Làm giàu ở nông thôn: Đảm đang trồng rau, quả mà có tiền tỷ
“Trồng rau, trước là phục vụ cho gia đình mình, chứ ai lại nông dân mà bỏ tiền đi mua rau ngoài chợ…”. Nghĩ là làm. Và giờ đây chị Nguyễn Thị Quý (TX.Đông Triều- Quảng Ninh) đang là chủ của hơn 4.000m2 diện tích đất trồng rau giống, rau sạch và cây ăn quả cho thu nhập gần 1 tỷ/năm.
Chị Quý thường xuyên kiểm tra sâu bệnh tại khu vực ươm cây rau giống.
Dám nghĩ dám làm
Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã Yên Thọ, TX.Đông Triều (Quảng Ninh) nên chị Quý vốn quen với công việc đồng áng. Sau khi lập gia đình chị cùng với chồng đã bàn với nhau phát triển chăn nuôi. Ban đầu chị Quý đầu tư vốn mua nguyên liệu, đồ dùng nấu rượu tại nhà kết hợp chăn nuôi lợn. Nhận thấy nấu rượu, nuôi lợn cho thu nhập thấp do tất cả nguyên liệu đều nhập vào. Ngay cả rau cỏ cho bữa ăn gia đình cũng phải mua, nên chị quyết định trồng thêm vườn rau để phục vụ bữa ăn gia đình, còn phần bỏ đi thì để cho đàn lợn. Lâu dần thấy chăn nuôi lợn giá cả bấp bênh, năng suất và thu nhập thấp, chị quyết định bỏ nấu rượu, nuôi lợn chuyển sang trồng rau sạch và rau giống bán.
Với số vốn ít ỏi tích góp được qua nhiều năm, chị cải tạo hơn 1 mẫu đất của gia đình thành các ô để trồng rau và cây ăn quả. Chị đầu tư khoan 2 giếng nước sâu hơn 16m, nước bơm cả ngày không hết, đồng thời đầu tư hệ thống phun tưới tự động và hệ thống nhà lưới với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Ban đầu chị Quý bắt tay trồng các loại rau, củ, quả như: bắp cải, súp lơ, su hào, dưa chuột, bí xanh, các loại cà…và trồng rau giống bán. Nhờ đất đai và khí hậu phù hợp; được chăm bón tốt qua tiếp thu kỹ thuật từ các lớp tập huấn trong chương trình xây dựng nông thôn mới, vườn rau của chị phát triển nhanh và cho năng suất cao, ngoài đáp ứng nhu cầu sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, đã bắt đầu mang lại nguồn thu cho gia đình.
Trồng phải đúng kỹ thuật
Chị Quý cho biết: Trồng rau giống bán chỉ theo mùa vụ, từ tháng 6-7 hàng năm cho đến Tết là bắt đầu làm đất gieo hạt, cứ 25 ngày lại có một vụ rau giống. “Trồng rau sạch, rau giống không khó, chỉ cần thực hiện đúng “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tuân thủ nghiêm quy trình trồng rau sạch. Đặc biệt, áp dụng hệ thống tưới tự động bảo đảm cung cấp lượng nước vừa đủ, vừa không mất nhiều thời gian và công sức như trước đây”, chị chia sẻ.
Công nhân nhổ cỏ, chăm sóc những luống cà rốt tại trang trại
Theo kinh nghiệm nhiều năm chị có được chị cho biết: Vườn ươm rau giống được chia thành từng luống rộng 80-100 cm. Đất gieo rau phải làm nhỏ, mịn, tơi xốp và thoáng khí. Do đất vườn ươm luân canh gối vụ thường xuyên, nên trước khi trồng phải bổ sung thêm đất màu rải trên mặt luống nhằm đảm bảo cho cây đủ dinh dưỡng để phát triển. Việc gieo hạt đòi hỏi rất nhiều công lao động. Riêng ở khâu gieo hạt, để gieo được 1 luống thì 1 người làm phải mất 1 ngày công mới có thể hoàn thành. Các khâu chăm sóc khác như: tưới nước giữ ẩm, nhổ cỏ, xới xáo, bón phân và theo dõi phòng trừ sâu bệnh phải tiến hành thường xuyên và tỉ mỉ.
