Lâm Đồng siết chặt quản lý nguồn gốc nông sản VietGAP
Nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, góp phần chấn chỉnh nạn mạo danh rau củ quả VietGAP để cung cấp tại các siêu thị, thị trường lớn trong nước, Lâm Đồng đang tăng cường kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nguồn gốc nông sản trên địa bàn.
Lâm Đồng hiện có trên 5.700 ha diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng gần 320 ha diện tích chứng nhận VietGAP so với năm ngoái. Trong đó, diện tích sản xuất rau các loại được chứng nhận VietGAP là 3.061 ha, tương đương với trên 10.700 ha diện tích gieo trồng, cho sản lượng đạt gần 448.000 tấn/năm, chiếm 16% tổng sản lượng rau của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, thời gian gần đây có thông tin các sản phẩm rau thu gom ở chợ đầu mối, nhưng sau đó được đóng gói, dán nhãn VietGAP và cung cấp, tiêu thụ tại các siêu thị ở TP.HCM. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của thương hiệu rau Đà Lạt - Lâm Đồng.
Đứng trước hiện tượng này, ngành Nông nghiệp địa phương đã tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản VietGAP trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp sản phẩm VietGAP không đảm bảo chất lượng.
“Hiện nay, Sở NN&PTNT thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm định chất lượng rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thẩm định định kỳ và lấy mẫu giám sát. Từ năm 2021 đến nay, các đoàn đã lấy 1.075 mẫu rau củ quả, nhưng trong đó chỉ có 6 mẫu không đạt yêu cầu. Đối với các mẫu không đạt yêu cầu quy định về vệ sinh ATTP, Sở sẽ có thông báo cho cơ quan quản lý cơ sở yêu cầu thu hồi sản phẩm và thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý vi phạm theo pháp luật”, ông Nguyễn Hà Lộc nói.
Có thể bạn quan tâm
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, từ nay đến hết năm 2022 ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina.
Ngày 20/10, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững.
Đứng đầu cả nước về diện tích cây chanh dây, tỉnh Gia Lai hiện có gần 4.500ha chanh dây giống thuần, năng suất bình quân khoảng 36,2 tấn/ha.