Kỹ Thuật Tưới Tiết Kiệm Nước Cho Cà Phê
Thời điểm này, nông dân cà phê đang tất bật bước vào mùa tưới. Thời tiết khô hanh, cộng với những thiếu hụt về nguồn nước luôn là nỗi lo lắng của bà con, nhất là khi nước tưới trở thành vấn đề quan trọng quyết định năng suất, chất lượng cà phê.
Sau một thời gian nghiên cứu, TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cùng các cộng sự đã nghiên cứu và đưa ra một phương pháp tưới có tên gọi kỹ thuật tưới tiết kiệm nước (TKN).
Kỹ thuật tưới TKN được nghiên cứu và xây dựng trên cơ sở cải tiến công nghệ tưới nhỏ giọt, kết hợp với phương pháp tưới gốc hiện đang được bà con nông dân sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, điểm độc đáo của kỹ thuật tưới TKN là không vòi nhỏ giọt, không lọc nước, không van xả khí, theo đó tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư, tiết kiệm nước mà vẫn đem lại hiệu suất tưới cao.
TS. Phan Việt Hà, Trưởng Bộ môn hệ thống nông lâm nghiệp – Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, người tham gia đảm nhiệm thực hiện phần kỹ thuật của phương pháp tưới này cho biết: Hệ thống tưới TKN bao gồm 4 cấp đường ống, được lắp đặt đấu nối với nhau để dẫn nước vào trong vườn cà phê. Điều đặc biệt là nguyên liệu hoàn toàn trong nước, có thể sử dụng ống nhựa, ống PVC bình thường, dễ lắp đặt, nếu được hướng dẫn kỹ thuật, bất kỳ nông dân nào cũng có thể thực hiện được.
Tổng mức đầu tư ban đầu của hệ thống này vào khoảng 20 triệu đồng, trong khi đó, mức đầu tư cho phương pháp tưới gốc vẫn được sử dụng phổ biến lâu nay khoảng 45 triệu đồng và cho hệ thống tưới nhỏ giọt là trên 60 triệu đồng. Khi áp dụng kỹ thuật tưới này, bà con nông dân có thể kết hợp bón phân qua nước, vừa làm tăng khả năng hấp thu của cây, vừa tiết kiệm công lao động.
Qua thử nghiệm, những ưu điểm của kỹ thuật tưới TKN đã được thể hiện: Tiết kiệm được công làm bồn, kéo ống, cầm ống, cào lá và bón phân. Phân bón được cung cấp trực tiếp và đều đặn qua nước tưới sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm suy thoái và ô nhiễm môi trường; đáp ứng nhu cầu lượng nước cao để cây cà phê ra hoa tập trung.
Với kỹ thuật tưới này, riêng chi phí phân bón và vật tư cho tưới nước có thể giảm trung bình khoảng gần 10 triệu đồng/ha. Hệ thống tưới TKN lắp đặt tốt nhất là khi cây cà phê đang còn nhỏ, theo đó rất thích hợp cho cà phê tái canh.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo khi sử dụng kỹ thuật tưới TKN đối với những vườn cà phê ở địa hình quá cao vì ở độ dốc trên 10 độ, hệ thống tưới này vẫn còn có những hạn chế.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh rỉ sắt thường xuất hiện, gây hại phổ biến trên vườn cà phê trong mùa mưa, làm rụng lá hàng loạt. Nếu không chú ý phòng trừ, sẽ ảnh hưởng tới năng suất.
Quy trình chăm bón là mấu chốt thành công cho cả quá trình canh tác. Đặc biệt khi sản xuất cà phê ngày càng chịu tác động xấu từ biến đổi khí hậu, giá cả...
Để khắc phục hiện tượng thối rễ, vàng lá cà phê trên đất có Boxit, ngoài bón phân Đầu Trâu chuyên dùng, cần bón thêm bột Dolomit
Ngoài việc chọn hái quả chín còn cần phải hái theo kỹ thuật xoay cuống để cành không bị tổn thương, nghĩa là phần phân hóa mầm hoa không bị tuốt đi.
Bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển cho cà phê, hồ tiêu sau thu hoạch, giúp nâng cao chất lượng nông sản, góp phần đưa thương hiệu tiêu và cà phê Việt vươn xa.