Bà Rịa - Vũng Tàu có 100.000ha đất đã kiệt sức
Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NNPTNT), Sở TNMT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa điều tra tình trạng thoái hóa đất trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, có hơn 64% diện tích đất trong phạm vi điều tra bị thoái hóa do nhiễm mặn, khô hạn, xói mòn…
Mùa khô vừa qua, nhiều nông dân tại khu vực xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức) đã phải chuyển đổi cây trồng để thích nghi với tình trạng khô hạn. Thậm chí, một số nơi không sản xuất được đành phải bỏ hoang. Ông Thái Văn Nghị (thôn Hữu Phước) cho biết, trước đây gia đình ông trồng hơn 7ha mì cao sản nhưng những năm gần đây đất quá khô cằn, ông phải chuyển sang trồng bắp, đậu phộng và tiêu.
Ông Nguyễn Văn Công - nông dân trồng hơn 1ha cây ăn trái ở xã Phước Long Hội (huyện Đất Đỏ) cho biết, những lúc nắng hạn, mỗi ngày ông phải bơm nước giếng gần 10 giờ mới đủ nước cho cây. Tính ra mỗi tháng, gia đình ông tốn gần 1 triệu đồng tiền điện để bơm nước, khiến chi phí sản xuất bị đẩy lên cao hơn rất nhiều.
Theo rà soát, đất thoái hóa do xói mòn tập trung nhiều ở khu vực quanh núi Châu Viên, đèo Nước Ngọt (huyện Long Điền) và huyện Tân Thành. Trong đó, huyện Tân Thành có hơn 18.000ha đất thì hơn 12.000ha đã bị xói mòn, khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác.
TS Phạm Quang Khánh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho biết, phần lớn đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu thoái hóa do tuổi đất lớn, phân bố trên địa hình cao, khí hậu đới mưa mùa nên dễ bị rửa trôi, xói mòn, tích tụ sét, sắt, nhôm. Bên cạnh đó, đất thoái hóa còn do tác động trực tiếp của con người như phá rừng, mở rộng diện tích đất canh tác, bố trí cây trồng không phù hợp, lạm dụng phân bón…
Trước tình trạng trên, Sở TNMT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Phân viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh nhóm giải pháp nhằm hạn chế quá trình thoái hóa đất như: Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai; đẩy mạnh tuyên truyền chống thoái hóa đất; đào tạo nhân lực quản lý; bố trí sử dụng hợp lý đất đai và thực hiện các giải pháp về kỹ thuật.
Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu cần gia tăng độ che phủ đất bằng việc trồng thêm cây xanh, tăng cường xen canh và đa dạng hoá cây trồng. Người dân nên chú ý sử dụng phân hữu cơ, giảm phân vô cơ, hạn chế chuyển đổi các vùng đất nông nghiệp có chất lượng tốt sang đất phi nông nghiệp, hạn chế chuyển đổi các khu rừng ngập mặn sang nuôi trồng thủy sản...
Có thể bạn quan tâm
Dù chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (chôm chôm bản địa) của tỉnh Đồng Nai đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhưng diện tích trồng 2 loại chôm chôm này đang ngày một “teo tóp”. Trong khi đó, chôm chôm Thái (nguồn gốc từ Thái Lan) lợi nhuận cao nên dân “chạy đua” tăng diện tích.
Lan vàng hoàng đế là giống lan nuôi cấy mô, có thời gian chăm sóc, thu hoạch, chi phí đầu tư chỉ bằng 1 nửa so với những giống lan bản địa. "Siêu cây" này giúp ông Nguyễn Viết Xuân - Giám đốc hợp tác xã Hoa Mộc Châu – Sơn La thu về tiền tỷ.
Theo ước tính, chỉ riêng ở Đồng Nai đã có trên 60% diện tích măng cụt mất mùa, năng suất giảm 75 - 80%, giá trái cao vẫn không đủ bù lỗ...