Trang chủ / Rau củ quả / Khoai tây

Kỹ thuật trồng khoai tây Atlantic đảm bảo tiêu chuẩn chế biến

Kỹ thuật trồng khoai tây Atlantic đảm bảo tiêu chuẩn chế biến
Tác giả: ThS. Nguyễn Đức Chí - Trạm KN Quỳnh Phụ
Ngày đăng: 24/09/2016

1. Đặc điểm giống

Khoai tây Atlantic có nguồn gốc từ Mỹ, TGST 95-100 ngày; cây sinh trưởng mạnh khoảng 45-50 ngày sau trồng đã kín luống; dạng cây đứng, ít mầm nhưng có nhiều nhánh, lá to, màu xanh đậm, ra hoa sớm, hoa màu phớt tím. Atlantic tạo củ sớm, số lượng củ trung bình (8-9 củ/cây), củ đồng đều, mắt củ nông, củ có hình tròn, vỏ củ màu vàng nhạt hơi sần, thịt củ màu trắng.

Atlantic có tiềm năng năng suất cao (25-35 tấn /ha), dạng củ và hàm lượng chất khô trong củ cao (22,5-23%) phù hợp cho chế biến công nghiệp. Giống khá mẫn cảm với bệnh mốc sương (Phytophthora infestans) song kháng các bệnh virus tốt

Khi quá ngày tuổi củ có hiện tượng rỗng ruột, cuối vụ độ ẩm quá cao đột ngột gây hiện tượng nứt củ.

2. Thời vụ

Atlantic là giống có TGST dài hơn các giống khoai tây khác do vậy tời vụ trồng từ 20/10-10/11, tốt nhất từ 25/10-05/11

3. Đất và kỹ thuật làm đất

3.1/ Chọn đất trồng

Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, nhiều chất hữu cơ, dễ thoát nước, pH = 5,5-6,0. Không nên trồng khoai tây trên những chân đất trước đó đã trồng cây cùng họ như cà chua, ớt …

3.2/ Làm đất

Đất được dọn sạch cỏ, cày bừa kỹ. Làm luống đôi 120-140 cm (cả rãnh) hoặc luống đơn 70-80 cm (cả rãnh). Rạch hàng dọc, hai hàng cách nhau 35-40 cm.

4. Mật độ – khoảng cách trồng

Hàng x hàng: 35-40 cm

Cây x cây: 30-35cm

5. Bón phân

Lượng phân bón: (tính cho 1 sào bắc bộ)

Phân chuồng: 700-800 kg

Phân vi sinh Azotobacterin: 15-20 kg

Phân đạm Urea: 10-12 kg

Phân lân Supe: 20-25 kg

Phân Kali: 8-10 kg

Hiện nay trên thị trường có phân NPK chuyên dùng cho khoai tây song để đảm bảo củ thương phẩm cần bón thêm 2 kg Kali/sào.

6. Cách bón:

Bón lót khi làm đất: Bón toàn bộ phân chuồng, phân lân, vi sinh, nếu đất khô bón thêm 25% đạm, 25% Kali.

Bón thúc:

Lần 1: Sau khi cây mọc từ 7-10 ngày bón 50% lượng đạm, 25% lượng Kali kết hợp xăm xới, làm cỏ và vun đè dây;

Lần 2: Sau bón phân thúc lần thứ nhất 10-15 ngày bón toàn bộ lượng phân đạm và kali còn lại, kết hợp làm cỏ, vun cao luống. Chú ý vun đầy gốc cây, tránh để gốc cây trũng, hở củ.

7. Chăm sóc

Đối với ruộng khoai trồng sau bão gặp thời tiết hanh khô cần tưới đủ ẩm ban đầu cho cây mọc nhanh.

Nhìn chung trong vụ khoai tây cần 3 lần tưới nước quan trọng:

Lần 1: sau bón phân và vun xới lần 1.

Lần 2: sau bón phân và vun xới lần 2.

Lần 3: sau trồng 50-60 ngày.

Lưu ý: Cây khoai tây là cây “chân ẩm đầu khô” do vậy tưới chủ yếu là tưới rãnh, không nên té nước lên thân lá đặc biệt từ khi cây phủ kín luống.

