Kỹ thuật trồng khoai tây làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ
1. Thời vụ trồng:
Vụ Đông: trồng từ 20/10 đến 15/11 hàng năm, nên tập trung trồng từ đầu đến giữa tháng 11.
2. Chuẩn bị:
- Thu gom rơm rạ: Khi thu hoạch lúa mùa, cắt rạ sát gốc, rơm và rạ được thu gom, xếp gọn thành đống ở góc ruộng; Ngoài ra, thu gom thêm rơm, rạ trên các ruộng khác đảm bảo có đủ rơm, rạ phủ, cứ 2 - 3 sào rơm rạ sẽ đủ để phủ cho 1 sào khoai tây.
- Đất trồng: Có thể áp dụng trồng trên nhiều loại đất, xong phải đảm bảo chủ động nước tưới, thoát nước nhanh nếu có mưa lớn; Rút kiệt nước ruộng trước khi thu hoạch lúa 7 - 10 ngày.
- Bón vôi bột với lượng 15 - 20 kg/sào. Khi độ ẩm đất còn 70 - 75% (Nắm đất thấy dính tay, nước không chảy ra kẽ ngón tay) thì tiến hành trồng.
- Cày luống rộng 120 - 130 cm, rãnh rộng 30 cm, sâu 20 - 25 cm, tạo mặt luống rộng 90 - 100 cm..
3. Chuẩn bị khoai giống:
- Lượng giống: Khoảng 1.100-1.200 củ giống/sào (35-40 kg/sào; 1,0-1,2 tấn giống/ha).
- Ủ mầm: Vặt bỏ mầm chính, xếp khoai dày 5 - 10 cm, phủ rơm hoặc bao tải đay ẩm khoảng 3 - 4 ngày, khi mầm phụ mọc dài 0,5 - 1 cm thì đem trồng. Nếu củ giống to thì bổ củ làm 2-3 phần.
* Cách bổ củ khoai giống:
Bước 1: Hơ dao qua lửa;
Bước 2: Bổ dọc củ khoai sao cho mỗi phần củ có từ 2 - 3 mắt;
Bước 3: Chấm mặt cắt củ khoai vào xi măng khô;
Bước 4: Đặt ngửa củ khoai lên nong, nia hoặc bạt; Khi mặt cắt khô, đem trồng. Quay lại Bước 1 để tiếp tục bổ củ khác.
4. Cách trồng:
- Trồng 2 hàng so le trên 1 luống: Hàng cách hàng: 40cm; Cây cách cây: 35cm.
- Rải phân bón lót giữa luống (Phân chuồng + NPK5.10.3)
- Đặt nghiêng củ giống, quay mặt cắt ra phía ngoài rãnh luống, chú ý không để củ giống tiếp xúc với phân bón; phủ kín củ bằng đất bột để cố định củ và giúp cây nhanh ra rễ.
- Phủ rơm, rạ dày 5 - 7 cm kín mặt luống. Khi cây cao 5 cm thì tỉa mầm, chỉ để 3 - 4 mầm/khóm. Khi cây cao 20 cm, phủ thêm 1 lớp rơm, rạ dày 10 - 12 cm quanh gốc cây kết hợp bón phân thúc lần 1.
5. Phân bón và cách bón: (Tính cho 1 sào Bắc bộ)
* Lượng phân bón: 5-8 tạ phân chuồng ; 20-25 kg NPK5.10.3 ; 40 kg NPK12.5.10
- Bón lót (Khi trồng): 5-8 tạ phân chuồng + 20 - 25 kg NPK5.10.3
- Thúc lần 1 (Sau trồng 3 tuần hoặc khi cây cao 20 cm): 20 kg NPK12.5.10 + Phủ bổ sung 10 – 12 cm rơm rạ quanh gốc khoai.
- Thúc lần 2 (Sau trồng 6 tuần): 20 kg NPK12.5.10
* Cách bón thúc: Vạch rơm,rạ, rải phân vào giữa 2 cây rồi phủ rơm, rạ lại (Nếu đất khô phải tưới bổ sung ngay sau khi bón).
6. Nước tưới: Luôn đảm bảo độ ẩm đất 70 - 75%.
- Lần 1 (Sau trồng 2 - 3 ngày): Cho nước ngập 1/3 rãnh, để ngấm đủ ẩm rồi tháo cạn.
- Lần 2 (Sau thúc lần 1): Cho nước ngập 1/2 rãnh, để ngấm đủ ẩm rồi tháo cạn.
- Lần 3 (Sau bón thúc lần 2): Cho nước ngập 1/2 rãnh, để ngấm đủ ẩm rồi tháo cạn.
- Ngoài ra: Khi nào đất khô có thể tưới bổ sung bằng ô doa hoặc bằng gáo.
Trước thu hoạch 15 - 20 ngày (Sau trồng 10 tuần), không tưới nước để tránh thối củ.
7. Thu hoạch:
Thu hoạch sau trồng khoảng 90 ngày, khi cây có biểu hiện thân lá chuyển vàng, vỏ củ nhẵn bóng và rắn chắc. Thu hoạch khi trời nắng ráo.
Có thể bạn quan tâm
Khoai tây đông thường được bố trí trên chân đất 2 vụ lúa (lúa đông xuân + lúa mùa + khoai tây đông). Để cây khoai tây sinh trưởng tốt, năng suất cao thì cần bố trí trồng trên các chân đất vàn, vào cao; đất có độ tơi xốp, thuận tiện trong việc tưới tiêu và thoát nước tốt.
Từ kết quả nghiên cứu, mô hình thực nghiệm và tổng kết thực tiễn tại các địa phương, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng thành công Quy trình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ tại các tỉnh phía Bắc.