Độc đáo mô hình cà phê - rau sạch công nghệ Israel có một không hai ở Tây Nguyên
Là giảng viên tiếng Anh một trường cao đẳng nhưng bằng niềm đam mê với ngành nông nghiệp hữu cơ, chị Vương Thị Hoan (SN 1988, thành phố Buôn Ma Thuột) quyết định mở quán “Cà phê rau 47” tạo cơ hội cho khách tham quan, tìm hiểu các mô hình trồng rau sạch theo công nghệ Israel tiên tiến hiện nay.
Khách thích thú khi ngắm những luống rau mơn mởn
Chia sẻ cơ duyên đến với nông nghiệp hữu cơ,chị Hoan cho biết, trong nhiều lần làm thông dịch viên cho các chuyên gia nông nghiệp Israel, chị có cơ hội tiếp xúc trực tiếp các mô hình trồng rau hữu cơ tại nước sở tại nên muốn chia sẻ kiến thức có được cho nhiều người biết.
Trăn trở mãi, cuối cùng chị quyết định mở quán cà phê vừa kinh doanh, vừa làm nơi truyền thông về rau sạch. Ý tưởng đã có, tháng 2/2017 chị cùng với chị bạn Nguyễn Thị Thái Thanh (người cùng đam mê rau sạch) chung vốn thuê mảnh đất rộng gần 500 m2 ở đường Dương Vân Nga, TP. Buôn Ma Thuột) mở quán cà phê. Toàn bộ không gian quán được thiết kế đậm chất Bắc Bộ với mái nhà ngói đỏ kèm những luống rau xanh tốt được trồng theo phương pháp khí canh, thủy canh hồi lưu, phương pháp tưới nhỏ giọt.
Là “dân tay ngang” nên những ngày đầu “lấn sân” sang lĩnh vực trồng rau sạch, chị Hoan gặp không ít khó khăn bởi kiến thức về nông nghiệp hữu cơ rất rộng. Do vậy, chị dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, thăm quan, học hỏi các trang trại trồng rau sạch ở thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ tận tình của các chuyên gia nông nghiệp… đã giúp chị triển khai thành công mô hình rau hữu cơ trên Buôn Ma Thuột.
Chị Hoan cho hay, khi nỗi lo thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng thì mô hình trồng rau sạch đang là xu thế tất yếu. Minh chứng là nhiều mô hình trồng rau sạch hiện đại trên thế giới đã được các gia đình, trang trại ở thành phố lớn của Việt Nam áp dụng, nhưng Đắk Lắk vẫn còn khiêm tốn. Mới chỉ có một bộ phận người dân sử dụng rau hữu cơ do giá thành cao cộng với tâm lý e dè chưa hiểu rõ quy trình trồng rau sạch. Do vậy cách tốt nhất là giới thiệu mô hình và để người dân tự trồng trong chính ngôi nhà của mình.
Hơn một tháng từ ngày khai trương, khách đến quán rất đông. Họ vừa tò mò với món “sinh tố xà lách” độc nhất của quán, vừa bị lôi cuốn bởi những luống rau mơn mỡn nằm lơ lửng trên giàn. Vị khách nào có nhu cầu tìm hiểu kĩ về mô hình trồng rau, chủ quán đều nhiệt tình giới thiệu, tư vấn.
Anh Phan Đình Quân (43 tuổi, TP. Buôn Ma Thuột), một khách hàng của quán cho biết: “Đi ngang qua thấy tên quán là lạ nên ghé vô thử. Vừa nhâm nhi cà phê vừa ngắm giàn rau xanh mướt khiến tôi thấy thích thú, đầu óc thư giãn. Tôi sẽ nghiên cứu, đầu tư một giàn rau như thế này tại nhà để vừa làm cảnh, vừa có rau sạch ăn”.
Chị Hoan bên giàn rau trồng theo mô hình thủy canh
Chị Hoan cho biết thêm, sắp tới sẽ tổ chức chương trình dạy trẻ kiến thức về rau sạch 1 tháng 2 lần thông qua các hoạt động như: tìm hiểu khái niệm rau sạch, các phương pháp trồng rau sạch, quy trình trồng… Khi trẻ có đủ kiến thức sẽ làm“đại sứ” truyền thông lại cho gia đình. Đồng thời, chị cũng mong muốn biến không gian quán trở thành nơi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm của những người cùng sở thích trồng sau sạch. Để có thêm kiến thức về nông nghiệp hữu cơ chị Hoan thường theo đoàn chuyên gia nước ngoài đi thăm quan các mô hình trồng rau hiện đại, an toàn để chia sẻ lại cho người dân Buôn Ma Thuột.
Có thể bạn quan tâm
Với giá từ 10 - 15 ngàn đồng/kg nghệ đỏ thương phẩm, bà con nông dân ở thôn Bình Sơn, xã Sa Bình có mức thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha
Hiện mỗi kg Lêkima 25.000 đồng, tăng gấp đôi so với các năm trước, người trồng khoảng 10 cây có thể thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng
Năm 2016, xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 2,457 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả đã vượt qua kỷ lục và đang băng tới mục tiêu 3 tỷ USD