Trang chủ / Cây công nghiệp / Cà phê

Hái cà phê đúng quy trình có thể tăng gấp đôi năng suất

Hái cà phê đúng quy trình có thể tăng gấp đôi năng suất
Tác giả: Thành Chương - Văn Việt
Ngày đăng: 04/10/2021

Ngoài việc chọn hái quả chín còn cần phải hái theo kỹ thuật xoay cuống để cành không bị tổn thương, nghĩa là phần phân hóa mầm hoa không bị tuốt đi.

Để hái hái cà phê đúng cách thì ngoài việc chọn hái quả chín còn cần phải hái theo kỹ thuật xoay cuống để cành không bị tổn thương, nghĩa là phần phân hóa mầm hoa không bị tuốt đi. Ảnh: Thành Chương.

Hái cà phê quyết định chất lượng

Đối với người trồng cà phê Arabica ngoài bón phân, làm cỏ, tỉa cành, phun thuốc… thì việc hái cà phê tưởng là đơn giản nhưng lại là công đoạn quyết định phần lớn năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, toàn huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên có 2.100 ha diện tích trồng cây cà phê, cây cà phê được trồng ở Mường Ảng 100% là dòng Arabica (cà phê chè), một loài cây có giá trị kinh tế cao và rất phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này.

Thế nhưng, không giống như cà phê Robusta (cà phê vối), khi quả chín chỉ thu hoạch một lần và chế biến khô. Cây cà phê Arabica quả chín không đồng đều nên phải thu hái làm nhiều đợt và đòi hỏi người hái tuân thủ theo những nguyên tắc, như: chỉ hái quả chín, không nẫu, không ương, không xanh…

Tuy nhiên để hái cà phê đạt tiêu chuẩn như vậy thì năng suất lao động thấp dẫn đến thu nhập của người lao động cũng thấp theo; mặt khác, nếu tăng giá thu hái để đảm bảo thu nhập cho người lao động thì sẽ đội chi phí cho các chủ vườn.

Trong khi các nhà thu mua cà phê xuất khẩu đã đặt ra một quy định là: tỷ lệ quả nẫu không quá 5%, quả xanh, non không quá 5%. Thế nhưng có nhiều chủ vườn khi nghiệm thu sản phẩm vẫn dở khóc, dở cười vì người lao động hái không đúng theo hướng dẫn nên có khi tỷ lệ quả không đạt lên đến 30-50%...

Theo ông Tạ Mạnh Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, điều đó được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, như: “Mùa thu hoạch cà phê trùng với thời điểm thu hoạch lúa nên những người có kinh nghiệm hái cả phê bị giảm đi đáng kể. Do vậy, đã có rất nhiều lao động từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đến hái cà phê - đó là nguồn lao động không ổn định nên rất khó quản lý”.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, do điều kiện thiếu hụt lao động như vậy đã xảy ra tình trạng người dân hái ẩu, hái không đúng kỹ quy trình dẫn đến tỷ lệ quả xanh, quả nẫu cao và tỉ lệ quả rơi rụng nhiều.

“Tất cả những lý do ấy dẫn đến hậu quả là giá trị cà phê bị giảm, thậm chí có những lứa cà phê không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng và đơn vị thu mua” – ông Cường nói.

Giải pháp nào để nâng cao năng suất?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lợi – một chuyên gia trong ngành cà phê, nguyên Chủ tịch Hội cà phê Mường Ảng cho biết: “1kg cà phê bị hái lúc còn xanh mà để đến khi chín thì sẽ tăng thêm được 1,5 đến 2 lần năng suất. Mặt khác, để hái hái cà phê đúng cách thì ngoài việc chọn hái quả chín còn cần phải hái theo kỹ thuật xoay cuống để cành không bị tổn thương, nghĩa là phần phân hóa mầm hoa không bị tuốt đi”.

Tuy nhiên, hiện nay đa số người hái cà phê vẫn hái theo cách tuốt cành dẫn đến việc phần cành bị tổn thương, vĩnh viễn không ra hoa được nữa.

“Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng để lý giải tình trạng chưa bao giờ cà phê ở Mường Ảng được mùa 2 vụ liên tiếp, cho dù thời tiết và các yếu tố khác đều thuận lợi” – ông Lợi giải thích.

Như vậy có thể thấy, việc hái cà phê không đúng kỹ thuật đã đem lại một chuỗi các thiệt hại cho người trồng và trực tiếp ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu, chất lượng của cà phê Mường Ảng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Bá Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cà phê Việt Bắc – đơn vị thu mua phần lớn lượng cà phê ở Mường Ảng, cho rằng:

“Hiện Công ty đã ký cam kết thu mua cà phê cho người dân với giá tối thiểu là 10 nghìn đồng/1kg, nghĩa là có thể thu mua với giá cao hơn nếu như cà phê được thu hái đảm bảo đúng yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ quả xanh, quả nổi vẫn ở mức 20-30% nên Công ty chỉ thu mua với giá trên 8 nghìn đồng/1kg”.

Nếu như số tiền chênh lệch khoảng 2 nghìn đồng/1kg mà chủ vườn chấp nhận trả cho người hái cà phê để họ hái đúng quy trình mà ngày công vẫn đảm bảo thì “cái được của chủ vườn không những là nâng cao chất lượng mà năng suất cũng tăng đáng kể”.


Có thể bạn quan tâm

Bệnh rỉ sắt hại cà phê Bệnh rỉ sắt hại cà phê

Bệnh rỉ sắt thường xuất hiện, gây hại phổ biến trên vườn cà phê trong mùa mưa, làm rụng lá hàng loạt. Nếu không chú ý phòng trừ, sẽ ảnh hưởng tới năng suất.

13/09/2021
Bón phân để cà phê chắc hạt Bón phân để cà phê chắc hạt

Quy trình chăm bón là mấu chốt thành công cho cả quá trình canh tác. Đặc biệt khi sản xuất cà phê ngày càng chịu tác động xấu từ biến đổi khí hậu, giá cả...

13/09/2021
Nguy cơ thối rễ, vàng lá cà phê trên đất giàu Boxit Nguy cơ thối rễ, vàng lá cà phê trên đất giàu Boxit

Để khắc phục hiện tượng thối rễ, vàng lá cà phê trên đất có Boxit, ngoài bón phân Đầu Trâu chuyên dùng, cần bón thêm bột Dolomit

13/09/2021