Làm giàu ở nông thôn: Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi lợn
Những năm qua, hàng trăm hội viên, nông dân của tỉnh Lai Châu được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) để phát triển kinh tế. Sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, không ít hộ hội viên, nông dân đã có mức thu nhập khá từ các mô hình, dự án nuôi nuôi thả cá, nuôi lợn...
Nuôi cá là 1 trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của nhiều hộ nông dân thành phố Lai Châu. Ảnh: Văn Chiến.
Một năm nuôi cá mà thu nhập khá hẳn lên
Anh Trần Văn Nhung – hội viên Hội Nông xã San Thàng, TP.Lai Châu cho biết: “Gia đình tôi đào ao thả cá từ năm 2011. Những năm đầu, do thiếu vốn nên tôi không có điều kiện đầu tư chăn nuôi mạnh mà chỉ làm theo kiểu “mèo nhỏ bắt chuột con”. Năm 2016, gia đình được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng. Kể từ đây, mô hình nuôi cá của gia đình tôi đã phát triển hơn…”.
Hiện nay, Hội ND tỉnh Lai Châu đang quản lý 54 dự án vay vốn Quỹ HTND với 797 hộ hội viên, nông dân đang được thụ hưởng. Tổng dư nợ các dự án sử dụng Quỹ HTND đến nay đạt hơn 24 tỷ đồng
Nhà anh Nhung có 3 ao nuôi cá, với tổng diện tích 1,1ha. Anh dành một ao để ương cá giống. Sau một thời gian, anh gạn cá trong ao ương rồi thả sang 2 ao cá nuôi thương phẩm. Vì vậy mà thời gian thu hoạch cá kéo dài, lời lãi chẳng đáng là bao. Năm 2016, anh Nhung được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng, thay vì phải ương cá giống như trước, giờ anh mua cá nhỡ các loại chép, trôi, trắm về thả nuôi thành cá thịt thương phẩm. “Nhờ có vốn, tôi mua cá to bằng 5 đầu ngón tay về thả nên đỡ vất hơn là ương nuôi từ cá bột. Thời tiết, nguồn nước thuận, chăm sóc tốt nên cá lớn nhanh... Khi thu lứa cá đầu tiên vào cuối năm 2016, gia đình tôi lãi cả trăm triệu đồng. Phần tiền lãi lớn đó có sự hỗ trợ, giúp sức của đồng vốn Quỹ HTND” - anh Nhung phấn khởi chia sẻ.
Anh Trần Văn Nhung đang thái cây chuối làm thức ăn cho lứa cá nuôi năm 2017. Ảnh: Văn Chiến.
Cũng được vay vốn Quỹ HTND để mở rộng quy mô sản xuất, anh Lò Văn Hùng ở bản trung tâm xã San Thàng vui vẻ cho hay: “Đang lúc khó khăn về vốn, tháng 6.2017, chúng tôi được Hội ND TP.Lai Châu cho vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND, để thực hiện dự án mở rộng quy mô nuôi lợn thịt. Được vay vốn, chúng tôi có điều kiện làm chuồng trại, mua thêm thức ăn và con giống”.
Không chỉ được vay vốn, anh Hùng cùng với 9 hội viên nông dân khác thực hiện dự án còn được tham gia lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi lợn, do Hội ND TP.Lai Châu tổ chức. “Có vốn, được bổ sung kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn hơn 40 con của gia đình tôi đẹp, lớn nhanh, chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ xuất bán ra thị trường” - anh Hùng bày tỏ.
Cho vay theo mô hình, dự án
Ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lai Châu cho biết, khác với các ngân hàng cho vay hộ cá thể, Hội ND tỉnh Lai Châu triển khai cho vay từ nguồn vốn Quỹ HTND theo nhóm hộ, mô hình, dự án. Điều này hạn chế được rủi ro trong sử dụng vốn. Nhóm hội viên trong cùng 1 địa phương có cùng sở thích, ngành nghề khi vay vốn sẽ có điều kiện chia sẻ, bổ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật.
Nhờ được vay vốn Quỹ HTND, nhiều hộ nông dân TP.Lai Châu đầu tưphát triển mô hình kinh tế VAC. Ảnh: V.C
“Chúng tôi chú trọng việc kiểm tra, thẩm định các mô hình, dự án ngay từ khi cơ sở Hội đăng ký, xây dựng để đạt hiệu quả cao nhất. Các mô hình, dự án phát triển kinh tế phải phù hợp với lợi thế của từng vùng. Hội viên, nông dân tham gia phải có ý chí tiến thủ, chí thú làm ăn...” – ông Trừ nói.
Cũng theo ông Trừ, ngoài hỗ trợ vay vốn Quỹ HTND, thời gian qua, Hội ND tỉnh Lai Châu còn tích cực phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân tham gia các mô hình, dự án. “Hầu hết các mô hình, dự án sử dụng Quỹ HTND của Hội đều đạt được những mục tiêu đề ra về kinh tế, xã hội, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể” - ông Mùa A Trừ khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Là giảng viên tiếng Anh một trường cao đẳng nhưng bằng niềm đam mê với ngành nông nghiệp hữu cơ, chị Vương Thị Hoan quyết định mở quán “Cà phê rau 47”
Tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình SX giống lúa mới và ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh.
Sản xuất các mô hình rau sạch, rau sản xuất theo quy trình VietGAP. Đến tháng 12.2013, HTX đã chuyển dần hình thức trồng rau sạch sang rau hữu cơ.