Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Làm gì để dân sống - chết với rừng?

Làm gì để dân sống - chết với rừng?
Tác giả: Kiều Thiện
Ngày đăng: 20/07/2016

Tuyên truyền đến tận hộ

Chiềng Cọ là một trong những xã có nguồn thu nhập chủ yếu từ kinh tế trang trại cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm ở TP.Sơn La. Bà Tòng Thị Bó - Bí thư Đảng ủy xã, cho hay: Trong khoảng 5 năm trở lại đây, đất đai ở Chiềng Cọ trở nên có giá hơn trước rất nhiều. Không chỉ với đất ở tại nơi trung tâm xã mà ngay cả những khe núi, lũng sâu có thể gieo trồng được đều tăng giá. Người dân Chiềng Cọ bây giờ đã biết nhiều cách để làm giàu từ nông nghiệp rồi. Chỉ trong 6 tháng qua, hàng trăm hộ đã có nguồn thu từ vài ba trăm triệu đồng trở lên nhờ kinh tế trang trại. Chỉ tính riêng quả mận hậu, giá năm nay gấp tới 4 lần những năm trước nên có những hộ thu tới 600-700 triệu đồng.

Hạt trưởng Nguyễn Hạnh Minh tâm sự: Chiềng Cọ vốn là xã nhiều khó khăn nhất của thành phố. Nhưng mấy năm trở lại đây, giao thông phát triển, nhu cầu nông sản nội địa gắn chất lượng ngon – sạch thì kinh tế ở Chiềng Cọ lên ngôi bởi ở đây vốn là nơi hội tụ của nhiều vườn cây ăn trái. Việc người dân được mùa thì vui lớn nhưng lại là nỗi lo cho lực lượng kiểm lâm bởi nhu cầu mở rộng đất sản xuất của nông dân càng trở nên cấp thiết. Nếu không tuyên truyền tốt thì nông dân rất dễ xâm phạm đất rừng bởi mỗi ha đất ở đây có thể cho thu nhập từ 200 – 400 triệu đồng/năm.

Nếu không tuyên truyền tốt thì nông dân rất dễ xâm phạm đất rừng bởi mỗi ha đất ở đây có thể cho thu nhập từ 200 – 400 triệu đồng/năm.

“Vì thế, mỗi năm chúng tôi phải tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền về bảo vệ rừng ở cấp xã, bản với hàng ngàn lượt nông dân tham gia. Ngoài ra, còn phải tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ cùng tham gia bảo vệ rừng. Nhiều khi chúng tôi tạo ra những cuộc viếng thăm người dân tại nhà, qua trò chuyện cũng tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng. Những cuộc giao lưu nặng về tình cảm ấy lại có sức mạnh tuyên truyền rất tốt” - ông Minh nói.

“Chúng tôi chính là chủ rừng”

Đến bản Pát (xã Chiềng Ngần, TP.Sơn La), thấy bà con đang tranh thủ cấy lúa mùa sau những trận mưa. Những ruộng lúa nằm sát ngay bên chân rừng, chỉ nhỏ bằng mấy mảnh chiếu. Chị Quàng Thị Liên dừng tay cấy, giải thích: Nếu cứ lấn vào đất rừng thì ruộng sẽ nhiều lên, trước đây cũng nhiều người lấn rừng để làm nương, làm ruộng. Nhưng bây giờ thì không ai lấn rừng nữa bởi ai cũng hiểu nếu lấn rừng thì mình sẽ không còn nước để cấy lúa, không còn nước sạch để ăn; không còn rừng để làm rừng ma; bão lũ sẽ về hại chính nhà mình.

Bên bản Nậm Tròn, bản Phường – nơi cư trú của đồng bào Mông, Thái, những cánh rừng được bảo vệ tốt nên rất xanh tươi. Anh Thào A Dia -Trưởng bản Nậm Tròn, khoe: Sắp tới, chúng tôi  trồng thêm 50ha rừng. Tuy số tiền Nhà nước đầu tư cũng chỉ đạt vài triệu đồng một năm cho 1ha rừng trồng nhưng người dân chúng tôi hưởng ứng tích cực bởi chúng tôi đã hiểu: Mình chính là chủ rừng!


Có thể bạn quan tâm

Đổi đời nhờ siêu cây tiền tỷ Đổi đời nhờ siêu cây tiền tỷ

Lan vàng hoàng đế là giống lan nuôi cấy mô, có thời gian chăm sóc, thu hoạch, chi phí đầu tư chỉ bằng 1 nửa so với những giống lan bản địa. "Siêu cây" này giúp ông Nguyễn Viết Xuân - Giám đốc hợp tác xã Hoa Mộc Châu – Sơn La thu về tiền tỷ.

20/07/2016
Mất mùa măng cụt Mất mùa măng cụt

Theo ước tính, chỉ riêng ở Đồng Nai đã có trên 60% diện tích măng cụt mất mùa, năng suất giảm 75 - 80%, giá trái cao vẫn không đủ bù lỗ...

20/07/2016
Bà Rịa - Vũng Tàu có 100.000ha đất đã kiệt sức Bà Rịa - Vũng Tàu có 100.000ha đất đã kiệt sức

Theo rà soát, đất thoái hóa do xói mòn tập trung nhiều ở khu vực quanh núi Châu Viên, đèo Nước Ngọt (huyện Long Điền) và huyện Tân Thành. Trong đó, huyện Tân Thành có hơn 18.000ha đất thì hơn 12.000ha đã bị xói mòn, khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác.

20/07/2016