh số thu nhập khoảng 20 – 25 triệu đồng/tháng, vợ anh là nhân viên văn phòng công ty thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam.
Nhưng với ước mơ về quê lập nghiệp anh đã động viên vợ cùng về quê hương. Ban đầu quá trình khởi nghiệp vô cùng khó khăn. Anh huy động vốn tích góp từ trước kết hợp vay ngân hàng, anh em để mua lại 30 sào ruộng cơ bản của người dân, đầu tư đào ao nuôi tôm, xây chuồng trại, lắp đặt chuồng nuôi Thỏ.
Năm 2014, khi mới bắt đầu nuôi thỏ, anh mua được 90 con thỏ giống. Tuy nhiên, do thời gian đầu chưa có kinh nghiệm thỏ bị chết 2/3 chỉ còn lại khoảng 20 – 30 con thỏ sinh sản. Thấy vậy, nhiều người khuyên anh chuyển hướng sang đối tượng nuôi khác, không nản chí anh vẫn quyết tâm nuôi tiếp vì vốn đầu tư ban đầu cho chuồng, lồng nuôi khá tốn kém nếu không nuôi tiếp phải bỏ đi rất lãng phí. Để thỏ sinh trưởng và phát triển tốt, anh tích cực tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ mạng và các hộ nuôi thỏ khác. Nhờ đó, thỏ nhà anh nuôi giờ đây hầu như không bị bệnh và ko có dịch bệnh xảy ra.
Anh chia sẻ: “Trong quá trình nuôi, khó khăn ban đầu là đầu tư về chuồng trại, lồng nuôi tốn kém và đòi hỏi người nuôi cần tỉ mỉ, cần cù nhưng bù lại nuôi thỏ có nhiều thuận lợi vì thỏ là loài dễ nuôi, đẻ sai dễ nhân giống mở rộng quy mô, giá bán khá ổn định (thời điểm thấp nhất cũng được 70 nghìn/kg), sản phẩm dễ tiêu thụ do nguồn cung lúc nào cũng thiếu và ít bị bệnh. Từ năm 2015 đến nay, trong chuồng nuôi của anh trung bình có khoảng 1000 con, lúc cao điểm lên đến 1700 – 1800 con.
Bên cạnh nuôi thỏ thương phẩm anh còn cho thỏ sinh sản và cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi thỏ ở các xã lân cận trong huyện Tiền Hải. Hộ nào có nhu cầu nuôi anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đã tích lũy của mình trong suốt những năm qua. Anh cho biết mỗi năm trừ hết chi phí anh thu lãi khoảng 180 – 230 triệu/năm tùy theo từng năm. Để nuôi bền vững và không ô nhiễm môi trường anh còn tận dụng phân và nước tiểu của thỏ để nuôi giun đất ngay dưới lồng nuôi bán cho những người đi câu cá và mỗi tháng thu thêm được 3 – 5 triệu đồng.
Ngoài nuôi thỏ, trang trại của anh có 3500m2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Anh nuôi tôm mới được 3 năm. Năm đầu, trừ chi phí anh lãi 150 triệu, những năm sau anh lãi trung bình 300 triệu/năm và chưa năm nào xảy ra dịch bệnh do tuân thủ đúng quy trình kĩ thuật, xử lý dịch bệnh kịp thời, nuôi mật độ thưa nên tôm ít bị bệnh, tôm to giá bán cao hơn.
Khi tôi hỏi anh cảm thấy thế nào về quyết định về quê lập nghiệp anh cười cho biết: “Ban đầu khi mới về quê, bạn bè ra trang trại hoang sơ vắng vẻ, đường lầy lội đầy bùn đất ai cũng lắc đầu ngao ngán. Tuy nhiên, đến nay có được cơ ngơi này tuy chưa phải là giàu có, nổi trội nhưng anh thấy rất vui vì đã chọn hướng đi này và có quyết định lại anh vẫn không thay đổi, anh tin rằng đây là hướng đi đúng đắn”. Anh được lãnh đạo địa phương và bà con tin tưởng bầu vào Đảng ủy và trong nguồn thay Giám đốc HTX Nam Cường trong thời gian tới.
Địa chỉ liên hệ: Đỗ Đức Thiện Xã Nam Cường – Tiền Hải – Thái Bình, Điện thoại: 0985 268 082
Có thể bạn quan tâm
Dám nghĩ dám làm, mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Vũ Thị Dân, xã Thăng Long (Đông Hưng)
Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ vừa phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Nghệ An, HTX Nam Thịnh tổ chức hội thảo đánh giá giống lạc đen.
Anh Nguyễn Văn Hạnh (32 tuổi), ở xóm Đông Giai, xã Diễn Hoàng, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã biến lá dứa thành tơ sợi xuất khẩu đi châu Âu, mang về tiền tỉ.