Làm giàu từ mô hình nuôi gà trắng trong trại lạnh
Nuôi gà trong trại lạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao
Vốn là công nhân Công ty dâu tằm tơ, sau khi công ty này giải thể, anh Lục Văn Tâm nghỉ ở nhà và bắt tay vào chăn nuôi gà trắng.
Đó là năm 2003, với số vốn tích lũy được, sau một thời gian nghiên cứu thị trường, tìm hiểu kỹ thuật nuôi, anh đầu tư nuôi 8.000 con gà trắng.
Đàn gà được nuôi quay vòng, cứ hết lứa này đến lứa kia xuất đi và cũng tăng theo thời gian, từ 8.000 con ban đầu, đến năm 2005 là 17.000 con và năm 2011 là hơn 30.000 con.
Nhưng lúc đó, chỉ là nuôi gà trắng thịt theo hình thức thủ công.
Mặc dù trong suốt quá trình nuôi, vợ chồng anh không gặp rủi ro gì nhưng năng suất và thu nhập theo hình thức này là không cao.
Sau một thời gian xuống tận các địa phương như Đồng Nai, Bình Phước… những nơi tiên phong trong việc nuôi gà trắng trong trại lạnh để tìm hiểu, nhận thấy mô hình này thật sự mang lại hiệu quả cao, năm 2011, anh quyết định đầu tư xây trại lạnh để tạo môi trường thuận lợi cho việc nuôi gà trắng.
Trại gà lạnh của gia đình anh dài 120 mét và rộng 12 mét, được xây dựng kiên cố bằng bê tông, khung thép, khép kín.
Tường trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ ổn định.
Bên trong trại gà, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách nhằm tạo không gian thoải mái.
Với trang trại này, mỗi năm anh Tâm xuất được 5 lứa gà, mỗi lứa như vậy anh Tâm thả được 15.000 con và chỉ nuôi trong khoảng 40 ngày là xuất, với trọng lượng đạt trung bình 3kg/con.
Dẫn chúng tôi đi một vòng trang trại, anh Tâm cho biết: “Mô hình này tuy ban đầu chi phí đầu tư khá cao nhưng lại rất “chắc ăn”.
Toàn bộ quy trình từ nuôi đến cho ăn đều được khép kín nên gà lớn nhanh, đều và hầu như không có bệnh tật gì.
Công việc chăm sóc gà cũng khỏe hơn nhiều so với nuôi gà theo mô hình chuồng hở”.
Anh Tâm cũng cho biết thêm, vốn đầu tư ban đầu khoảng gần 2 tỷ đồng/trại.
Đổi lại, hiệu quả kinh tế cao thấy rõ, mỗi năm, trừ hết chi phí, vợ chồng anh thu về khoảng 600 triệu đồng.
Làm một phép tính so sánh giữa việc nuôi gà trắng trong chuồng lạnh với nuôi gà trắng theo hình thức mở như trước kia, anh Tâm khẳng định, việc chuyển hướng làm ăn của mình như hiện nay là hoàn toàn đúng đắn.
Bởi, năng suất đạt trung bình của mỗi lứa gà khi nuôi trong trại lạnh là từ 90 - 95% (trước đây chỉ đạt khoảng 80%); thời gian nuôi cũng ngắn ngày hơn (chỉ 40 ngày, trước kia là 45 ngày)… Ngoài hiệu quả kinh tế, nuôi gà chuồng lạnh cũng giảm thiểu rất nhiều nguy cơ dịch bệnh do khâu vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào đảm bảo và giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, nuôi gà phòng lạnh còn tiết kiệm được nhiều chi phí và công sức của người nuôi do có hệ thống cho ăn tự động.
Mỗi trại gà chỉ cần 2 công nhân là có thể đảm nhiệm hết công việc hàng ngày.
Ngoài ra, do xây dựng kiên cố nên thời gian sử dụng trại gà lạnh có thể lên tới 10 - 15 năm, trong khi trại gà hở chỉ sử dụng được 2 - 3 năm là xuống cấp, có khi phải làm lại.
Trước hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại, anh Tâm cũng vừa đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng thêm một trang trại nữa với diện tích dài 120m và rộng 14m và cách đây vài ngày, anh cũng vừa thả lứa gà đầu tiên 17.000 con vào trại mới này.
Song song với việc nuôi gà, vợ chồng anh Tâm còn trồng thêm laghim như cải thảo, củ dền… trong trang trại khép kín rộng 2,3ha của mình.
Nguồn chất thải từ trại gà được anh tận dụng, xử lý, rồi bón cho laghim.
Mỗi năm, từ việc chăn nuôi gà, trồng laghim cũng đem lại thu nhập cho gia đình anh trên dưới 1 tỷ đồng.
Có thể nói, mặc dù vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng mô hình nuôi gà trong trại lạnh hiện đang là hướng đi bền vững cho các hộ chăn nuôi gà, mở ra hướng làm giàu mới cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, nhiều cây lấy hạt ở Việt Nam đã đạt đỉnh cao về kinh tế (như cà phê, hồ tiêu...) lại đang phải đối diện với thách thức do sự già cỗi của các vườn cây. Trong bối cảnh ấy, cây macca nổi lên như một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao với ưu thế vòng đời lên đến hơn 60 năm.
Lý giải về hiện tượng này, ông Lê Văn Việt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Vân Canh, cho biết: Năm 2014 thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, sâu đục thân hại chuối, cộng với áp thấp nhiệt đới xảy ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua, đã gây thiệt hại gần 50% diện tích chuối tết của người dân địa phương.
Năm nay, các giống cây lâm nghiệp đều được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thay vì bằng hom, hạt như trước đây. Ưu điểm của phương pháp này là cây giống sạch bệnh, độ đồng đều cao, sinh trưởng, phát triển tốt, thân mọc thẳng, ít phân cành.
Tại Sóc Trăng, hiện nay, bưởi da xanh đang được thương lái thu mua với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/ kg và từ 43.000 - 50.000 đồng/kg bưởi Năm Roi, cao hơn từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo các nhà vườn ở huyện Kế Sách, nguyên nhân bưởi liên tục tăng giá do năm nay thời tiết không thuận lợi, gây ra nhiều dịch bệnh trên cây và trái, làm giảm năng suất và có thể sẽ gây khan hiếm cho thị trường Tết sắp tới.
Theo thông tin từ Hội Sinh vật cảnh thành phố Đà Lạt, khá nhiều nhà vườn trong thành phố đang trồng, chăm sóc loại chanh cho trái khổng lồ và hiện đã ra trái rất đẹp. Cây chanh không quá to, chiều cao chỉ khoảng 1,20m nhưng cho trái chanh rất lớn, có trái nặng tới 1kg, dáng tròn, lúc còn non trái màu xanh, khi chín trái vàng ươm rất đẹp. Cùi và vỏ của trái chanh khổng lồ có vị ngọt the, ruột vàng chua dịu và thơm. Hiện chanh giống có giá 200 ngàn đồng/cây.