 Do khoai tây Atlantic hay nứt củ nên cần dữ đủ ẩm thường xuyên nhât là từ khi phình củ.

Sau trồng 60 ngày không nên tưới cho khoai tây Atlantic để đảm bảo chất lượng củ khoai thương phẩm cho chế biến.

8. Phòng trừ sâu bệnh

Rệp sáp (Pseudocomlus citiis R.): Kiểm tra thường xuyên và chú ý rệp ở mầm củ, gốc cây. Sử dụng thuốc Supracide 40EC (15-20 ml/10 lít nước), Confidor 100SL (15-20 ml/10 lít nước), Vidithoate 40EC (30-40 ml/10 lít nước).

Bệnh héo xanh: Do vi khuẩn Pseudomonas solanasearum gây ra.

Triệu chứng: Sau trồng khoảng 30 ngày có hiện tượng buổi chiều cây héo tái từ ngọn xuống, sáng sớm cây tươi trở lại sau vài ngày thì cây chết.

Biện pháp phòng trừ: sử dụng củ giống sạch bệnh, luân canh cây khác họ cà, tốt nhất với lúa giúp làm giảm nguồn bệnh trong đất. Thường xuyên thăm đồng phát hiện cây bị bệnh nhổ và tiêu hủy đồng thời rắc vôi bột ngay vào gốc cây bị bệnh hạn chế lây lan.

Bệnh sương mai: Do nấm Phytophthora infestans gây ra. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, độ ẩm không khí cao và thời tiết ấm. Sương mù cũng là điều kiện tốt cho bệnh phát triển thành dịch.

Biện pháp phòng trừ:

Bón phân cân đối NPK, không nên bón đạm muộn.

Dùng các loại thuốc Mancozeb 80WP (20g/10 lít nước), Ridomil MZ72 (20g/10 lít nước), Dithan M-45 80WP (20-30g/10 lít nước)… để phun phòng. Phun phòng khi thấy trời ẩm nhiều, có sương.

Bệnh lỡ cổ rễ: Do nấm Rhizoctonia solani. gây ra. Thân khoai tây bị nhiễm bệnh chủ yếu ở phần gốc. Cây bị bệnh ngừng phát triển chết rũ xuống.

Biện pháp phòng trừ: Không dùng rạ rơm của các ruộng bị nhiễm bệnh khô vằn nặng phủ cho khoai tây, khi bệnh chớm xuất hiện phun các loại thuốc Valydacin (20-30g/10 lít nước), Anvil 5SC (10-20ml/10 lít nước)…

9. Thu hoạch

Khi thấy 2/3 số cây trên ruộng chuyển từ xanh sang vàng là thu hoạch. Trước khi thu hoạch 5-7 ngày nên cắt thân lá chỉ chừa lại một đoạn thân 10-15cm. Chọn ngày nắng ráo để thu, bới đến đâu rải trên mặt luống đến đó đồng thời phân loại củ đủ tiêu chuẩn thương phẩm để riêng, hạn chế làm sây xát củ trong lúc thu hoạch, vận chuyển.


Có thể bạn quan tâm

Quy trình kỹ thuật trồng khoai tây an toàn Quy trình kỹ thuật trồng khoai tây an toàn

Quy trình kỹ thuật trồng khoai tây an toàn

24/09/2016
Quy trình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ Quy trình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ

Từ kết quả nghiên cứu, mô hình thực nghiệm và tổng kết thực tiễn tại các địa phương, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng thành công Quy trình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ tại các tỉnh phía Bắc.

24/09/2016
Kỹ thuật trồng khoai tây làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ Kỹ thuật trồng khoai tây làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ

Khoai tây là cây trồng vụ đông vừa có hiệu quả kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao lại vừa giải quyết tốt áp lực thời vụ và tăng diện tích trồng trên các chân ruộng thu hoạch lúa muộn không thể trồng ngô hay đâu tương. Trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tốt thiểu có phủ rơm, rạ là một Tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng thành công trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, vừa giảm công lao động, tăng năng suất, vừa tạo ra mẫu mã củ đẹp, tăng giá bán, tăng thu nhập; Chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ để bà con áp dụng:

24/09/2016