Làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, nên ông Trương Nguyên luôn đau đáu với việc làm sao phải có thu nhập cao từ mảnh đất của quê hương. Vì lẽ đó, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ông luôn tìm tòi, học hỏi những mô hình hay, những cây con giống mới để tìm cách làm giàu.
Trong một lần lên xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh), ông thấy một vườn hồ tiêu tươi tốt, trĩu hạt, lúc ấy giá tiêu đã gần 200.000 đồng/kg, nên ông liền nghĩ về thử trồng xem sao. Sau khi trồng thử nghiệm thành công, ông và gia đình quyết định dồn hết tiền bạc vào loại cây này. Ông tâm sự: “Bao năm tích luỹ được gần trăm triệu đồng, nhưng rồi dồn hết cho cây tiêu nên cũng lo. Song, nếu không dám thử, không mạo hiểm thì biết bao giờ mới thoát cảnh nghèo”.
Năm 2010, ông vào tận Đắk Lắk để mua những loại giống tiêu tốt nhất về trồng. Sau gần 3 năm chăm bón, 50 gốc hồ tiêu ban đầu đã cho sản lượng 250kg, giá mỗi ký là 215.000 đồng, ông thu về gần 60 triệu đồng. Cảm thấy hiệu quả, ông bắt đầu ươm giống và trồng thêm 120 gốc hồ tiêu. Không chỉ dừng lại ở cây tiêu, năm 2013, ông trồng thêm cây thanh long ruột đỏ. Đây là loại cây được xem là chịu hạn tốt, ra nhiều đợt quả, với thời gian cho quả kéo dài từ 5 - 6 tháng/năm và có giá cả ổn định. Khoảng hơn 1 năm, 60 gốc thanh long ruột đỏ của ông Nguyên đã cho trái, bình quân thu 12kg/ gốc, với giá một ký là 30.000 đồng, ông thu về hơn 20 triệu đồng.
Trong quá trình sản xuất, ông Nguyên luôn cập nhật kiến thức từ báo đài, tài liệu khuyến nông để áp dụng những kỹ thuật tiên tiến. Thay vì cứ để những khoảng đất trống gần 2,5m ở từng hàng thanh long, ông tiến hành trồng cỏ để nuôi bò vừa tận dụng được phân bón, lại vừa tạo bóng râm để hạn chế nắng nóng cho thanh long. Còn ở vườn hồ tiêu, ông cho trồng xen thêm 120 gốc huỳnh đàn.
Đầu năm 2014, ông tiếp tục đầu tư, trồng hơn 100 gốc các loại cây ăn quả như xoài, cam sành, chôm chôm, bưởi, mít tố nữ… Các giống cây trái này đều được ông tuyển chọn từ nhiều trại giống trên địa bàn tỉnh và đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài việc phát triển vườn cây của gia đình, ông còn ươm tiêu giống để bán. Một bầu tiêu giống ông bán giá 15.000 đồng, rẻ hơn thị trường 5.000 đồng và đã bán gần 1.000 bầu tiêu giống cho nhân dân trong vùng.
Hiện nay, vườn cây ăn quả và hồ tiêu đều được ông sử dụng phương pháp tưới phun tự động, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Đồng thời, ông còn tận dụng phân chuồng từ chăn nuôi để ủ hoai, bón cây. Ông Đặng Tấn Diện- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Thiện, cho biết: Ông Nguyên là người tiên phong và có mô hình trồng trọt hiệu quả lớn nhất xã. Không chỉ là người sáng tạo, cần cù, ông còn nhiệt tình và sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ những người đi sau.
Có thể bạn quan tâm
Hiện dâu được nhà vườn bán cho thương lái với giá dao động từ 6 ngàn đến 11 ngàn đồng/kg, tùy theo loại.
Anh Trần Duy Hùng ở xóm 10, xã Diễn Thành là người có thâm niên trồng cây dưa hấu từ năm 2002 đến nay trong huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Lô vải quả tươi đầu tiên từ Việt Nam đã được đưa đến Canada bằng đường hàng không vào tối 10/6.
Trong khi nước ta phải nhập một số loại hoa quả từ nước ngoài với giá cao, người tiêu dùng còn nghi ngờ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì có nông dân trong tỉnh Hưng Yên đã ứng dụng thành công kỹ thuật trồng giống dưa Kim hoàng hậu (còn gọi là dưa vàng) có xuất xứ từ Thái Lan, cho năng suất, chất lượng không thua kém dưa nhập khẩu, giá rẻ hơn dưa nhập khẩu nhưng lợi nhuận vẫn cao hơn nhiều loại cây trồng khác.
Ngày 14-6, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) Phạm Quốc Liêm cho biết, container 40 feet với gần 22 tấn chuối già hương xuất khẩu của công ty đang trên đường đến Tokyo, Nhật Bản.