Gieo hạt là một khâu quan trọng, vì vậy nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của những người công nhân.
Hiện tại trong vườn nhà chị ngoài trồng rau bán cây con, rau sạch, còn trồng các loại rau giống để hạt như rau đay, rau dền.. Cứ 1 sào cho thu hoạch khoảng hơn 30kg hạt giống bán với giá dao động 100- 150.000/kg.
Hàng ngày cứ khoảng 2-3h chiều các công nhân tại đây lại tất bật nhổ rau giống bó thành bó nhỏ hoặc từng túi nilon bán với giá 5000 -10.000 đồng/ túi phục vụ người dân cũng như thương lái thu đặt. Đồng thời thu hoạch các loại rau, củ, quả trong vườn mang ra chợ. Sáng thì khoảng 6h, chiều thì khoảng 3h “bà chủ” sẽ đích thân chở mang ra chợ giao cho các mối đã đặt trước. Chị cho biết: Bình quân mỗi ngày đi chợ chị có thu nhập 3- 4 triệu/ngày.
Hàng ngày khoảng 3h chiều, bà chủ vườn rau lại tất bật nào túi, nào bọc... mang rau ra chợ giao cho những mối đã đặt trước.
Để đảm bảo thường xuyên có nguồn thu và đủ lượng rau sạch, rau giống cung cấp cho thị trường, chị thường trồng xen kẽ các loại rau ngắn ngày và dài ngày. Tùy theo nhu cầu thị trường, những loại rau gối vụ có trong vườn như cải, mồng tơi, dền, mướp đắng, cà, đậu que... và ươm bán cây giống. Để có được chất lượng rau tốt, đảm bảo an toàn và ít sâu bệnh, trong quá trình chăm sóc, gia đình chị chỉ sử dụng phân chuồng, bón phân hữu cơ…
Với hiệu quả thực tế, gia đình chị Quý tập trung đầu tư mở rộng diện tích, vừa ươm cây giống bán, vừa trồng các loại rau theo mùa. Đồng thời chị còn mở rộng thêm diện tích trồng hoa (hoa cúc, hoa ly) và cây ăn quả (bưởi, quất, ổi, mít…) Đến thời điểm này, với tổng diện tích hơn 4.000m2 vườn rau, vườn hoa và vườn cây ăn quả của chị cho doanh thu gần 1 tỷ/năm. Sau khi hết các chi phí chị Quý thu được gần nửa tỷ/năm.
Nhiều người dân và thương lái đến để tận mắt chiêm ngưỡng và thu hái ngay tại vườn.
Nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, biết lựa chọn những loại cây rau màu ngắn ngày cho năng suất cao, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế nên rất nhiều năm nay gia đình chị đã phát triển kinh tế nhờ trồng cây rau xanh quanh năm. Cũng từ trồng rau mà gia đình chị đã nuôi các con ăn học, trưởng thành và làm giàu.
Từ suy nghĩ ban đầu là trồng rau sạch để phục vụ nhu cầu gia đình và người dân trong vùng, nhưng với hiệu quả từ những vườn rau, củ, quả sau những tháng ngày dày công chăm bón, gia đình chị Quý đã có thu nhập ổn định và tạo công ăn việc làm cho 10 chị em trong vùng.
Có thể bạn quan tâm
Anh Trần Đông Nam trở thành tỷ phú với mô hình nuôi tôm kết hợp với kinh doanh dịch vụ thuốc và thức ăn nuôi trồng thủy sản
Ông Bảy “chơi ngon” lắm, đắp bờ bao bề ngang 3m cho trên 60 công khoai lang tím Nhật. Bình quân mỗi năm gia đình ông Bảy Chòi lời từ 1, 2 đến 1,5 tỷ đồng.
Sau 14 năm nằm gai nếm mật, với nhiều thất bại, cuối cùng ông Phạm Bá Tiến đã thành công, với trang trại 2.000 gốc cam Cao Phong, bưởi da xanh trên đất dốc