Trồng sen trên đất ruộng
Nhận thấy việc canh tác lúa không mang lại hiệu quả, thường xuyên “được mùa, mất giá”… nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Phú (An Giang) đã mạnh dạn chuyển từ canh tác lúa sang trồng sen. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Tạo việc làm cho lao động địa phương qua việc thu hoạch ngó sen
Hiệu quả kinh tế cao
Năm 2017, do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh muỗi hành gây hại đã làm giảm đáng kể năng suất, chất lượng lúa sau vụ thu hoạch. Vì vậy, gia đình anh Trần Văn Hảo (ấp Tây An, xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang) đã chuyển đổi 5.000m2 đất ruộng sang trồng sen. Sau 1 năm triển khai, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cuộc sống gia đình anh ngày càng được cải thiện.
Theo anh Hảo, so với các mô hình nông nghiệp khác, trồng sen có nhiều ưu điểm, ít bị rủi ro, nhẹ công chăm sóc và đầu ra ổn định, do thị trường tiêu thụ rộng lớn. “Sen từ khi trồng đến thu hoạch mất khoảng 50 ngày và kéo dài thời gian thu hoạch ngó sen khoảng 2 tháng. Mỗi ngày, gia đình tôi thu hoạch khoảng 50-60kg ngó sen, bán cho thương lái từ 12.000 - 15.000 đồng/kg (có lúc hơn 20.000 đồng/kg). Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, trung bình mỗi công gia đình thu lợi khoảng 3 triệu đồng” - anh Hảo cho biết.
Giống như anh Hảo, gia đình anh Trần Ngọc Thương (ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ Tây) phát triển mô hình trồng sen xen canh với lúa trên diện tích 5.000m2. Việc trồng sen không chỉ giúp gia đình anh có thu nhập ổn định, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương từ công việc thu hoạch ngó sen. “Trồng sen hầu như thu hoạch liên tục (6 ngày nghỉ 2 ngày). Nhờ vậy, gia đình tôi có thu nhập ổn định” - anh Thương cho hay. Theo các hộ dân trồng sen, vụ đông xuân và thu đông, thời tiết rất thích hợp, sen phát triển tốt, cộng với thời điểm này sen bán có giá hơn nên được nhiều nông dân lựa chọn trồng.
Canh tác đơn giản
Ở xã Khánh Hòa (Châu Phú), gia đình ông Trần Minh Tâm (ấp Khánh An) là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi đất từ trồng lúa sang trồng sen ở địa phương. Ông Tâm cho hay, trồng sen bước đầu cho thấy một số lợi ích như: ít rủi ro, đầu ra ổn định, thu nhập cao và ít công chăm sóc, giúp cải tạo được nguồn nước nhiễm phèn. Trước khi canh tác, phải làm đất thật kỹ, san phẳng mặt ruộng, tạo đường nước để dễ thay nước khi sen ra bông, không bị thối ngó và phải xịt thuốc diệt ốc trước khi trồng sen. Mật độ trồng khoảng 150 cây con/công. Nếu trồng dày, sen không đủ diện tích phát triển, cho năng suất thấp. Sen sau khi trồng 1,5 - 2 tháng, lá sen trải rộng khắp mặt ruộng, có thể thu hoạch ngó sen. Thời gian thu hoạch kéo dài 2 tháng. Trong quá trình canh tác, để đạt hiệu quả cao nông dân phải chủ động nghiên cứu kiến thức, học hỏi kinh nghiệm về các quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác cách giữ nước cho cây sen… Đồng thời, cần biết cách phòng trừ sâu bệnh, chăm bón và khoảng cách thời gian cắt tỉa lá già, úa để tạo khoảng trống cho gương sen phát triển và ra nhiều hơn.
Hiện nay, gia đình ông Tâm canh tác 4ha sen. Bình quân mỗi công sen, gia đình ông thu lãi 3-4 triệu đồng. Ngoài canh tác sen lấy ngó, lấy gương, gia đình ông Tâm còn cung cấp thêm cây giống cho thị trường với giá 2.000 đồng/bụi. Nhờ đó, gia đình ông Tâm có thêm nguồn thu nhập. Bên cạnh tạo thu nhập cao cho người trồng, việc phát triển diện tích trồng sen cũng góp phần tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương.
Với ưu thế về thời gian thu hoạch ngắn, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, sản phẩm dễ tiêu thụ, nghề trồng sen lấy ngó trên đất ruộng là mô hình phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương
Có thể bạn quan tâm
Ở xã miền núi xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có một người từng là "bộ đội cụ Hồ”, đó là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phạm Hồng Hiền.
Chỉ mới phát triển hơn 2 năm nay nhưng việc nuôi gà trong trang trại lạnh ở xã Ninh Gia, huyện Ðức Trọng đang mang lại nguồn thu ổn định cho người dân
Mô hình sản xuất rau thủy canh được chị Ngô Thị Thanh Nhàn tiên phong phát triển ở địa phương, nhằm mang đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch, an toàn.