Làm Giàu Từ Cây Thanh Long
Chúng tôi lấy làm ngỡ ngàng khi đứng trước vườn thanh long đang mùa đơm bông kết trái trên đồng đất Nha Húi thuộc xã Mỹ Sơn. Mô hình cây thanh long ruột đỏ rộng 3 hecta của anh Sằn A Lộc đánh dấu bước phát triển mới trong nghề trồng cây ăn trái ở huyện Ninh Sơn.
Để có được khu vườn 3.000 trụ thanh long ruột đỏ đang mùa ra trái sung túc như ngày nay, Sằn A Lộc đã mất nhiều năm trăn trở tìm loài cây trồng ổn định lâu dài trên đồng đất Nha Húi. Trên đồng đất cát pha sỏi nhẹ ven suối Sara, anh trồng thuốc lá vàng sấy, mảng cầu, rau đậu nhưng nguồn lợi đem lại không đáng kể. Nhìn thấy nông dân tỉnh Bình Thuận làm giàu từ cây thanh long, anh suy nghĩ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng Bình Thuận và Ninh Thuận có nhiều nét tương đồng, liệu đồng đất Nha Núi trồng cây thanh long được không?
Đầu năm 2011, Sằn A Lộc khăn gói lặn lội vô Tiền Giang đến Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam tìm hiểu về cây thanh long. Anh đem theo mẫu đất lấy từ Nha Húi nhờ các nhà khoa học phân tích thổ nhưỡng xem có trồng được cây thanh long hay không? Anh rất mừng khi nhận được kết quả hồi đáp của Viện là đất đai và khí hậu Nha Húi rất thích hợp cho cây thanh long phát triển có khả năng cho năng suất và chất lượng cao. Sau ba lần vô Tiền Giang dốc lòng học nghề, Sằn A Lộc trở về dốc hầu bao trên 1 tỉ đồng đầu tư trồng 3 hecta thanh long ruột đỏ. Anh chuẩn bị chu đáo cơ sở hạ tầng, từ hạ thế bình điện có công suất 25 KVA, đào ao rộng 1,5 sào chứa nước bơm tưới đến làm đất, đúc trụ xi măng, dự trữ phân chuồng bón gốc. Đầu tháng 7- 2011, Sằn A Lộc thuê xe tải chở 12.000 hom giống thanh long ruột đỏ do Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam lai tạo đưa về trồng trên đồng đất Nha Núi. Mỗi trụ được anh trồng 4 gốc lắp đặt hệ thống chủ động bơm tưới “phun mưa”.
Gần hai năm bén rễ tỏa cành xanh mướt trên đồng đất Nha Húi, vườn thanh long của Sằn A Lộc vừa cho thu hoạch trái chiến, anh “bẻ bông” lứa đầu được 5 tạ. Trái chín cân nặng 400- 500 gram, ruột đỏ thẩm, hương vị thơm ngọt. Thương lái từ Phan Thiết ra tận vườn thu mua với giá 40.000 đồng/kg. Cây thanh long đang tiếp tục ra bông kết trái chật cành, anh tỉa bỏ bớt trái non chỉ để lại mỗi trụ 6- 8 trái. Thanh long dễ trồng, ít sâu bệnh hại, thời gian ra bông đến thu hoạch khoảng 30 ngày. Ninh Thuận có số giờ nắng cao nên thanh long ruột đỏ có khả năng cho thu hoạch 2-3 vụ/năm. Theo tính toán của Sằn A Lộc, nếu được đầu tư chăm sóc chu đáo, từ năm thứ tư trở đi cây thanh long cho năng suất 30- 40 tấn/ha/vụ. Giá bán tại vườn chỉ cần 10- 15 ngàn đồng/kg cho thu nhập 200- 300 triệu đồng/ha/vụ, nghề trồng thanh long ruột đỏ đem lại lợi nhuận cao giúp nông dân vươn lên làm giàu bền vững.
Sằn A Lộc mong muốn được ngành nông nghiệp cử cán bộ giúp anh canh tác thanh long theo tiêu chuẩn Vietgrap. Đồng thời đầu tư mở rộng diện tích thêm 3 hecta và tiến tới đăng ký thương hiệu thanh long ruột đỏ Ninh Sơn.
Có thể bạn quan tâm
Vào đầu mùa mưa, trên sông Đồng Nai xuất hiện nhiều loại cá đặc sản, như: cá lăng vàng, cá leo, cá chình, cá chạch, cá chốt chuột... Đây là thời điểm các ngư dân đánh bắt trên sông tranh thủ “săn” cá đặc sản, và có đêm họ kiếm được cả chục triệu đồng.
Ngày 15-7, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá tình hình và giải pháp thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT–TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là hạn chế tác hại của việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản trên địa bàn Đồng Nai.
Phát triển Đề án “2 con, 1 cây” (gà, cây dược liệu, tôm), hiện huyện có 445 hộ gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 1.355ha, tăng 96% so với năm 2014. Trong đó, nuôi bán thâm canh 124 hộ, nuôi quảng canh 321 hộ.
ThS. Lê Văn Bảo Duy và nhóm nghiên cứu Khoa Thuỷ sản, Trường đại học Nông Lâm Huế vừa nghiên cứu thành công quy trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa quanh năm với tỉ lệ sống cao, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nghề nuôi cá dìa nói riêng và sản xuất giống cá nói chung tại Thừa Thiên Huế.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy nhận định, mấy năm gần đây, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và tôm nuôi không xảy ra theo quy luật mùa như trước đây mà bùng phát bất cứ thời điểm nào trong năm. Nếu chủ quan, lơ là, ngay lập tức dịch bệnh sẽ tái bùng phát.