Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Lại chuyện hộ nghèo nhận quả đắng

Lại chuyện hộ nghèo nhận quả đắng
Tác giả: Vũ Hữu Sự
Ngày đăng: 29/02/2016

Sau hàng loạt chuyện dê, gà, trâu cấp cho hộ nghèo “đi lạc” vào nhà quan, khiến hàng trăm hộ nghèo phải nhận “quả đắng”, vì tên mình được nhận những vật nuôi trên thì có, nhưng vật nuôi chẳng thấy đâu. Thì nay, lại có gần 200 hộ nghèo của xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, phải nhận “quả đắng”.

Số là UBND xã Hương Giang đã lập dự án giảm nghèo bằng cách xin huyện cấp cho mỗi hộ nghèo của xã một con lợn giống để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế nhằm thoát nghèo. Dự án đó được huyện chấp nhận.

Tất cả có 161 hộ được cấp lợn giống, giá mỗi con 1,5 triệu đồng, tổng số tiền được ngân sách huyện chi ra là gần 250 triệu. Lần này thì số lợn giống trên đều đến đúng địa chỉ, không có một con nào “đi lạc”.

Thật không thể nào tả hết được niềm vui và sự cảm động của những bà con nghèo khi được nhận lợn. Vui vì được tài sản, cảm động vì sự quan tâm của cấp trên. Họ ra sức chăm bẵm những con lợn giống đó, cả về chuồng trại lẫn thức ăn, với hy vọng là chúng sẽ mau lớn, và sẽ sinh sôi nẩy nở, để họ đỡ nghèo.

Nhưng họ đã thất vọng. Chỉ sau vài ngày, rất nhiều con lợn giống đó đổ bệnh rồi lăn ra chết. Chỉ trong vài ngày, trên 60 con lợn giống phải mang chôn. Và số chết chưa dừng, vì nhiều con khác vẫn đang bị ốm.

Nhiều con lợn nuôi trước đó còn bị chết lây do bị con mới truyền bệnh. Trắng tay thế là vẫn hoàn trắng tay, đã nghèo lại nghèo hơn, vì vừa mất công chăm sóc, vừa mất thức ăn vừa mất tiền sửa chữa, nâng cấp chuồng.

Khoan nói đến giá của một con lợn giống lên đến 1,5 triệu đồng, là quá cao và khó chấp nhận được rồi (mỗi con lợn giống từ 5 đến 10 kg, với giá 70- 80 ngàn đồng/kg theo giá thị trường, thì con 10 kg, cao nhất cũng chỉ 800 ngàn đồng).

Nhưng vấn đề quan trọng hơn là cơ quan cấp lợn giống cho bà con nghèo đã mua lợn giống ở đâu? Trước khi mua, có kiểm tra xem những con lợn đó có bệnh, hay có nằm trong vùng đang có bệnh không? Tại sao không phát tiền cho bà con, rồi giám sát việc bà con dùng tiền đó để mua lợn giống? Cầm được tiền trong tay, người dân, nhất là những người nghèo, sẽ cân nhắc, tính toán vô cùng cẩn thận, để mua được con giống ưng ý, khỏe mạnh.

Nhưng, như nhiều bà con trong vùng nói, là nếu phát bằng tiền, thì “họ” ăn gì? Phải phát bằng lợn thì “họ” mới có cơ hội “dính tay dính chân” chứ. Không thế, bỗng dưng “họ” đâu có nhiệt tình đến mức tháo bỏ cả cổ cồn ca vát, nhảy vào tận chuồng của người bán để bắt lợn giống, rồi mang đến thả vào tận chuồng cho dân?

Một con lợn giống, với người trung lưu hoặc người giàu, sẽ chẳng có ý nghĩa gì mấy. Nhưng đối với người nghèo, đó là một tài sản rất có giá trị, và hơn thế nữa, còn là niềm hy vọng rất lớn. Không ít hộ đã thoát nghèo chỉ từ một con lợn giống hay một con bê hỗ trợ của cấp trên. Bằng việc làm trên, những người có trách nhiệm của huyện Hương Khê đã đánh mất lòng tin của những hộ nghèo.

UBND huyện Hương Khê cần sớm làm rõ nguyên nhân số lợn chết này, và trả lời rõ ràng với dân.


Có thể bạn quan tâm

Không ép người nuôi mua thức ăn cho bò sữa Không ép người nuôi mua thức ăn cho bò sữa

Những ngày vừa qua, một số hộ dân nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi (TP.HCM) lo lắng khi phải ký kết hợp đồng mua thức ăn gia súc, cụ thể là cám cho bò từ phía Công ty Vinamilk.

27/02/2016
Phát triển cây dược liệu loay hoay chọn mặt gửi vàng Phát triển cây dược liệu loay hoay chọn mặt gửi vàng

“Hàn Quốc chỉ có 2 loại cây dược liệu là sâm và linh chi, nhưng họ đã phát triển để toàn thế giới biết đến và sử dụng. Còn Việt Nam có tới 4.000 loại cây dược liệu quý, tại sao chúng ta không chọn được một vài loài để cung cấp trên phạm vi toàn cầu như họ?”- đó là trăn trở của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị Phát triển cây dược liệu ở Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 26.2.

29/02/2016
Cấp bách giữ đàn gia súc sau mùa rét Cấp bách giữ đàn gia súc sau mùa rét

Tại diễn đàn, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay, trong đợt rét đậm rét hại vừa qua, tổng số gia súc thiệt hại tại các tỉnh phía Bắc là 23.555 con. Nguyên nhân là do thời tiết giá rét kéo dài, trong khi nông dân nhiều địa phương vẫn chưa có điều kiện phòng chống rét cho đàn trâu bò một cách hiệu quả.

29/02/2016