Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sung cảnh ra quả
Cây sung là một cây trong tứ quý, được tin tưởng đem đến may mắn, sung túc cho chủ nhà. Dưới đây là những kỹ thuật trồng cây sung ra quả vào mùa Tết thật đẹp.
Kỹ thuật trồng cây sung bonsai lá nhỏ đẹp cũng rất dễ dàng. (Ảnh minh họa)
Kỹ thuật trồng cây sung cảnh, hay sung bonsai không khó, nhưng để ra quả nhiều, đẹp đúng dịp tết thì cần một vài quy tắc nhỏ.
Đặc điểm sinh trưởng
- Bộ rễ rất khỏe và ăn sâu chịu được ngập úng vì vậy có thể trồng ở bờ ao, nơi gần nước hoặc trên các hòn non bộ.
- Quả tự ra trên các cành già hoặc thân cây có khẵ năng hình thành hạt gieo mọc thành cây con.
- Để sinh trưởng và phát triển, sung yêu cầu điều kiện nóng ẩm của vùng nhiệt đới, song có tính chịu hạn và khô cũng như lạnh khá cao. Khi bị khô hạn hoặc lạnh các điểm sinh trưởng của thân, cành được bao bọc bằng các lá vảy và do đó tăng sức chịu đựng của cây. Vì vậy, cây sung phân bố rất rộng, đặc biệt ưa ẩm cả về đất lẫn không khí, phát triển tốt ở nơi có nước và độ ẩm cao, như ven hồ, sông ngòi hoặc trong bồn chậu non bộ.
- Là cây ưa sáng song sinh trưởng kém khi ánh sáng gay gắt, cường độ ánh sáng thấp khi đó lá mỏng, ít phân cành và các cành nhánh phân dài. Sung không kén đất, thích hợp với nhiều loại đất miễn là đất không bị khô hạn.
Kỹ thuật trồng
Đất trồng cần chọn những đất có thành phần cơ giới trung bình đến nặng, không nên trồng ở đất cát, sỏi hoặc những đất có khẵ năng giữ nước kém. Tốt nhất nên trồng sung những nơi có nước, trên hòn non bộ. Chọn các cây con có chiều cao từ 15- 20cm để trồng. Trước khi bứng cây con trồng nếu có lá non cần cắt bỏ lá này, lấp đất đến cổ rễ cây, tưới giữ ẩm 1-2 lần trong 1 tuần.
Chăm sóc cho cây sung
- Cây sung là cây dễ tính không đòi hỏi chăm sóc đặc biệt, song để có một cây sung đẹp, phân nhiều cành, lá nhỏ và cành không vươn dài cần chú ý cắt tỉa cành lá, uốn thân cành theo dáng thế mong muốn và bón lân cho cây. Nước là yếu tố chủ yếu ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, vì vậy có thể điều tiết lượng tưới và số lần tưới nước để khống chế sinh trưởng của cây.
- Để cho thân cây sung mau lớn, ngoài cắt tỉa cành lá người ta còn chú ý băm bỏ gốc và thân cây vào tháng 9 -10 hàng năm.
- Cây sung không có yêu cầu đặc biệt về phân bón, trong 1 năm tưới thúc cho cây 1 - 2 lần vào đầu hoặc cuối mùa mưa.
Cách làm lá sung nhỏ lại
Lá cây sung nhiều khi phát triển to quá, không phù hợp với các loại bonsai, lúc này cần có kỹ thuật để lá cây nhỏ lại. Để cho lá cứng, già đều, lấy kéo cắt bỏ toàn bộ lá trên cây, để lại phần cuống, một vài ngày sau, cuống lá sẽ rụng hết, lúc đó ngưng tưới nước. Một tuần sau, lá mới sẽ nhú ra, lúc này, tuyệt đối tránh nước, lá non khi thiếu nước sẽ nhỏ và đanh lại. Đến lúc toàn bộ lá trên cây đã già, có màu xanh thẫm mới bắt đầu chăm bón tưới nước bình thường.
Kích thích cây sung ra quả
- Có thể kích thích cây sung ra quả bằng cách ngừng tưới nước 15,20 ngày, vặt bỏ lá. Sau khi cây ra được một đợt lá mới, tiếp tục chăm sóc, cây sẽ ra nụ hoa và ra quả (sau khoảng 3 tháng). Cách này thường được làm từ tháng 6-8, mùa quả sẽ cho vào cuối năm.
- Kích cây ra quả bằng cách dùng dao, khía vài đường gần gốc cây, cho nhựa chảy ra, như vậy cây sẽ mau cho ra quả hơn. Nếu cây trồng trong chậu, nên thay sang chậu to hơn, bổ sung phân vi sinh, ngưng tưới nước, sau 2, 3 tháng cây sẽ ra lá và quả mới.
Lưu ý: Sau mỗi đợt cây ra quả và rụng đi sẽ để lại cùi hoa bám vào thân, không được tỉa hay cắt bỏ vì chính những vị trí đó, quả sung của đợt mới sẽ mọc ra. Nếu muốn đợt quả mới mọc ở chỗ khác mới nên cắt tỉa cùi hoa này, quả sung sẽ mọc ở những chỗ mới nơi thân đủ già.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Phú (An Giang) đã mạnh dạn chuyển từ canh tác lúa sang trồng sen. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo các nhà khoa học, việc sử dụng phân hữu cơ đúng kỹ thuật là yếu tố góp phần cải thiện năng suất, chất lượng trái cây đáp ứng nhu cầu SX phát triển bền vững
Với các ruộng lạc quá xanh tốt, thân lá lả lướt, cần dùng 3 - 5kg vôi bột, rắc đều lên mặt ruộng vào sáng sớm hoặc chiều tối, sẽ kìm hãm được sinh trưởng