Làm giàu ở nông thôn: Lãi nửa tỷ đồng mỗi năm từ thanh long ruột đỏ
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Văn Vinh, tiểu khu 7, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Vườn thanh long của ông đã trở thành mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Vinh đang chăm sóc vườn cây thanh long ruột đỏ của gia đình mình
Bứt phá làm giàu
Được biết ông Vinh là một trong những hộ đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng ở vùng đất này, ông Vinh kể, vốn là người quê gốc Quảng Bình, năm 1973 lên Sơn La làm kinh tế tại tiểu khu 8 (Nà Bó). Gia đình ông đã khai hoang được hơn 3 ha đất trồng ngô, cà phê và cây ăn quả.
Với vốn kiến thức nông nghiệp của mình, ông Vinh vẫn không bằng lòng với kết quả đạt được, ông quyết định tìm hướng đi mới. Một lần tình cờ gặp được một cán bộ viện nghiên cứu cần tìm địa điểm trên Sơn La để thí điểm mô hình trồng chuyên canh thanh long ruột đỏ giống mới. Sau khi trao đổi, nhận thấy đây là cơ hội quý giá để thử sức, ông Vinh quết định trồng thanh long ruột đỏ.
Năm 2011, ông chuyển sang tiểu khu 7 (Nà Bó) mua đất, đầu tư 50 triệu đồng làm 1.000 trụ bê tông làm giá đỡ. Rồi ông về 1 đơn vị nghiên cứu T.Ư mua 8.000 cành giống thanh long ruột đỏ về trồng trên 5.000 m2. Nhưng giống không phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết ở đây, cây thanh long ra quả nhỏ, năng suất thấp, nhiều cành có hoa nhưng không có quả.
Không nản chí, ông Nguyễn Văn Vinh tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc và đi tham quan các mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở các địa phương để tìm loại giống phù hợp. Sau đó, ồng đành phá bỏ diện tích thanh long không cho hiệu quả và trồng thay thế trên 1.000 trụ bằng thanh long ruột đỏ giống mới.
Năm 2016, vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Vinh đã được nhân rộng gần 1,4 ha, với trên 1.700 trụ. Cũng năm 2016, gia đình ông Vinh thu hoạch trên 45 tấn quả, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 600 triệu đồng. Vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Vinh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động địa phương với mức lương 4,5 triệu/tháng. Từ đầu vụ thanh long ruột đỏ đến nay, gia đình ông Vinh đã thu hoạch trên 6 tấn quả.
Vườn thanh long ruột đỏ xanh mướt rộng 1,4 ha của ông Vinh đang đơm hoa, kết quả hứa hẹn một vụ thu hoạch tốt.
Kỹ thuật chăm sóc
Theo ông Vinh, trồng cây thanh long ruột đỏ tuy chi phí ban đầu nhiều hơn so với các loại cây trồng khác, nhưng cho thu hoạch nhiều năm, lại không tốn nhiều công chăm sóc. Để trồng thanh long ruột đỏ cần dựng trụ bê tông cao từ 1,8m đến 2m, cạnh vuông, trụ được chôn sâu khoảng 50 cm, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,3m đến 1,4m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh, khoảng cách giữa các trụ là 2,5 m.
Một trụ thanh long quả tuy còn xanh nhưng đã rất phổng phao.
Theo ông Vinh, nên trồng thanh long ruột đỏ vào tháng 3 dương lịch. Mỗi trụ chỉ để 50 đến 60 cành, mỗi cành chỉ để 1 - 2 quả để quả to và ngọt. Chủ yếu bón phân hữu cơ cho thanh long, mỗi năm bón 4 lần (3 tháng/lần). Sau khi trồng làm sạch cỏ, tránh phun thuốc vào cây và xung quanh rễ. Sau những đợt mưa nhiều, người trồng cần tỉa bỏ các cành bị đốm hoặc thối để cây phát triển tốt.
Ông Vinh nói rằng, thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao gấp 9-10 lần so với ngô, lúa, mía. Một ha ngô chỉ cho khoảng 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng, một ha mía đạt 80-90 triệu đồng mỗi ha là cao.
Vương thanh long ruột đỏ của ông vinh thường xuyên tạo việc làm thêm cho nhiều lao động địa phương
Để giúp người dân đại phương tăng hiệu quả kinh tế, ông Vinh động viên một số hộ trong vùng cùng tham gia mô hình, nhân rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Ông Vinh cam kết hỗ trợ toàn bộ giống cây cho bà con, nếu có lợi nhuận mới phải thanh toán tiền cây giống. Do vậy, các hộ trong vùng đồng loạt tham gia. Năm 2016, ông thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng, với 96 hộ tham gia thành viên, sản xuất theo quy trình VietGAP.
Có thể bạn quan tâm
Sau 14 năm nằm gai nếm mật, với nhiều thất bại, cuối cùng ông Phạm Bá Tiến đã thành công, với trang trại 2.000 gốc cam Cao Phong, bưởi da xanh trên đất dốc
Chị Nguyễn Thị Quý đang là chủ của hơn 4.000m2 diện tích đất trồng rau giống, rau sạch và cây ăn quả cho thu nhập gần 1 tỷ/năm (Quảng Ninh)
Có niềm đam mê chung, thế là cả 2 cùng bắt tay vào câu chuyện khởi nghiệp: Sản xuất các loại giống nuôi cấy mô cho thị trường